20 năm nhìn lại: HỒI TƯỞNG CỦA HORN GYULA VỀ VẤN ĐỀ NGƯỜI TỊ NẠN ĐÔNG ĐỨC TẠI HUNGARY NĂM 1989
- Thứ bảy - 31/10/2009 12:42
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Được coi là một tượng đài của cánh tả Hungary thế kỷ XX, Horn Gyula đã nhận được rất nhiều lời tri ân từ nước Đức thống nhất, khi CHLB Đức coi những vết rạn đầu tiên đã khởi đầu, những viên gạch đầu tiên của bức tường Berlin đã được dỡ ở Hung.
Trong hồi ký mang tên “Những cột trụ” (Cölöpök), Horn Gyula đã thuật lại rất tỉ mỉ về diễn biến của thời gian từ tháng 8 đến tháng 9-1989, tức là khi vấn đề dân tị nạn Đông Đức nỗi cộm trong quan hệ Đông Đức – Hungary, cho đến khi Hung tìm ra được giải pháp tối ưu, góp phần cho sự sụp đổ của bức tường Berlin.
“Giải cứu” công dân Đông Đức tại tòa đại sứ CHLB Đức
Trong hồi ký, thú vị là những chi tiết ít được biết đến về hàng ngàn người Đông Đức tị nạn tại tòa đại sứ Tây Đức thời đó. Con số này ngày càng tăng và do đó, Hungary phải tìm cách xử lý vì cho dù mùa hè đã chấm dứt, nhưng dòng người từ Đông Đức tràn sang Hungary vẫn ngày càng đông.
Chính quyền Hungary không thể cho họ quy chế tị nạn vì dân Đông Đức không hề muốn tị nạn tại Hungary, mà chỉ muốn dùng xứ sở này làm nơi quá cảnh để tìm đường sang Phương Tây. Đồng thời, chính phủ cộng sản cải tổ Hungary thời đó cũng không muốn nhắm mắt tuân thủ một hiệp định cũ ký kết với các nước XHCN, theo đó, những người tự nạn sẽ bị cưỡng bức hồi hương bằng chuyên cơ của Đông Đức.
Bởi lẽ, theo ông Horn Gyula, cho dù chính phủ Đông Đức lặp lại rằng những người hồi hương sẽ không bị trừng phạt, tuy nhiên, trong các cuộc trò chuyện không chính thức, ngay các nhân viên nội vụ Đông Đức cũng thừa nhận rằng họ sẽ bị đưa vào một danh sách riêng, bị tước mọi khả năng đi lại, bị sách nhiễu tại nơi làm việc và trong cuộc sống.
Trong khi đó, giới ngoại giao Đông Đức tìm cách đổ tội cho Hungary không muốn giải quyết vấn đề người tị nạn theo ý họ và dọa dẫm rằng Budapest sẽ phải chịu trách nhiệm „một cách cay đắng” vì tình hình đã diễn ra. Đại sứ Đức tại Hungary còn lớn tiếng rằng „và nhân dân Đức sẽ không tha thứ cho các đồng chí về chuyện này đâu!”
Cùng lúc đó, giới ngoại giao Tây Đức cũng bí mật sang Hungary, đề nghị Hungary chấp nhận những người tị nạn CHDC Đức là công dân Tây Đức vì theo Hiến pháp nước này, mọi người Đức đều đương nhiên được coi là công dân CHLB Đức. Tất nhiên, Hungary không thể theo kịch bản kể trên vì đây sẽ là động thái đặt dấu hỏi cho sự tồn tại và tính chính đáng của nhà nước Đông Đức - nếu vậy, cả khối Hiệp ước Warsaw sẽ quay lưng lại với Hungary.
Cuối cùng, ngoại trưởng Horn Gyula đề xuất giải pháp Hungary cho phép tất cả những người tị nạn được tự do rời tòa đại sứ, lên xe buýt và đi thẳng ra phi trường. Rồi, chuyên cơ do phía Tây Đức cử đến sẽ chở họ sang Tây Đức.
Chiến dịch này đưọc thực hiện bí mật ở mức tối đa, vào hồi 2 giờ sáng, để tránh sự hoành hành của các nhân viên nội vụ Đông Đức, lúc đó ở Hungary rất đông đúc. Lực lượng Stasi này từng có mặt cả trong tòa đại sứ Tây Đức và bắt cóc nhiều người tị nạn Đông Đức trước sự bất lực của cảnh sát Hungary.
Người tị nạn tại tòa đại sứ Tây Đức chỉ được biết về chuyến đi 1 tiếng trước giờ khởi hành vì phía Hung sợ nếu thông báo sớm, họ sẽ nghi ngại rằng bị trả về Đông Đức và sẽ không chịu đi. Giấy tờ thông hành của họ, là loại hộ chiếu đặc biệt (chưa điền tên tuổi) của Hội Chữ thập đỏ Quốc tế, được một đặc phái viên mang đến từ Geneva.
Cuối cùng, chuyến đi trót lọt và hàng ngàn người tị nạn Đông Đức đã sang được phía Tây theo cách bí mật ấy.
Chuyện thú vị về mở biên giới Hungary – Áo
Về việc mở biên giới Hungary – Áo cho dân Đông Đức vào đêm 10-9, Horn Gyula cũng tiết lộ những thông tin rất thú vị.
Lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao của nước Hungary cộng sản, thủ tướng và ngoại trưởng quốc gia này đã chủ động đề xuất và bí mật sang Tây Đức, trong một chuyến thăm không chính thức chóng váng để bàn bạc với phía Đức về việc giải quyết cho chừng 60-70 ngàn người tị nạn còn lại.
Sau khi đã thống nhất trên nguyên tắc, Hungary mới cho Đông Đức hay rằng họ sẽ mở biên giới cho người tị nạn Đông Đức tràn sang Áo. CHDC Đức ngạc nhiên và kinh hoàng, không nghĩ rằng Hungary dám làm như vậy, thoạt đầu họ vừa dọa dẫm, vừa đề xuất một giải pháp là sẽ cho một luật sư và các „tuyên truyền viên” sang Hungary để „khuyên nhủ” các công dân họ trở về nước.
Tuy nhiên, sau đó, khi ông Horn Gyula đưa ra thời điểm mùng 3-9 để mở biên giới thì giới lãnh đạo Đông Đức mới hoảng hồn và nắm bắt được rằng, đây là ý định nghiêm túc của phía Hung - họ đành „xin” thêm 1 tuần nữa. Việc mở cửa biên giới đã diễn ra sau đó 1 tuần, nhưng ông Horn Gyula cũng cho biết rằng 10-9 thực ra chính là thời điểm mà phía Hung dự liệu ban đầu, có điều họ nói sớm hơn 1 tuần để Đông Đức có thời gian chuẩn bị tinh thần.
„Bang giao” với Liên Xô trong vấn đề Đông Đức
Chính phủ Hungary chỉ thông báo cho Liên Xô biết quyết định của họ vào ngày cuối cùng. Phía Hungary ý thức được rằng điện Kremlin đã biết tới quyết định từ lâu, nhất là do Ban lãnh đạo Đông Đức đã phàn nàn nhiều lần về chuyện này, nhưng vì Hungary không chính thức „báo cáo” với Liên Xô, nên Liên Xô cũng không có cớ gì tham gia vào vấn đề này, nhất là trong hoàn cảnh quốc tế lúc bấy giờ.
Ngoại trưởng Horn Gyula cho rằng, dù không nói ra ngoài, nhưng Gorbachev và ngoại trưỏng Liên Xô Eduard Shevardnadze cũng đồng tình với hướng giải quyết của Hungary. Ông thuật lại một câu chuyện. Hạ tuần tháng 9-1989, trong cuộc gặp mặt với Shevardnadze tại New York, người đồng nhiệm Liên Xô đã hỏi ông rằng, có khoảng bao nhiêu người Đông Đức muốn sang Tây Đức.
Horn đáp: không ai biết chính xác, nhưng chắc độ 1-2 triệu người. Thì ngoại trưỏng Liên Xô khẳng định, theo ông, tất cả những ai muốn đi đều nên cho đi, và không được dùng vũ lực để giữ lại.