Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


17-11-1919: PHỤ NỮ VÀ QUYỀN BẦU CỬ TẠI HUNGARY

(NCTG) 17-11 trong lịch sử Hungary không chỉ đáng nhớ vì là sinh nhật của Budapest - vào ngày này năm 1873, Buda, Pest, Óbuda và đảo Margit được hợp nhất thành thủ đô của Vương quốc Hungary -, mà còn được nhắc đến bởi một sự kiện trọng đại: năm 1919, 17-11 ghi nhận sự ra đời của một điều luật cho phép một bộ phận phụ nữ được thực hiện quyền chính trị, thông qua quyền bỏ phiếu.
Đấu tranh cho quyền bầu cử của phụ nữ tại Hungary - Ảnh tư liệu
Các bạn học bài về hệ thống bầu cử Hungary trong nội dung giáo trình “Thi Quốc tịch”, được biết là quyền bầu cử mang tính chất phổ thông, hiểu nôm na là tất cả mọi công dân đến tuổi trưởng thành mà có đủ “năng lực hành vi” hoặc không bị Tòa cấm, nhìn chung đều được đi bỏ phiếu, không phân biệt dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, v.v...

Nghe thì có vẻ hiển nhiên, nhưng câu chuyện về quyền bầu cử không đơn giản như vậy: trong lịch sử, người nô lệ, nông nô... không được quyền bầu bán, và phụ nữ cũng vậy (điều này còn diễn ra cho tới bây giờ ở nhiều nước). Tại Vương quốc Hungary, vào thời Trung cổ chỉ có chừng 10% tổng số cư dân được đi bỏ phiếu, đó là những người thuộc giới quý tộc, tăng lữ, và một số lượng nhỏ thị dân.

Năm 1848, khi cuộc cách mạng nổ ra vào trung tuần tháng Ba ở TP. Pest, một Quốc hội mang tính “đại diện cho dân” được coi là rất tiến bộ lần đầu tiên xuất hiện tại Hungary, các đối tượng được quyền đi bỏ phiếu tăng lên, nhưng vẫn là một nhóm nhất định (phụ nữ không được đi bầu, còn đàn ông thì phải có gia sản và học thức thích hợp mới được đi bầu) và chiếm tỷ lệ vỏn vẹn 7,2% tổng số cư dân.

Chỉ từ năm 1945 trở đi, tức là sau đó gần 100 năm, quyền bầu cử tại Hungary mới thực sự mang tính chất phổ thông: bất cứ ai từ 18 tuổi trở lên, không bị Tòa tước các quyền chính trị và không bị đặt dưới tình trạng giám hộ, thì đều có thể được đi bỏ phiếu, và có thể được bầu làm ĐBQH. Và thực sự, những cuộc bầu cử tự do và dân chủ chỉ có từ năm 1990, sau biến chuyển thay đổi thể chế của Hung.

Trở lại sự kiện diễn ra vào ngày 17-11-1919, được nhiều người coi là năm “cực xấu” trong lịch sử nước Hung - mà đau buồn là Hungary có không thiếu những năm tồi tệ như thế! - quy định về quyền bầu cử của phụ nữ, cho dù mới chỉ là đối với một bộ phận của “phái yếu” và bản thân điều đó không đủ để phụ nữ tham chính tại các quyết định then chốt, vẫn được coi là một động thái đi trước thời đại.

Cụ thể, nghị định của Chính phủ Hungary ngày 17-11 cho phép tất cả phụ nữ đều được tham gia bầu cử Quốc hội nếu: từ 21 tuổi trở lên, đã có quốc tịch Hung từ 6 năm, và đã sống hoặc có nhà cửa tại khu vực bầu cử đó từ tối thiểu nửa năm, và phải biết đọc và biết viết, tức là với những điều kiện gần như của nam giới (nam giới không cần biết đọc biết viết, và có thể được đi bầu sớm từ 18 tuổi nếu nhập ngũ).

Một so sánh nhỏ: Pháp và Ý phải chờ tới năm 1919, Áo phải chờ tới 1967 và Thụy Sĩ phải chờ tới 1971, khi phụ nữ được quyền bầu cử, hoặc có quyền bầu cử với những điều kiện như đàn ông. Điều đó có nghĩa là, ngay ở các nền dân chủ Phương Tây, trong thời gian rất dài, một bộ phận đáng kể của cư dân đã bị loại trừ khỏi khả năng thực thi quyền lực trực tiếp, bằng cách hiện diện trong các kỳ bầu cử.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh