Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


20 năm trước: KHÔNG AI TIÊN ĐOÁN ĐƯỢC “HIỆU ỨNG DOMINO” NĂM 1989

(NCTG) Không một ai, ngay cả thủ tướng Đức Helmut Kohl, có thể tiên đoán được “hiệu ứng Domino” được khởi động do Hungary mở biên giới năm 1989 - cựu thủ tướng Hungary Németh Miklós phát biểu trong chương trình hồi tưởng 20 năm các sự kiện Đông Âu của đài BBC.

Thủ tướng Németh Miklós (giữa) - Ảnh chụp năm 1990, trong phiên họp của Quốc hội Hungary

Tham dự trong chương trình hồi tưởng của BBC 4, Németh Miklós kể lại: tháng 3-1989, ông thông báo cho Mikhail Gorbachev - Chủ tịch Liên Xô thời bấy giờ - rằng chính phủ Hungary đã đưa ra một quyết định mang tính nguyên tắc, theo đó, Hungary sẽ bắt đầu dỡ bức màn sắt ngăn cách biên giới Hungary – Áo. “Tôi không phải xin phép”, vị thủ tướng Hungary nhấn mạnh. Ông nói thêm: cho dù ông cũng có tính đến, tuy nhiên, lúc đó và về sau, đã không có những cú điện thoại giận dữ đến từ Moscow.

Németh Miklós tin tưởng rằng chủ thuyết của Brezhnev – theo đó Liên Xô có thể can thiệp (chính trị và vũ trang) vào các nước XHCN khác trong trường hợp họ thấy “cần thiết” – khi đó đã lỗi thời. Tuy nhiên, Hungary luôn phải lo ngại rằng Gorbachev sẽ bị loại trừ bởi phe cứng rắn và những người này còn có thể tận dụng hàng vạn binh lính Xô-viết vẫn đồn trú trên lãnh thổ Hungary. Cựu thủ tướng Hungary cho biết thêm: dạo đó, vẫn có thể nghe những “tín hiệu đáng ngại” từ các nguồn tin tình báo ở Moscow.

Quyết định nới lỏng việc kiểm ra biên giới – và sẵn sàng đặt vấn đề cho phép đa đảng - của chính phủ Hungary đã khiến các lãnh tụ cộng sản thủ cựu trong phe XHCN phải bất bình. Ông Németh Miklós nói: trong phiên họp tháng 7-1989 của Khối Warsaw, ông đã bị các lãnh tụ CHDC Đức Erich Honecker và Romania Nicolae Ceausescu “lên lớp” tàng giang đại hải, và thay vì từ “đồng chí”, họ đã dùng cách xưng hô “ngài” với ông, một điều được coi là “xúc phạm ghê gớm” thời bấy giờ. Cũng có mặt trong phiên họp, Gorbachev không nói năng gì, chỉ đôi lúc gật đầu tỏ vẻ ủng hộ thầm lặng với ông – Németh Miklós hồi tưởng.

Trước khi hoàn toàn mở biên giới cho dân tị nạn CHDC Đức, Németh Miklós đã có một “thỏa thuận bí mật” với chính phủ Tây Đức, cho họ có thời gian để tiếp nhận làn sóng công dân Đông Đức. Phát biểu với BBC, cựu thủ tướng Hungary cho biết: để tri ân nước Hung, “Helmut Kohl đã giúp đỡ Hungary trả những khoản nợ ngân hàng Phương Tây đáng kể”.

Không lâu sau khi Hungary dỡ bở Bức màn sắt, Erich Honecker đã không còn ở đỉnh cao quyền lực và chỉ ít tuần sau, bức tường Berlin cũng sụp đổ. Németh Miklós khẳng định: “Không ai trong số chúng tôi - kể cả Helmuth Kohl – có thể tiên đoán được “hiệu ứng Domino” này”.

Thủ tướng Hungary còn phải trấn an bà Margaret Thatcher, người đồng nhiệm có tư tưởng bảo thủ của Vương quốc Anh, người phản đối kịch liệt việc thống nhất nước Đức. Thatcher đã nói với Németh Miklós: “Sau 40 năm ổn định của thời Chiến tranh lạnh, bây giờ lại có một chuyện ngược đời xảy ra”. Thủ tướng Hungary phải tìm cách khiến bà an tâm: “Tôi nhấn mạnh rằng không còn khả năng lựa chọn nào khác, và rằng chúng tôi cần hợp tác để thiết lập một hình thái an ninh mới”.

Nhìn lại những sự kiện 20 năm trước, Németh Miklós là thành viên của nhóm lãnh tụ cộng sản theo hướng cải tổ của Đảng Công nhân Xã hội Hungary (MSZMP, tức Đảng Cộng sản), gồm Horn Gyula, Szürös Mátyás, Pozsgay Imre…, và là sáng lập viên Đảng Xã hội (MSZP), hiện là đảng cầm quyền tại Cộng hòa Hungary. Sau biến cố 1989, nhiều lần ông từng được coi là ứng viên khả dĩ của Đảng Xã hội trên cương vị thủ tướng.

Trong gần hai năm tại chức trên cương vị thủ tướng cuối cùng của nước Hungary cộng sản, nội các Németh Miklós đã có nhiều hành vi tích cực: phối họp cùng Quốc hội Hungary, thực thị những đạo luật cần thiết cho sự thay đổi thể chế, đảm bảo biến chuyển hòa bình và không vướng phải những khúc mắc đáng kể.

Ông cũng là tác giả của một tuyên bố vào ngày 14-7-1989, tưởng nhớ Nagy Imre và tất cả các nạn nhân của cuộc cách mạng 1956, sự kiện mà trước đó vẫn bị coi là “chính biến phản cách mạng”.

Tác giả bài viết: Trần Lê, theo mạng tin “Lịch sử”, Hungary