20 năm trước: TÌNH BÁO TÂY ĐỨC BÓ TAY TRƯỚC BIẾN CHUYỂN TẠI ĐÔNG ÂU
- Chủ nhật - 08/11/2009 12:26
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tình báo CHLB Đức hầu như không biết chút gì về những sự kiện xảy ra trong khối XHCN cách đây 2 thập niên và cho dù có những nguồn tin khả tín, họ đã không tính đến chuyện bức tường Berlin sẽ bị sụp đổ - tờ “Spiegel” trực tuyến đưa tin, dựa trên các hồ sơ tuyệt mật của Cơ quan Tình báo Liên bang Tây Đức (BND), mới được công bố cách đây vài ngày.
Biểu trưng của Cơ quan Tình báo Liên bang Tây Đức (BND)
Tình báo Tây Đức là nguồn đầu tiên đưa tin về sự đào tẩu của Erich Honecker, cựu tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Đức. Ngày 7-11-1989, tức là chưa đầy 2 ngày trước khi bức tường Berlin sụp đổ, BRD thông báo cho Văn phòng Thủ tướng của Helmut Kohl biết rằng Honecker đã tới tiểu bang Saar, rồi sang Thụy Sĩ “chữa bệnh” với ý định chạy trốn. Tuy nhiên, đây là một thông tin sai lạc: lúc đó, lãnh tụ cộng sản Đông Đức vẫn sống tại ngôi nhà của ông gần Berlin.
Đây chỉ là một trong những thông tin thất thiệt, hoặc thiếu chính xác mà các điệp viên BND thu thập được thời đó. Trước đó, tháng 9-1989, cũng BND đã loan tin Honecker từ trần: nguồn tin này xuất phát từ Hoa Kỳ và được tờ báo Đức “Bild” đưa lại, nhưng BND đã bất cẩn đến mức… tin ngay cho dù nhiều nhà phân tích tỏ ra rất ngờ vực về độ xác tín của nó.
Một câu hỏi hợp lý được đặt ra: tình báo Tây Đức hoạt động hiệu quả đến mức nào tại CHDC Đức? Cho dù đại đa số các hồ sơ do BND khởi thảo về những sự kiện năm 1989 hiện vẫn được coi là tuyệt mật, nhưng mới đây, hàng ngàn trang tư liệu đã được mở cho các nhà nghiên cứu tại kho thư khố ở thành phố Koblenz. Qua đó, chúng ta có thể thấy được, tình báo CHLB Đức biết đến đâu về quân đội Đông Đức, về nội tình và tâm trạng của giới lãnh đạo thượng đỉnh Đảng Cộng sản CHDC Đức.
Có rất nhiều hồ sơ BND về Hans Modrow, người giữ cương vị thủ tướng Đông Đức sau khi bức tường Berlin sụp đổ và hiện là một gương mặt sang giá của cánh tả Đức. Tuy nhiên, các thông tin do BND thu thập về ông khá mâu thuẫn và có độ tin cậy vừa phải.
Chẳng hạn, một hồ sơ của BND cho rằng trong cuộc hội đàm với Mikhail Gorbachev, Modrow tỏ ý sẵn sang trao quyền chỉ đạo của cơ quan mật vụ chính trị Stasi cho Liên Xô, để 260 ngàn nhân viên mật vụ Đông Đức trở thành một bộ phận do KGB quản lý và trả lương. BND còn cho rằng khi đó, Gorbachev đã rất quan tâm tới đề nghị này vì Stasi có rất nhiều điệp viên đã “ăn sâu” tại các quốc gia Phương Tây và trên nhiều góc độ khác, họ còn hoạt động hiệu quả hơn KGB.
Trả lời phỏng vấn tờ “Spiegel”, Hans Modrow đã bác bỏ hoàn toàn nguồn tin này và gọi đó là “sự bịa đặt đê tiện”. Tuy nhiên, BND vẫn không công nhận rằng họ đã đưa tin sai: một số cựu nhân viên cơ quan này cho rằng, dầu sao đi nữa thì sau cuộc hội đàm nhắc tới ở trên, không ít nhân viên Stasi đã gia nhập KGB.
Những hồ sơ khác của BND còn cho thấy, từ năm 1988, Gorbachev đã muốn rút quân khỏi Đông Đức, nhưng điều này bị Honecker phản đối. Những bất đồng quan điểm giữa hai nhà lãnh đạo này đã khiến Gorbachev, trong một dịp, đã nói thẳng: theo ông, mỗi quốc gia phải tự chịu trách nhiệm về nội tình của mình.
Các hồ sơ vừa được giải mật cho thấy giới tình báo BND nhiều khi chỉ nói những gì mà thượng cấp họ muốn nghe, và họ không hề biết gì về tình hình chính trị, hoặc bầu không khí thực sự ở Đông Âu. Bởi lẽ, muốn làm được những điều đó, cần một đội ngũ tình báo đông đảo hơn nhiều, với phương pháp nghe trộm hoặc theo dõi đặc biệt.
Đã có lần, xuất phát từ những thông tin sai, BND vô tình rút ra được kết luận đúng. Ví dụ, năm 1989, tình báo Tây Đức nhận được nguồn tin có tới 1,5 triệu công dân Đông Đức đã nộp đơn xin di cư và nếu điều này xảy ra, quả là một làn sóng di dân khủng khiếp. Trong thực tế, đúng là con số những người muốn di cư có tăng trong năm 1989, nhưng thật ra, chỉ có 113.500 người đệ đơn lên chính quyền.
Khi biên giới Hungary – Áo được mở cho người tị nạn Đông Đức, BND đưa tin “dân Đông Đức rất phấn khởi và muốn được tham gia nhiều hơn nữa vào những đổi thay”. Thông tin này cố nhiên là xác thực, nhưng nó quá hiển nhiên, không cần phải hoạt động tình báo mới rút ra được kết luận đó.
BND đã quá coi nhẹ sức mạnh của phong trào dân sự Đông Đức và từ đầu đến cuối, họ nghĩ rằng Stasi nắm chắc trong tay tất cả. Qua việc nghe trộm các đường dây điện thoại và điện tín, tình báo Tây Đức không bao giờ tin rằng giới lãnh đạo bảo thủ Berlin lại có thể đầu hàng dễ dàng như vậy. Mặt khác, cho đến nay, một thực tế khác cũng đã được chứng tỏ: đại đa số điệp viên BND cũng đồng thời cộng tác với... Stasi và những thông tin họ cung cấp cho tình báo Tây Đức hàm chứa nhiều điều thất thiệt.
“Sự cố” bất ngờ xảy ra đối với Schabowski, cũng như trạng thái do dự, không dứt khoát có thể cảm nhận được trong Ban lãnh đạo Đông Đức… không hề được phản ánh trong các báo cáo của BND. Điều này cũng cho thấy rằng, BND chưa bao giờ thâm nhập được vào giới lãnh đạo thượng đỉnh CHDC Đức (ví dụ: Bộ Chính trị), và họ cũng chưa bao giờ có được bất cứ thông tin gì về những sự kiện diễn ra trong hậu trường. Bởi lẽ, họ bị bao phủ bởi vô số những thông tin giả mạo, thất thiệt hoặc vô giá trị, mà 99% là không có chút gì xác thực.
Do đó, có thể nói BND đã thực sự đứng ngoài những biến đổi của năm 1989: họ không phán đoán nổi những sự kiện then chốt của năm và điểm đặc thù cho hoạt động của hãng, là giám đốc BND cũng chỉ biết về sự sụp đổ của bức tường Berlin qua TV, trong chuyến đi Washington.
Khi đó, ông ta mới… tá hỏa và gọi điện cho các nhân viên, những người này cũng chỉ biết tới sự kiện trọng đại xảy ra giữa lòng Berlin qua... màn hình vô tuyến!