Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHUYỆN CON VỎI CON VOI

(NCTG) “Không có voi nhưng vẫn hoài vọng về một cuộc diễu hành “hoành tráng”. Không có voi nhưng đạo diễn chương trình đã không dám tư duy cho một cách trình bày khác với diễu hành. Thế nên cuối cùng không có voi nhưng màn trình diễn bị trói vào con voi bốn bánh!”.
Hình ảnh hết sức phản cảm và nực cười
Phản ứng của mọi người về chuyện Bà Trưng cưỡi “voi bánh lăn” khiến tôi nhớ về các chương trình văn hóa chúng tôi đã thực hiện ở Ba Lan với nguồn kinh phí ít ỏi, khi thì của thành phố, khi thì của các nhà tài trợ đơn lẻ.

Rất không đúng nếu bảo cuộc diễu hành bị chê cười vì thiếu tiền. Vì thiếu tiền nên thiếu… voi?! Trong khung cảnh xã hội Việt Nam hôm nay, ai đảm bảo có tiền sẽ có voi? Và có voi thì cuộc diễu hành sẽ đầy đủ ý nghĩa?

Ví dụ như chương trình “Wietnam - Ba Lan”, có mục đích giúp các thành viên tham gia tìm hiểu về nhạc kịch, diễn xuất và sân khấu. Một số sự kiện văn hóa khác như Tết, chiếu phim, triển lãm cũng thường diễn ra đều đều... Tác giả những chương trình đó thường là các nghệ sĩ Ba Lan và các nhà hoạt động xã hội người Việt, muốn nhân cơ hội này giới thiệu một vài nét văn hóa Việt Nam.

Hồi đầu, chúng tôi lo lắng cho vở kịch về Sọ Dừa - được dàn dựng cho các em học sinh - khi các cô chú nghệ sĩ hướng dẫn không muốn áp đặt nhưng cũng không muốn bị đi quá xa truyền thuyết của người Việt.

Hồi hộp nhất là ngày diễn thử cho người nhà - các diễn viên nhí gốc Việt - xem trước. Thật bất ngờ, không ai có ý kiến gì về hình thức, cũng như nội dung mặc dù vở kịch không có gì là “hoành tráng”, thậm chí còn hơi “xộc xệch”. Trên hết, kịch rất mới mẻ về phương pháp thể hiện văn hóa Việt Nam, thông qua diễn xuất nghiệp dư, qua trí tưởng tượng của trẻ em và qua hướng dẫn của nghệ sĩ Ba Lan lần đầu tìm hiểu văn hóa Việt.

Trong ngày khai diễn, người Ba Lan tới dự chật cả hội trường, và bất ngờ hơn cả, họ thưởng thức rất hào hứng. Thể theo ý kiến người xem thì vở kịch đã rất sáng tạo mà vẫn đầy đủ nội dung, các bé diễn xuất tự nhiên, nhận nhiều tiếng vỗ tay nhiệt liệt. Ngay lập tức, chương trình đó của chúng tôi được Ủy ban Văn hóa Thành phố và người dân bỏ phiếu liệt vào hàng “hay nhất” của thủ đô.

Khỏi phải nói, chúng tôi hãnh diện và bất ngờ, nhưng không cảm thấy Ban Giám khảo có gì nhầm lẫn!
 
Trong các chương trình khác, chúng tôi vẫn trung thành với nguyên tắc giảm thiểu chi phí và sáng tạo tối đa. Các nghệ sĩ từ trẻ em tới thanh thiếu niên và người lớn, ai ai cũng rất sáng tạo và hội trường thì luôn chật kín những con mắt hào hứng và tò mò, mặc dù chúng tôi chỉ dùng các phương thức thể hiện đơn sơ.
 
Một khi sự sáng tạo và ý tưởng, tư duy được tự do
Một khi sự sáng tạo và ý tưởng, tư duy được tự do

Trâu, bò trong vở kịch đoạt giải của chúng tôi chắc hẳn thua xa đàn voi gắn bánh xe của Bà Trưng trên đường phố Sài Gòn hôm vừa rồi, nhưng tại sao chúng tôi lại được đón nhận hồ hởi, trong khi voi của Hai Bà Trưng ở Việt Nam bị coi như một trò cười?

Bởi người ta thấy rõ một sự xuống cấp và kệch cỡm ở đó! Không có voi nhưng vẫn hoài vọng về một cuộc diễu hành “hoành tráng”. Không có voi nhưng đạo diễn chương trình đã không dám tư duy cho một cách trình bày khác với diễu hành. Thế nên cuối cùng không có voi nhưng màn trình diễn bị trói vào con voi bốn bánh!

Phản ứng mạnh mẽ sau cuộc diễu hành “xe voi Hai Bà” còn cho thấy đã đến lúc công luận Việt Nam dị ứng với sự thô kệch và bôi bác. Cuộc diễu hành “xe voi” thậm chí rất thích hợp với một xã hội không có tự do, đa dạng và sáng kiến, vì thế, cho dù có voi gì đi nữa, nó vẫn sẽ phải diễu hành trong miễn cưỡng.

Gò bó sáng tác, gò bó hình thức trong khung cảnh thiếu vắng tự do khiến các biểu tượng tốt cũng có cơ trở nên sáo mòn và chỉ tạo ra được sự lố bịch và rởm rít mà thôi.

Tác giả bài viết: Tôn Vân Anh, từ Warszawa