Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


ALBERT CAMUS VÀ CUỘC CÁCH MẠNG HUNG 1956

(NCTG) "Máu của người Hung quá ư quý báu đối với Châu Âu và đối với tự do, khiến chúng ta phải tiết kiệm nó từng giọt."

 Albert Camus (1913-1960)

LTS: Cuộc khởi nghĩa đòi tự do và độc lập dân tộc của Hungary năm 1956, trước sau, đã nhận được rất nhiều hồi âm ủng hộ từ giới trí thức phương Tây đương thời, trong số đó, có nhiều người từng có khuynh hướng thiên tả, có cảm tình với Đảng Cộng sản.

Chỉ cần nhắc đến một số tên tuổi lớn, như nhà văn, triết gia nổi tiếng Jean-Paul Sartre (Nobel Văn chương 1964); văn hào đã có một cuộc trò chuyện dài - nội dung đoạn tuyệt chủ nghĩa Stalin độc đoán - với tờ "L'Express", mang tựa đề "Sau Budapest 1956, Sartre lên tiếng".


Simone Signoret és Yves Montand, hai nghệ sĩ, trí thức lớn của Pháp, vốn được Liên Xô cư xử một cách "mềm dẻo", cũng đã tận dụng những dịp gặp gỡ lãnh tụ cộng sản Nikita Khrushchev để cật vấn về sự can thiệp của Liên Xô tại Hungary.

Và, ngày 23-10-1957, đúng vào kỷ niệm 1 năm cách mạng 1956 của Hung, văn hào Albert Camus (Nobel Văn chương 1957), đã có lá thư ngỏ động lòng mang tựa đề "Máu của người Hung", đến nay vẫn được người Hung nhắc đến khi nhắc tới cách mạng 1956.

Sau đây là bản chuyển ngữ của tư liệu vô cùng quan trọng này từ bản tiếng Hung, đăng tải lần đầu năm 1986 nhân 30 năm biến cố 1956 bởi Nhà xuất bản Dân quân (Nemzetőr), một cơ sở xuất bản của dân Hung lưu vong tại Áo (sau khi cách mạng 1956 bị đàn áp, Áo đã tiếp nhận chừng 200 ngàn người Hung tị nạn).

Những đoạn in đậm và nghiêng đều theo bản tiếng Hung. (ND)

*

MÁU CỦA NGƯỜI HUNG

Tôi không thuộc hàng những kẻ muốn dân tộc Hung lại cầm vũ khí một lần nữa, để liều mình vào một cuộc khởi nghĩa chắc chắn sẽ bị đàn áp ngay trước mắt thế giới Phương Tây, cái thế giới không hề tiết kiệm những tràng pháo tay cũng như những giọt nước mắt Thiên Chúa. Mà, tôi muốn người Hung hãy trở về, thay giày bằng dôi dép đi trong nhà, như các cổ động viên túc cầu sau một trận giành Cúp ngày Chủ nhật.

Máu đã chảy quá nhiều trong sân bãi và con người ta chỉ còn có hào hoa với máu của chính mình. Máu của người Hung quá ư quý báu đối với Châu Âu và đối với tự do, khiến chúng ta phải tiết kiệm nó từng giọt.

Nhưng tôi cũng không thuộc hạng người nghĩ rằng phải thích nghi, cho dù chỉ là nhất thời, phải chấp thuận sự thống trị trên cơ sở khủng bố. Sự thống trị bằng bạo lực ấy, tự gọi mình là "xã hội chủ nghĩa", không hề có nhiều cơ sở hơn những đao phủ của tòa án dị giáo từng coi mình là người Thiên Chúa.

Trong dịp kỷ niệm hôm nay của nền tự do, tự trái tim mình, tôi cầu mong sự phản kháng âm thầm của nhân dân Hung hãy tiếp tục, hãy lớn mạnh và, với tiếng vang từ những lời thét của chúng ta vang lên từ mọi nơi như một cuộc tấn công, sự phản kháng ấy hãy khiến công luận thế giới phải đồng thanh tẩy chay những kẻ áp bức.

Và, nếu thứ công luận này quá yếu ớt và vị kỷ, không đủ để mang công lý đến cho một dân tộc tử đạo, nếu tiếng nói của chúng ta quá mảnh mai, tôi vẫn cầu mong sự phản kháng của người Hung tồn tại ở phía Đông đến khoảnh khắc mà thứ nhà nước phản cách mạng phải sụp đổ ở mọi nơi dưới sức nặng của những mâu thuẫn và những dối trá của nó.

Nước Hung bị chà đạp, bị xiềng xích, đã nỗ lực cho tự do và công lý hơn bất cứ dân tộc nào trên thế giới trong vòng hai mươi năm qua. Để cái xã hội Phương Tây mũ ni che tai này hiểu được bài học lịch sử ấy, máu của người Hung đã phải đổ nhiều và dòng máu đó giờ đã khô lại trong ký ức.

Dân Hung quyên tiền giúp đỡ các nạn nhân trong cách mạng 1956 - Ảnh tư liệu

Châu Âu đã bị bỏ lại một mình! Tại nơi đây, chúng ta chỉ có thể trung thành với nước Hung, nếu như, không bao giờ và không ở nơi đâu, chúng ta phản bội những gì mà những chiến sĩ Hungary đã hy sinh đời mình, và không bao giờ, không ở nơi đâu, cho dù chỉ là gián tiếp, chúng ta hùa theo những kẻ sát nhân.

Thật khó để xứng đáng với từng ấy nạn nhân. Nhưng chúng ta cần cố quên đi những cuộc tranh luận, cần sửa chữa những sai lầm, cần tăng những nỗ lực và sự đoàn kết lên gấp bội trong một Châu Âu rốt cục cũng đã thống nhất. Chúng ta tin tưởng rằng một cái gì đó đã lan ra trên thế giới, đồng thời với những trở lực của mâu thuẫn và tử thần đã khiến lịch sử của chúng ta bị hoen mờ - đó là sức mạnh của cuộc sống và sự thuyết phục, của phong trào tiến lên hùng mạnh của dân tộc. Sức mạnh ấy, chúng ta gọi là văn hóa, là sản phẩm của sáng tạo tự do và lao động tự do.

Thợ thuyền và trí thức Hung - những người mà chúng ta, đến giờ, vẫn sầu khổ và bất lực khi đứng bên họ - biết rõ tất cả những điều này và họ là những người khiến chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của mọi sự việc. Vì vậy, nếu chúng ta sẻ chia với họ trong cơn hoạn nạn này, niềm hy vọng của họ cũng chính là của chúng ta. Dù rơi vào cảnh khốn cùng, dù bị xích xiềng và xua đuổi, họ đã để lại cho chúng ta một di sản huy hoàng mà chúng ta phải phấn đấu để xứng đáng với nó: đó là sự tự do mà họ đã không giành được, nhưng họ đã trả lại cho chúng ta vỏn vẹn trong vòng một ngày!

Tác giả bài viết: Albert Camus, 1957