Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


1989: MỘT TIN THẤT THIỆT DẪN ĐẾN SỰ SỤP ĐỔ CỦA CNCS TẠI TIỆP KHẮC

(NCTG) 19 năm trước, tại thủ đô Praha, CNCS đã sụp đổ trong vòng 5 ngày ngắn ngủi: ngày 17-11 mới chỉ có 5 ngàn thanh niên xuống đường, nhưng tới 22-11 Ban lãnh đạo cộng sản đã phải đệ đơn từ chức, dưới sức ép của công luận. Trong guồng xoáy chóng mặt của các sự kiện, có vai trò không thể phủ nhận của một sinh viên tên là Martin Smid, người bị đồn đại là đã bỏ mạng ngay trong ngày đầu.

Martin Smid năm 2003 - Nguồn: radio.cz

Trong những cuộc đụng độ giữa người biểu tình (hay các cổ động viên bóng đá) và cảnh sát, việc loan tin ai đó bị chết - một cách thất thiệt - là không hiếm. Đầu tháng 11-2008, khi cảnh sát Slovakia vô cớ tấn công các cổ động viên của đội chủ nhà ở Dunaszerdahely (vùng đất xưa thuộc Hungary, này là lãnh thổ Slovakia), người ta cũng loan tin một cổ động viên từ Hung sang Slovakia cổ vũ đã bị thiệt mạng.

Tin này cũng đóng vai trò không nhỏ, khiến vài trăm người Hung đã tập trung trước tòa đại sứ Slovakia tại Budapest để phản đối sự bạo hành cảnh sát; trong số đó, có một người đã đốt cờ Slovakia, khiến quan hệ ngoại giao giữa Hungary và Slovakia trở nên xấu đi chưa từng thấy. Cuối cùng, hóa ra đương sự là người địa phương và vẫn... sống sờ sờ!

Cần nói thêm là, trong những cuộc biểu tình chính trị - kèm đụng độ ngoài đường phố - xảy ra như cơm bữa tại Hungary vài năm nay, không ít lần, tin ai đó bỏ mạng đã được loan. Chẳng hạn, trong dịp kỷ niệm cách mạng Hung năm 2006 (23-10), khi cảnh sát và đoàn người biểu tình cực đoan đụng độ lớn tại trung tâm Budapest, trên nhiều kênh truyền thông đại chúng, nhiều giờ liền, người ta đã đặt câu hỏi: dường như một người biểu tình đã thiệt mạng? Rốt cục, tin này cũng bị bác bỏ.

Trở lại những sự kiện năm 1989 cách đây 19 năm, vào ngày 17-11, mới chỉ có 5 ngàn người xuống đường đòi dân chủ. Khi ấy, người dân Đông Đức vừa phá đổ "Bức tường ô nhục" Berlin; Hungary đang chuẩn bị cho kỳ trưng cầu dân ý đầu tiên của thời dân chủ, mang tên "4 igenes", còn tại Ba Lan, phe đối lập và chế độ cũ đã thỏa thuận được về đường đi nước bước của thời kỳ chuyển tiếp. Tuy nhiên, ở Tiệp Khắc, vẫn chưa hề thấy những dấu hiệu của sự thay đổi, cho dù Ban lãnh đạo đã tỏ ra hoảng sợ khi quyết định đàn áp thô bạo đoàn biểu tình.

"Cảnh sát dã chiến, cảnh sát quân đội và dân quân đã dùng dùi cui tống đoàn biểu tình khỏi trung tâm thành phố, một lực lượng cảnh sát hùng mạnh được huy động để chấm dứt cuộc xuống đường. Vào hồi 9 giờ 30 phút tối, ngoài những xe phun nước và xe bọc thép được điều động đến hiện trường, trên các xe cấp cứu rú còi rầm rĩ chỉ còn thấy giày dép, khăn quàng cổ, quần áo bị bỏ lại bởi những người biểu tình đã tháo chạy. Nhiều người bị bắt giữ. Cho đến đêm, Hãng Thông tấn Tiệp Khắc không ra thông báo về số người bị bắt và bị thương" - nhật báo "Tự do Nhân dân" (Népszabadság) đã thuật lại như vậy về sự kiện, tại trang hai của báo.

Thứ Bảy, tin một sinh viên tử vong trong cuộc đàn áp của cảnh sát được lan truyền khắp nơi. "Tại trung tâm thành phố, người ta dán giấy báo tử lên tường nhà, về cái chết của một sinh viên khoa Toán - Lý tên là Martin Smid; tại một địa điểm, người ta còn làm góc tưởng niệm anh ta - theo hàng chữ trên giấy thì "tại đây, cảnh sát đã đánh chết Martin Smid" – vẫn theo tin của "Tự do Nhân dân".

Nhiều cư dân Praha tập trung biểu tình tại quảng trường Vencelas trong hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Như Klara Pospisilova, hồi đó cũng là sinh viên, thuật lại với BBC năm 1999: "Việc cảnh sát đánh chết một thanh niên đặc biệt quan trọng đối với thế hệ của cha mẹ chúng tôi. Trong số họ, nhiều người khi đó quyết định xuống đường biểu tình vì dầu sao đi nữa, không thể chấp nhận được chuyện cảnh sát đánh chết một thanh niên ngoài phố".

Chính quyền cũng cảm thấy thông tin về cái chết của một sinh viên đã cuốn nhiều người xuống đường, cho dù ban đầu họ không liên quan gì đến các nhóm biểu tình trước đây, và đó là điều đáng lo ngại. Hai ngày sau cái chế giả định của Martin Smid, người ta nói trên loa với đoàn người biểu tình tại quảng trường Vencelas rằng Martin Smid vẫn sống, thậm chí, dù tham gia xuống đường ngày thứ Sáu, anh ta không hề bị làm sao cả. Nhiều Bộ cũng chính thức bác bỏ "tin vịt" trên, Bộ Y tế Tiệp Khắc thì có một động thái bất ngờ và chưa bao giờ xảy ra: họ ra thông báo cho biết có bao nhiêu người bị thương do sự can thiệp "quá tay" của cảnh sát, và trong số đó, không sinh viên nào bị thương nặng cả. Thông báo này cho hay, tổng cộng có 36 người phải vào viện, nhưng đến Chủ nhật thì chỉ còn 10 người phải điều trị.

Tuy nhiên, đến lúc ấy, người biểu tình không còn tin vào lời lẽ của chính quyền. Như "Tự do Nhân dân" tường thuật: "Những tuyên bố vang lên tại quảng trường Vencel đã bị tiếp nhận bằng những tiếng huýt sáo, rồi đám đông đồng thành "dối trá! dối trá!" Một thực tế là đến tối, đa phần những tờ báo tử đã bị mang đi khỏi thành phố". Sau đó, trong chương trình Thời sự buổi tối, theo tường thuật "chừng mực" của "Tự do Nhân dân", xuất hiện một thanh niên tự xưng là Martin Smid, sinh viên khoa Toàn - Lý Đại học Charles, anh này có tham gia biểu tình nhưng không bị hế hấn gì cả.

15 phút sau, một thành viên Ban tổ chức biểu tình tuyên bố: không biết Martin Smid sống hay chết, nhưng chắc chắn là lính dù đã đánh chết một thanh niên vào thứ Sáu. Về sau, tin này không được ai nhắc đến nữa, nhưng như thế là các lực lượng dân chủ Tiệp Khắc đã thắng lớn một trận.

Trong việc lan truyền mẩu tin thất thiệt nói trên, có hai ký giả đã đóng vai trò lớn: bỏ qua những nguyên tắc về kiểm tra tin tức trước khi loan, dù không chủ đích, họ đã góp phần khiến thể chế cộng sản Tiệp Khắc sụp đổ. (Ở đây, tạm bỏ qua chuyện kiểm tra sự chính xác của một tin "nhạy cảm" như vậy, trong một chế độ độc tài, thực chất cũng không đơn giản). Một trong hai người, sau biến cố 1989, được bầu làm chủ tịch hãng Thông tấn Quốc gia Tiệp Khắc - ông ta chính là người đã "chia sẻ" nguồn tin chưa được kiểm chứng với một ký giả khác, về sau trở thành người phụ trách báo chí của tổng thống Vaclav Havel. Từ vị ký giả thứ hai này, tin được lan sang báo chí Mỹ.

Sự kiện trên của cuộc Cách mạng Nhung Tiệp Khắc 1989 được nhận định như sau trong cuốn "Đông - Trung Âu trong báo chí Mỹ (Trung tâm Nghiên cứu các Xung đột xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học Hungary)": "Ký giả về sau trở thành người phụ trách báo chí của tổng thống Vaclav Havel không nghi ngờ vào sự xác tín của thông tin và chuyển tin đó tới Reuters, cũng như đài Tiếng nói Hoa Kỳ, khiến nửa tiếng sau cả thế giới đã biết đến nó. Tại Tiệp Khắc, xét trên góc độ những nguồn tin chính trị, thời đó Tiếng nói Hoa Kỳ (phiên bản tiếng Czech và Slovakia) là nguồn tin số một. Đây là một ví dụ điển hình khi một tin của vùng Đông Âu được truyền đến những người sống trong chế độ ấy thông qua những nguồn bên ngoài theo kiểu dây chuyền. Mẩu tin này mang tầm quyết định khiến người dân Praha đã tổ chức những cuộc biểu tình ồ ạt trong ngày 20-11 và những ngày tiếp theo, rốt cục, dẫn đến sự sụp đổ của thể chế cũ".

Tác giả bài viết: Trần Lê, theo index.hu