Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


52 NĂM BỨC TƯỜNG Ô NHỤC CƯỚP ĐI 136 MẠNG NGƯỜI

(NCTG) Nhân 52 năm ngày “chào đời” của bức tường Berlin, nhiều hoạt động trọng thể đã được tổ chức vào ngày hôm nay, thứ Ba 13-8 tại thủ đô Berlin để tưởng nhớ những nạn nhân của sự chia cắt nước Đức.

Bức tường chia cắt Đông - Tây và lòng người - Ảnh tư liệu

Tại lễ kỷ niệm trung ương ở phố Bernauer, các vị lãnh đạo nhà nước Đức nhấn mạnh: tưởng nhớ hương hồn các nạn nhân của bức tường là điều đặc biệt quan trọng, vì thông qua số phận của họ, những thế hệ chào đời sau thời kỳ thay đổi thế chế có thể hiểu được bản chất của chế độ độc tài Đông Đức, một thể chế sẵn dàng dẫm đạp nhân quyền dưới bùn đen.

Cũng trong dịp kỷ niệm, Thủ tướng Angela Merkel đã “đứng lớp” trong giờ Sử tại một trường trung học ở Berlin. Còn tại cây cầu Glienicke (cạnh Potsdam), Thống đốc bang Brandenburg Matthias Platzek trong bài phát biểu của mình đã nhấn mạnh: bằng việc dựng lên bức tường, Đảng Cộng sản Đông Đức đã “bê-tông hóa” sự chia cắt Châu Âu và nước Đức theo đúng nghĩa đen của từ này, để người dân Đức không được sống trong một “xã hội mở”.

Còn nhớ, câu cầu Glienicke - cửa khẩu khét tiếng một thời - được biết đến trong bộ phim trinh thám nổi tiếng dựa trên tiểu thuyết cùng tên “Người về từ miền đất lạnh” (The spy who came in from the cold, 1963) của nhà văn Anh John Le Carré -  tại đây, đã diễn ra sự trao đổi tù bình, chủ yếu là các tình báo viên bị đôi bên bắt được trong thời Chiến tranh lạnh.

Bức tường Berlin bao quanh khu vực Tây Berlin - hay “hệ thống phòng thủ biên giới”, hoặc “tường thành bảo vệ chống phát-xít” theo cách gọi của nhà nước và bộ máy tuyên truyền Đông Đức - được các đơn vị quân đội, biên phòng, công an và công nhân vũ trang CHDC Đức khởi xây vào đêm 12, rạng sáng ngày 13-8-1961.

Thoạt tiên chỉ là hệ thống hàng rào dây thép gai được canh phòng cẩn mật, với thời gian, một bức tường bê-tông cao 3m được xây nên giữa lòng Berlin, chia cắt đô thị này và một cách hình tượng, nó chia cắt toàn bộ Châu Âu. Tuy nhiên, trong vòng 28 năm, vẫn có chừng năm ngàn người vượt qua bức tường dài 156m này để qua Tây Berlin.
 

“Bước nhảy vào tự do”, bức ảnh nổi tiếng của nhiếp ảnh gia Peter Leibing ghi lại khoảnh khắc người lính Đông Đức 19 tuổi Conrad Schumann vượt qua Bức tường Berlin tại phố Bernauer, khi đó đang được xây dựng và mới chỉ là một hàng rào dây thép gai

Nhiều ngàn người đã bị bắt giữ, và tối thiểu 136 người thiệt mạng, đa phần dưới họng súng của lính biên phòng Đông Đức, nhưng cũng có người bị bắt sau khi “vượt tường” bất thành và tự sát trong ngục tù. Nếu xét trên toàn tuyến biên giới ngăn cách hai phần của nước Đức, thì có chừng 1.400 người đã chết trên đường vượt biên, hoặc sau khi bị bắt giữ.

Bức tường Berlin sụp đổ vào đêm 9-11-1989, một phần nhờ một biến cố ngẫu nhiên, một phần, do áp lực của phong trào dân chủ đang dâng cao tại Đông Đức, cũng như, đóng góp đáng kể của một số thành viên Ban lãnh đạo thượng đỉnh Hungary đương thời, đặc biệt là cố Ngoại trưởng Horn Gyula.

Nạn nhân cuối cùng của bức tường, theo tờ “Der Tagesspiegel” số ra ngày thứ Ba 13-8-2013, là một cậu bé 14 tuổi đã dùng búa đập một mảnh nhỏ từ bức tường bê-tông để giữ làm kỷ niệm. Tuy nhiên, trớ trêu thay, một tấm bê-tông khổng lồ đã đổ xuống và đè chết cậu ngay tại hiện trường, vào ngày 31-8-1990.

Tác giả bài viết: Trần Lê, theo Hãng Thông tấn Hungary MTI