20 năm trước: “CHÚC CÁC BẠN NHỮNG GÌ TỐT ÐẸP NHẤT!”
- Thứ hai - 26/12/2011 23:50
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Sự sụp đổ của đế chế Xô-viết có thể gắn với nhiều thời điểm, tuy nhiên, 26-12-1991 có thể coi là mốc thời gian khi một tử thi được chính thức xác nhận là không còn khả năng tái sinh.
Tổng bí thư, nguyên thủ cuối cùng của Liên bang Xô-viết - Ảnh: Vitaly Armand (AFP)
Cách đây tròn 20 năm, vào ngày này, Hội đồng Nhà nước Liên Xô tuyên bố khai tử Liên bang Xô-viết - bằng động thái đó, chính thức cáo chung quốc gia có diện tích trải rộng bậc nhất trên địa cầu. Như một cuốn sách về Liên Xô được in vào năm 1979, đã mô tả về xứ sở này khi đang ở điểm cực thịnh của nó: “Diện tích 22.402.280 km2, dân số vào năm 1978 là 260 triệu, trải dài trên 11 múi giờ, gần 4.500 km về hướng Bắc - Nam và chừng 10 ngàn km theo hướng Ðông - Tây. Với diện tích gấp đôi Châu Âu, khi cư dân thủ đô chuẩn bị ăn bữa tối thì người dân vùng Viễn Ðông đã thức dậy cho một ngày làm việc mới, v.v...”.
Khó nói là Liên Xô sụp đổ chính xác vào khi nào - đất nước này đã trải qua một quá trình dài và đầy đau đớn để dẫn tới mốc 1991. Kiệt lực trong quá trình thực hiện những chính sách cải tổ (perestroika) và công khai hóa (glasnost) do Tổng bí thư Gorbachev chủ trương, với thời gian, đế chế Xô-viết đã hoàn toàn khánh kiệt cả về vật chất lẫn tinh thần. Ðời sống nhân dân xuống dốc, đến đường cũng phải mua bằng phiếu, xà phòng, thuốc đánh răng, muối và diêm trở nên “của hiếm”. Nhưng “Liên Xô chấm dứt khi nào?” vẫn là một câu hỏi khó vì nó có nhiều đáp án.
Nhiều thời điểm đáng kể trong năm 1991 đã được đưa ra. Chẳng hạn, cuộc đảo chính bất thành ngày 20-8 của “Bát nhân bang”. Những tuyên bố độc lập cuối tháng 8-1991, khi chỉ trong vòng 1 tuần, Estonia, Ukraine, Belorus, Georgia và Moldova tuyên bố trở thành những quốc gia độc lập. Hiệp ước Nga - Ukraine ngày 29-8, khi đôi bên đều tuyên bố sẽ không trở lại với mô hình liên bang cũ. Sự giải tán Ðại hội Ðại biểu Nhân dân Xô-viết ngày 5-9. Tuyên bố thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập ngày 8-12, giữa Nga, Belorus và Ukraine. Và cuối cùng, việc Gorbachev từ chức vào đúng ngày Giáng sinh 25-12.
Có thể coi từng biến cố trên như từng nhát búa tạ giáng vào bức tường đã rệu rã của Ðế chế Xô-viết, được thành lập và duy trì trên nền tảng cưỡng bức, bạo lực và độc đoán. Tuy nhiên, còn thú vị hơn nghị quyết tuyên bố khai tử Liên bang Xô-viết ngày 26-12-1991 của Hội đồng Nhà nước, là bài phát biểu từ chức trước đó 1 ngày. Tất nhiên, khi đó ông chỉ còn là nguyên thủ của một quốc gia không tồn tại, đã thiết lập quan hệ ngoại giao với cả những xứ sở mà trước đó ít lâu còn là một phần của nó, như Lithuania, Estonia hay Latvia.
Trong phát biểu cuối cùng trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, bị Tổng bí thư cuối cùng của Liên bang Xô-viết nhấn mạnh một cách rõ ràng, ông không đồng ý với việc chia nhỏ Liên Xô. Một nghịch lý là về sau, công luận Nga vẫn chỉ trích ông vì “tội” đã khiến Liên Xô sụp đổ, cho rằng sở dĩ mọi sự xảy ra theo chiều hướng đó là vì Gorbachev quá yếu ớt (đây cũng là lý do khiến ông chỉ chiếm được 1% số phiếu bầu trong kỳ tranh cử tổng thống Liên bang Nga năm 1996).
Phát biểu từ giã quốc dân đồng bào, Gorbachev đã điểm lại con đường đã đi từ khi được bầu làm tổng bí thư (năm 1985) mà ông cho là ngắn nhưng “chóng mặt”. “Số phận đã muốn rằng khi được lên đứng đầu quốc gia, đã có thể thấy rằng đất nước này có vấn đề. Một xứ sở giàu tài sản, có đất trồng trọt, dầu lửa, khí đốt và nhiều tài nguyên thiên nhiên, chúng ta có những con người thông minh và tài năng - vậy mà, lạy Chúa - chúng ta không chỉ sống tệ hơn các quốc gia phát triển, mà ngày càng tụt hậu so với họ”.
Theo Gorbachev, nguyên nhân của thực trạng này là hệ thống quan liêu, độc đoán, cũng như gánh nặng ghê gớm của cuộc chạy đua vũ trang mà xã hội Liên Xô - khi đó đã đến giói hạn của những khả năng - không còn chịu đựng nổi. Những chương trình cải tổ đã thất bại, những viễn ảnh chấm dứt, “do đó, không thể sống tiếp được như thế nữa”.
Liên Xô cáo chung trong quá trình cải cách đất nước, nhưng theo Gorbachev, quá trình cải tổ dù thất bại vẫn đạt được rất nhiều thành tựu: chế độ toàn trị được giải thể, bầu cử tự do, tự do báo chí và tín ngưỡng trở nên hiện thực, thể chế đa đảng và quyền con người được thừa nhận, nền kinh tế đa thành phần được phôi thai, người dân ngày càng có “hứng” kinh doanh, “dám nghĩ dám làm”, quá trình tư hữu hóa được tiến hành, và Chiến tranh lạnh kết thúc.
“Chúc tất cả các bạn những gì tốt đẹp nhất!” - đây là những lời cuối cùng của Gorbachev trong ngày cuối cùng, khi ông còn tại vị trong vai trò nguyên thủ quốc gia cuối cùng của Liên Xô.