Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


12-4-1961: GAGARIN, “NGƯỜI HÙNG” CỦA LIÊN BANG XÔ-VIẾT (1)

(NCTG) Vào ngày này đúng nửa thế kỷ trước, Yury Gagarin - du hành gia đầu tiên trong lịch sử nhân loại – đã bay vào vũ trụ và với thành công ấy của Liên Xô, Hoa Kỳ lại thua một trận đáng kể nữa trong công nghiệp vũ trụ. Loạt bài của NCTG về sự kiện khoa học và chính trị nổi bật này.

Yury Gararin, du hành gia đầu tiên trong lịch sử nhân loại


Trong một thời gian dài, bộ máy tuyên truyền Xô-viết thường nhấn mạnh rằng trong chuyến bay đầu tiên của con người lên vũ trụ, tất cả đều thuận buồm xuôi gió, nhưng kỳ thực đã có biết bao khó khăn và cả mạo hiểm về mặt kỹ thuật đã xảy ra vào ngày này, nửa thế kỷ trước.

Cho dù trên con tàu Vostok 1, hầu như mọi thao tác đều do máy móc tự động thực hiện, nhưng Gagarin đã thực sự là một “người hùng” khi phải trải qua mọi khó khăn và thử thách trong chuyến bay đáng nhớ ấy.

Ngày 12-4-1961, một nữ nông dân cùng con gái đã ngạc nhiên chứng kiến cảnh một người - trong trang phục kỳ lạ của các nhà phi hành - nhảy dù xuống một cánh đồng tại vùng ven thành phố mang tên Engels ở tỉnh Saratov (Liên Xô).

Hai mẹ con ngỡ ngàng và hơi hoảng sợ trước những gì được thấy, nhưng họ đã yên lòng phần nào khi người đàn ông tiến đến gần họ và nói bằng tiếng Nga, rằng anh là người Xô-viết, vừa trở về từ vũ trụ, và cần gọi điện khẩn cấp về Moscow.

Sự trở về của Gagarin đánh dấu một bước tiến mới của Liên Xô trong cuộc đua công nghiệp vũ trụ với Hoa Kỳ, sau thắng lợi vào đầu tháng 11-1957, khi Moscow đưa thành công vệ tinh Sputnik-2 cùng vật nuôi đầu tiên trên thế giới - cô chó Laica – lên vũ trụ.

Từ người thợ đến nhà du hành vũ trụ

Gagarin sinh ngày 9-3-1934 tại làng Klushino (về sau nơi đây được mang tên ông), gần thị trấn Gzhatsk, tỉnh Smolensk - cha ông là thợ mộc, mẹ là nông dân. Thuở nhỏ, ông chịu ảnh hưởng lớn từ người thày dạy toán, từng phục vụ trong binh chủng không quân Liên Xô thời Ðệ nhị Thế chiến.

Năm 17 tuổi, Gagarin theo học đúc khuôn tại một trường dạy nghề, rồi tiếp tục học lên ở trường Trung cấp Công nghiệp Saratov. Trong thời gian này, ông có dịp tham gia CLB Hàng không Saratov và tập lái máy bay hạng nhẹ.

Sau khi tốt nghiệp trung cấp, Gagarin nhập ngũ và từ năm 1957, ông tiếp tục theo học Trường Trung cấp Hàng không quân sự ở TP Orenburg - tại đây, ông làm quen với Valentina Goryacheva, sau trở thành vợ ông và là mẹ của hai con ông.

Từ năm 1957 cho đến khi được chọn vào đội ngũ các nhà du hành vũ trụ, Gararin là phi công lái máy bay tiêm kích trong binh chủng không quân Liên Xô. Tháng 3-1960, cùng 19 ứng viên khác, ông tham gia khóa huấn luyện cho chuyến du hành vũ trụ đầu tiên.

Trò ru-lét Nga

Sau 5 năm phát triển và 7 lần thử nghiệm đưa tàu không người điều khiển lên vũ trụ, Liên Xô quyết định phóng lên không trung con tàu đầu tiên cùng một du hành gia vũ trụ.

Ðáng chú ý là trong quá trình phát triển, khối lượng con tàu được đưa lên vũ trụ ngày một tăng: vệ tinh Sputnik-1 mới chỉ nặng 84kg, Sputnik-2 đã lên tới nửa tấn, và các con tàu Vostok thuộc xê-ri thử nghiệm – không người lái – thì nặng chừng 4,5-4,7 tấn.

Trong thời kỳ 1960-61, đã có 7 chuyến bay thử nghiệm được tiến hành với mô hình Vostok và những kết quả đạt được khá tồi tệ. Hai chuyến đầu, con tàu hoàn toàn không lên được quỹ đạo và trong hai chuyến sau, dù lên tới quỹ đạo nhưng Vostok không hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Hai chuyến cuối được báo chí chính thống coi là thành công, nhưng trong thực tế cũng gặp phải vô số vấn đề kỹ thuật.

Do đó, đặt chân lên vũ trụ với con tàu Vostok-1 thời đó được coi là cũng mạo hiểm không kém gì chơi trò ru-lét Nga. Tuy nhiên, cuộc chạy đua trong công nghiệp vũ trụ giữa Liên Xô và Hoa Kỳ vào thời Chiến tranh lạnh, cũng như áp lực chính trị đè nặng đã khiến viện sĩ hàn lâm Sergei Korolyov - người đứng đầu chương trình tên lửa Xô-viết - buộc phải đưa ra một tiến độ căng thẳng.

Sáu ứng viên, trong số đó có Gagarin, được lựa chọn từ nhóm 19 người và được đưa tới làng Tyuratam (Kazakhstan) - địa điểm xuất phát vào ngày 17-3-1961. Do lo ngại trước sự “nhòm ngó” của gián điệp, lãnh đạo Liên Xô đã đặt cho sân bay vũ trụ tại đây cái tên Baikonur, một địa danh cách đó chừng 370km.

CCCP và thỏi son đỏ

Trong số 6 ứng viên, cạnh Gagarin thì German Titov là người có khả năng được lựa chọn nhất, chủ yếu là vì ông có vóc dáng thấp và nhẹ ký, cũng như Gagarin, người cao có 157cm. Khoang lái của con tàu Vostok-1 rất chật và khối lượng của nó (cùng Gagarin) đã là 4.725kg, tức là vượt khối lượng của con tàu nặng nhất (4,7 tấn) trong số các tàu thử nghiệm không người lái.

Vì vậy, nhiều chuyên gia đề nghị chọn Titov (người có khối lượng còn nhẹ hơn cả Gagarin), nhưng tổng công trình sư Korolyov – và dường như cả Tổng bí thư Khrushchev – cũng muốn chọn Gagarin vì thấy ông có vẻ bề ngoài và tính cách dễ chịu.

Ngày 10-4, quá trình cân đo được thực hiện với Gagarin và trang phục bảo hộ và khi đó, mới vỡ ra là khối lượng thừa 14 kg so với tiêu chuẩn – do đó, hệ thống dây cáp của tàu Vostok-1, trước đó cần thiết cho các chuyến bay không người lái – đã được tháo dỡ.

Vào hồi 5 giờ sáng (giờ Moscow) ngày 11-4, một đầu máy xe lửa di chuyển chiếc tên lửa đẩy R-7 (số hiệu 8K72) vào tư thế xuất phát. Korolyov, hai kỹ sư và vài bác sĩ thì chuẩn bị thể lực và tinh thần cho Gagarin trước giờ lên đường vào hôm sau. Tối hôm đó, Gagarin đi ngủ lúc 10 giờ và dậy vào hồi 5 giờ 30 phút sáng 12-4 cùng người bạn, người đồng đội German Titov. Họ cùng ăn một chút đồ ăn dành cho các du hành gia vũ trụ, rồi qua kiểm tra sức khỏe. 6 giờ, hai người đi mặc quần áo chuẩn bị cho chuyến bay.

Một câu chuyện khá được ưa thích của những người theo “thuyết âm mưu” tìm cách chứng tỏ rằng Gararin không hề lên vũ trụ: theo đó, trong những bức ảnh đương thời, trên chiếc mũ của Gagarin có lúc thấy, có lúc không dòng chữ CCCP (Liên bang CHXHCN Xô-viết). Một giai thoại khác thì cho rằng, dòng chữ ấy được một nữ bác sĩ viết lên mũ bằng thỏi son đỏ của mình.

Sự thật là hàng chữ ấy chỉ được viết lên mũ của Gagarin ít phút trước giờ xuất phát, sau khi một nhân viên ở sân bay vũ trụ nói đùa rằng cần làm sao đó để khi hạ cánh, Gagarin đừng bị tưởng nhầm là gián điệp Mỹ. Giới lãnh đạo lại coi câu nói đùa ấy là “rất có lý”, nên lập tức cho viết 4 chữ cái “màu nhiệm” CCCP lên chiếc mũ mà Gagarin sử dụng khi bay.

Sau đó, Gagarin chia tay Korolyov và “những người ở lại”. Cùng kỹ sư trưởng Oleg Ivanovsky, ông bước lên thang dẫn tới thang máy, rồi được đưa lên khoang lái của con tàu Vostok-1. Khi cửa khoang lái được đóng lại, một chiếc đèn báo cửa đóng không sáng nên cửa lại được mở và 1 tiếng trước giờ xuất phát, bộ phận cảm nhận được sửa chữa.

Trong thử nghiệm tiếp đó, mọi đèn hiệu đã sáng và Gagarin thì đã sẵn sàng để bay vào lịch sử…

Xem tiếp Phần 2 của bài viết.

Tác giả bài viết: Trần Lê, theo index.hu – Còn tiếp