Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Ý kiến: PHỔ CẬP TIẾNG ANH CÓ PHẢI LÀ NẰM MƠ GIỮA BAN NGÀY?

(NCTG) “Học tiếng Anh hay phổ cập tiếng Anh từ nhỏ có khó không? Tôi nghĩ nó không hề khó, với điều kiện vẫn phải duy trì tiếng mẹ đẻ thật tốt kẻo người Việt lại chẳng ra người Việt, nói tiếng Việt lơ lớ thì hỏng. Nếu học từ nhỏ (5-6 tuổi) thì tôi nghĩ với đứa trẻ nào cũng có thể học được không mấy khó khăn nếu như được dạy đúng phương pháp”, quan điểm của Mai Quỳnh Anh.

Học tiếng Anh theo phương pháp Helen Doron (“học mà chơi, chơi mà học”) cho trẻ em ở độ tuổi 3-14 tuổi - Ảnh: Thụy Anh


Hôm trước ngồi ăn và tán gẫu với chị bạn phụ trách các vấn đề ASEAN của Vụ hợp tác Quốc tế (Bộ LD-TB-XH), nói chuyện hậu trường của Bộ về việc đưa đoàn lao động Việt Nam từ Lybia về, chúng tôi than thở với nhau rằng lao động Việt Nam được trả lương thấp hơn nhiều so với lao động từ Indonesia, Malaysia, Philippines chỉ vì trình độ ngoại ngữ của chúng ta kém.

Chị bạn vung tay vung chân phán một câu xanh rờn trong khi câu chuyện đang đến phần bốc nhất: “Có một việc cực kỳ đơn giản để thay đổi tình hình, đó là hãy dạy ngoại ngữ (tiếng Anh) từ mẫu giáo, dần dần biến tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam (như bạn Philippines chẳng hạn). Có gì khó đâu mà sao không làm được nhỉ?”. Rồi chị bắt đầu đưa ra hàng loạt lợi ích của việc biết tiếng Anh từ nhỏ, những lợi ích mà ai cũng biết.

Cho dù mỗi ngôn ngữ đều có vẻ đẹp và sự hấp dẫn riêng, nhưng rõ ràng tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ chung của thế giới, là phương tiện để mọi người có thể giao tiếp và truy cập thông tin nhanh nhất ở bất cứ nơi đâu. Nói điều này, tôi không muốn kỳ thị hay chê bai bất cứ ngôn ngữ nào, vì tôi và chị bạn đều cùng học ở một nơi mà đứa thì xì xồ tiếng Nga, đứa thì Pháp, rồi Trung, Nga, Nhật, Ả Rập, Hàn Quốc. Chúng tôi yêu tất cả các ngôn ngữ, nhưng để hợp thời và cũng dễ cho nghề nghiệp sau này nên đã chọn thi vào khoa tiếng Anh.

Thực tế chứng minh, sau khi thời đỉnh cao của tiếng Nga “xã hội chủ nghĩa” đã qua, thì dân tiếng Anh như chúng tôi đi xin việc dễ nhất, cũng chẳng phải giỏi giang hơn gì các bạn học tiếng Nga, Ả Rập, Đức, Trung mà đơn giản chỉ vì nhu cầu tuyển dụng người biết tiếng các nước đó ở Việt Nam còn ít, và họ vẫn yêu cầu biết tiếng Anh còn các thứ tiếng kia chỉ là lợi thế, nên các bạn đó đều phải hì hụi học thêm ngoại ngữ 2 là tiếng Anh. Nhất là đối với nhiều bạn học tiếng Ả Rập và tiếng Nga thì hai ngôn ngữ ấy giờ chỉ còn là dĩ vãng, có khi may ra nhớ được từ “Anh yêu em” là giỏi.

Trở lại vấn đề học tiếng Anh hay phổ cập tiếng Anh từ nhỏ có khó không? Tôi nghĩ nó không hề khó, với điều kiện vẫn phải duy trì tiếng mẹ đẻ thật tốt kẻo người Việt lại chẳng ra người Việt, nói tiếng Việt lơ lớ thì hỏng. Hẳn có nhiều người băn khoăn, ôi dào đua đòi, tiền đâu ra mà học từ bé, học ở đâu, không có năng khiếu làm sao học được ngoại ngữ, ngoại ngữ chỉ là phương tiện, sau này cần thì đã có phiên dịch, v.v.. và hàng tỉ lý do khác nhau.

Dạo trước, khi tôi yêu cầu một chị tư vấn (hiện đang làm MC một chương trình nổi tiếng của VTV mà tôi khá hâm mộ) gửi CV (sơ yếu lý lịch) để làm hợp đồng, chị gửi bản CV cực kỳ sơ sài, lem nhem bằng tiếng Việt và nhờ mình dịch sang tiếng Anh, đơn giản là chị không biết đủ tiếng Anh. Nhưng đến cái CV cũng không chịu đầu tư một bản, dù cho có phải đi nhờ người viết hộ, tự nhiên khiến tôi kém phục chị hẳn. Hay trường hợp anh MC nọ dịch bịa hoàn toàn bài phát biểu của một ngôi sao Hồng Kông tại Liên hoan phim Quốc tế tại Hà Nội thì mới thấy tiếng Anh quan trọng thế nào, đừng có ai bênh là anh ấy giỏi tiếng Nga lắm nhé, tôi đang nói đến tiếng Anh cơ.

Đúng là học ngoại ngữ càng muộn thì càng khó, có người học cả 8 lần bằng A “Streamline” mà vẫn về con số không, chỉ nhớ mỗi bài 30 là có câu “I love you, I want you, I need you”. Nhưng nếu học từ nhỏ (5-6 tuổi) thì tôi nghĩ với đứa trẻ nào cũng có thể học được không mấy khó khăn nếu như được dạy đúng phương pháp. Học sớm hơn nữa cũng tốt, có điều trẻ sẽ bị loạn ngữ một thời gian và sẽ dẫn đến chẳng nói được thứ tiếng nào sõi, nhưng bỗng nhiên đến một ngày, nói lèo lèo cả 2-3 thứ tiếng, trẻ nào là con lai thì càng minh chứng rõ điều này.

Phổ cập thế nào, dạy dỗ ra sao cho trẻ em Việt Nam trong hệ thống giáo dục quốc lập, tôi chịu thua vì đó không phải việc của tôi. Tôi chỉ muốn kể vài chuyện từ một chuyến đi thăm mô hình giáo dục mầm non tại vùng nông thôn Philippines khi tôi tham dự một hội thảo quốc tế về giáo dục tại Iloilo, Philippines.
 
Theo Hiến pháp năm 1987, tiếng Philippines và tiếng Anh được coi là hai ngôn ngữ chính thức được sử dụng tại Philippines và họ dùng tiếng Anh để dạy các môn chính trong trường học tại tất cả các cấp bậc từ thành thị đến nông thôn. Philippines cũng từng tự hào là một trong những nước nói tiếng Anh tốt nhất thế giới và sự thành thạo tiếng Anh đã trở thành một tài sản quốc gia giúp nước này tăng tính cạnh tranh quốc tế.

Tuy nhiên, tiếng Anh đang trở nên mai một và trở thành một vấn đề ảnh hưởng tới tương lai kinh tế của Philippines, do vậy họ phải không ngừng đưa ra các chính sách giáo dục phù hợp nhằm nâng cao kỹ năng tiếng Anh cho học sinh. Cứ nghĩ họ phải làm gì hoành tráng to tát để thực hiện điều đó nhưng khi chúng tôi đi thăm huyện Maasin, nơi có các lớp học mầm non dân lập cực đơn sơ, mái lá vách thưa, mới thấy họ cũng dạy tiếng Anh một cách khá chuyên nghiệp.

Tại Maasin, người dân đóng góp nguyên vật liệu và nhân công để làm nên những lớp học tổ chim thế này:
 

“Đạo cụ” chả kém gì lớp học tại trường quốc tế do các cha mẹ tự làm, cô giáo dạy học bằng tiếng Anh

 

Bồn rửa tay thông minh tự tạo



Giá để đồ, cặp sách rất ngăn nắp


Hai cô giáo chính là các bà mẹ tình nguyện, dạy học miễn phí, mỗi ngày học vào buổi sáng, hai bà mẹ được một dự án tập huấn sơ qua để có các kỹ năng làm việc với trẻ và lớp học thì được tài trợ một số bút vẽ, giấy màu, ngoài ra là do phụ huynh đóng góp.


Một giờ học hát



Lớp học nhìn từ bên ngoài trông đẹp hơn cái chuồng gà một tẹo nhỉ? Thế mà A, B, C đủ cả, học sinh nói tiếng Anh nhoay nhoáy

 

Biển tên của “chủ tịch huyện” Maasin, cũng bằng tiếng Anh. Nhìn rất độc nhỉ?


Việc dạy tiếng Anh từ lớp 1 ở ta mới dừng ở việc thí điểm, tự chọn mà nghe ra có vẻ vô cùng khó khăn, nào là cơ sở vật chất thiếu thốn, giáo viên thiếu, sợ học sinh không tiếp thu được, sợ hỏng tiếng Việt, v.v... Tôi chẳng hi vọng thay đổi điều gì, thôi con mình thì mình dạy trong khả năng cho phép của mình.

Thú thật, dù là giáo viên mà tôi cũng lười dạy tiếng Anh cho con, “bụt chùa nhà không thiêng” thì phải. Nhưng hôm trước, cháu bé làm tôi rất ngạc nhiên khi tôi đang nói chuyện với cô bạn người Úc thế này: “Hey, I need to have her two front teeth removed but not sure what dental clinics to take her to” (Tôi muốn nhổ 2 cái răng cho con gái mà chưa biết dẫn đi chỗ nào). Cô ấy trả lời: “The one next door should be OK, not too expensive and the dentists are pretty good” (Tôi thấy phòng nha bên cạnh cũng OK đấy, giá không đắt mà nha sĩ cũng được).

Con gái từ đâu nghe thấy nhảy vào: “Mẹ, con không thấy ở đấy có bàn nhổ răng, nên không nhổ được đâu”. Nàng này rất sợ nhổ răng mà, à, mà sao nó hiểu mình nói chuyện gì nhỉ, tôi hỏi: “Sao con biết mẹ đang nói chuyện gì?”, nó bảo: “Tại con nghe thấy 2 từ, two và teeth, đó chỉ có thể là 2 cái răng của con đang lung lay”. Đấy, chỉ với hai từ khóa mà nó hiểu mình nói câu chuyện gì, trẻ con nhanh như vậy mà không dạy ngoại ngữ thật là phí.

Tôi ước gì mình nói được ít nhất 7 ngoại ngữ: Anh, Pháp, Tây Ban Nha (biết cái này cũng hiểu qua loa được “anh” Ý rồi), Trung Quốc, Hà Lan (vài nước Bắc Âu vẫn hiểu nhau được thì phải), Nga, Nhật nữa để đi đâu cũng chẳng sợ gì. Nhưng khả năng có hạn, đầu óc cũng thường thường nên tạm thời tôi dùng tiếng Anh để đi làm kiếm cơm, để tìm hiểu thông tin, để đi du lịch. Có điều, nghe đồn Trung Quốc 30 năm nữa vượt cả Mỹ nên tôi sắp sửa đi học lại tiếng Trung vì đã quên sạch do lâu không dùng.

Ngôn ngữ nào cũng hay, nhưng tôi cứ phải thực tế cho “an toàn”. Bạn Trung Quốc vốn tự hào hơn ¼ dân số thế giới nói tiếng Trung rồi nên không cần học tiếng gì khác, thế mà tại Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008 chiến dịch học tiếng Anh vẫn được họ phát động “trên diện rộng”, chúng ta cũng cần thực tế thế chứ...

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Mai Quỳnh Anh, từ Hà Nội