Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


MÙA XUÂN VIỆT NAM?

(NCTG) “Thiết nghĩ chính quyền được bầu ra cũng như một CEO được đi thuê, được nuôi bằng thuế để làm công việc điều hành - nếu không có năng lực, làm mất niềm tin, thì việc người trả tiền phải chủ động tìm kiếm và lựa chọn ai giỏi hơn, có năng lực hơn để thay là điều rất bình thường”.
Khi người dân đã ý thức hơn được về quyền của mình... - Ảnh: Internet
Cách đây bốn năm, “Mùa xuân Ả Rập” bùng lên và gây tiếng vang khắp thế giới. Một câu hỏi được đặt ra: (liệu có) bao giờ đến mùa xuân Việt Nam? 

Nhìn sang những nước láng giềng hay tình cảnh các xứ Ả Rập sau thay đổi chính quyền lại chìm vào nội chiến, thấy họ lao đao về mọi mặt, lúng túng trong các quyết sách kinh tế xã hội và đường lối chính trị. 

Vẫn biết đó là điều khó tránh trong những bước chập chững đầu tiên của sự đổi thay mạnh mẽ này, nhưng không khỏi âu lo trước việc các đảng phái Hồi giáo lớn mạnh và lên nắm quyền, những khủng hoảng tồn tại nhiều năm chưa vượt qua được, thậm chí nhiều mặt còn đi xuống so với trước đây. 

Câu hỏi về biến chuyển dân chủ ở Việt Nam còn treo đó, trong cái cảm giác chưa phải thời điểm “chín”. 

Đến mùa xuân này... 

Vụ chặt cây xanh Hà Nội diễn biến còn đang tiếp tục, nhưng vẫn nhớ cảm xúc của mình - và chắc chắn của hàng ngàn người ký tên khác - vui mừng (và bất ngờ) như thế nào khi chính quyền buộc tuyên bố hoãn “truy sát” cây chưa đầy một tuần sau đó. Lần đầu tiên, thấy rõ ràng một hoạt động xã hội dân sự hoàn toàn tự phát, không có “phần tử kích động”, chỉ xuất phát từ lòng dân, đã đạt tác động bước đầu lớn như thế. 

Dù mọi diễn tiến còn muôn vàn phức tạp và không ai có thể nói trước được gì, nhưng nhìn những con người tâm huyết bỏ thời gian, sức lực và đánh cược cả an toàn bản thân vì lợi ích chung xuống đường tuần hành, nhìn mấy chục ngàn người chung tay ký, thay đổi avatar và thẳng thắn thể hiện quan điểm, ủng hộ công sức và tiền bạc, không khỏi thấy vui và có quyền le lói hy vọng cho một một tương lai Việt Nam xán lạn hơn. 

Nhìn lại trước đó, khi các nhóm thiện nguyện tự phát, những tổ chức phi lợi nhuận, khởi xướng bởi những cá nhân hay những nhóm người Việt khác nhau xuất hiện và hoạt động mạnh mẽ trên mọi miền đất nước. Người ta dần quên đi những tổ chức, đoàn thể “quốc doanh” như Đoàn Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc, v.v... với những bê bối ăn chặn tiền cứu trợ, bòn rút tiền từ thiện, hoặc bó gối làm ngơ những khi cần làm điều thiện. 

Dường như người dân đang lấy sức mình tỏa đi khắp nẻo để vớt vát “vá”, “mạng” lại những vết thương do yếu kém về chính sách xã hội của nhà nước, những lỗ thủng đục khoét do “sâu mọt” ngày càng nhiều, càng mạnh, càng tham. 

Đến mùa xuân này, tiếng than của người nông dân lúc nào cũng thiệt thòi nhất, bao năm rồi chẳng lọt qua tai ban bệ, cơ quan nào, cuối cùng đã tìm thấy những tấm lòng mở ra với họ, tìm thấy những bàn tay chìa ra phía họ. Lại một lần nữa, sức mạnh của cộng đồng đã chứng tỏ hiệu quả của nó hơn rất nhiều những cơ quan đáng ra phải có bổn phận chịu gánh trách nhiệm. 

Cũng mùa xuân nay; những bước tiến của Trung Quốc trên Biển Đông cũng như những chiến lược của Bắc Kinh trên tầm quốc tế (sẽ) có ảnh hưởng sâu sắc đến vận mệnh nước nhà. Người dân thôi biểu tình, nhưng nhen nhóm những tiếng nói, những bước đi khoa học hơn với sự phối hợp vượt ra ngoài biên giới. 

Trong khi đó, cuộc viếng thăm “vâng dạ” của lãnh đạo đảng sang Trung Quốc khiến lòng dân càng bất mãn. Chứng kiến đến dinh thự xa hoa của một cựu quan chức nọ, người dân lại nhớ đến thác Bản Giốc và những đường biên giới một sáng tỉnh dậy đã rời hàng cây số, không muốn tin trước cảnh hàng loạt công trường “lạ” đang rầm rộ mọc lên trên những hòn đảo rất đỗi thân thương của quê hương, những phát súng tàn sát các chiến sĩ Gạc Ma mấy chục năm trước mà vẩn như hôm qua - để hôm nay cả dân tộc đang cùng đau nhức nhối. 

Những hành động “đứng ra làm thay” các cơ quan có trách nhiệm, hay “tức nước vỡ bờ”, sâu xa hơn, tô đậm sự mất niềm tin, sự rạn nứt và hố sâu ngăn cách càng lớn giữa người dân và chính quyền. Luôn tuyên xưng “lấy dân làm gốc” nhưng người ta cứ ăn hết đằng ngọn, chặt lìa cái gốc, thì cái cây này còn gắng gượng được bao lâu? 

Luận điệu đổ cho “phản động”, “xúi bẩy”, “thế lực thù địch”...  dùng mãi đã dần hết tác dụng. Thiết nghĩ chính quyền được bầu ra cũng như một CEO được đi thuê, được nuôi bằng thuế để làm công việc điều hành - nếu không có năng lực, làm mất niềm tin, thì việc người trả tiền phải chủ động tìm kiếm và lựa chọn ai giỏi hơn, có năng lực hơn để thay là điều rất bình thường. 

Vì dần dần dân trí đã cao lên, thông tin người dân tiếp nhận đã đa chiều hơn. Họ hiểu hơn về quyền lợi và vai trò của họ, hiểu rằng họ cần hành động vì chính nhu cầu của họ, và kết nối với nhau tạo nên một tiếng nói có trọng lượng hơn trong quá trình hướng tới những biến chuyển dân chủ. 

Thanh niên, Trí thức xuống đường vì vận nước nhiều rồi. 

Công nhân xuống đường bãi công vì đồng lương và điều kiện công việc nhiều rồi. 

Để rồi những người thấp cổ bé họng nhất như Nông dân cũng phải bật lên sự bất mãn vì một môi trường sống bị bóp nghẹt đến đỉnh điểm, không còn thở được nữa để mà nín nhịn... 

Giới luật sư sẵn sàng giúp dân bị đánh đập, bị giết oan, bị cưỡng tử trong đồn cảnh sát. 

Người thành phố chung tay giúp người nông thôn. 

Báo chí có tâm sẵn sàng nói lên tiếng nói của dân. 

Người có kiến thức chia sẻ và trao đổi thông tin. 

Sức mạnh đoàn kết ấy làm lay động nhiều người; nhưng lại chẳng tác động mảy may được đến những con Đỉa một mặt bám thật chặt chỗ đứng, môt mặt hút căng máu đất Mẹ và Nhân Dân. 

Dân trí đã tiến bộ dần, còn niềm tin thì càng mờ nhạt, biến thành phẫn nộ. 

Chẳng lẽ sắp đến MÙA XUÂN ấy? 

Tác giả bài viết: Bùi Uyên, từ Paris