Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


XIN TRÒN TUỔI LOẠN Ở NƯỚC PHÁP

(NCTG) “Người Pháp có lẽ không chuộng thẩm quyền và sắc phục. Họ ưa cãi l‎ý với cấp trên, khinh thường và gây sự với biểu tượng của quyền uy và trật tự, nên mới hay có chuyện đình công, biểu tình. Bọn này lộn xộn, bánh ngọt không ăn mà đòi ăn bánh mỳ”.
Phụ nữ Pháp trong cách mạng 1789 - Ảnh: Internet
Có dạo tôi ở ngoại ô Paris, vào lúc chưa có trạm Magenta và tàu RER. Mỗi ngày, đi về tôi phải qua Ga Miền Đông, là nơi có tàu ngoại ô cũng như tàu liên tỉnh. Lúc đó, việc chuyển tù nhân và tội phạm bằng xe lửa mình gặp rất thường, phạm nhân bị còng được 1 hay 2 cảnh sát, hiến binh hộ tống, dùng phương tiện công cộng và chung đụng này.

Giờ, các bạn phạm nhân này, không trộm thì cũng cắp, không giết người thì cũng cướp của. Nhưng lần nào cũng vậy, người đi qua không bao giờ dè bỉ hay chửi mắng mà chào hỏi, chia xẻ xót xa và cầu chúc tốt lành. Họ dừng lại, cho điếu thuốc, có người còn hỏi hút thuốc gì và chạy đi mua tặng cả bao. Cảnh sát áp giải cũng dễ tính, ngừng lại cho thăm hỏi, tặng quà. Có khi, người dưng mời phạm nhân uống bia, ăn bánh mì, cảnh sát cũng chấp nhận, đứng ngay bên cạnh quày còng tay vào phạm nhân mà đợi đến giờ tàu. Người chung quanh, thấy có kẻ mời bia thì họ mời cà phê, tặng tờ báo, dúi vào túi cái bánh ngọt. Chẳng thấy ai nhảy ra sỉ vả các bạn bất lương này mà chỉ chúc may mắn, hình phạt nhẹ và ra tù sớm!

Nếu bạn đang chạy xe trên một con đường Pháp, thấy xe chạy ngược chiều nháy đèn thì y như rằng, khúc trên có cảnh sát đang rình rập bắn súng đo tốc độ. Bổn phận công dân của người Pháp là phải báo cho mọi người biết là có nhân viên công lực đang thi hành phận sự để ta còn tránh kịp! Người Pháp có lẽ không chuộng thẩm quyền và sắc phục. Họ ưa cãi l‎ý với cấp trên, khinh thường và gây sự với biểu tượng của quyền uy và trật tự, nên mới hay có chuyện đình công, biểu tình. Bọn này lộn xộn, bánh ngọt không ăn mà đòi ăn bánh mì. Không chịu chấp hành và an phận, thiếu nghiêm chỉnh hình như là dân tộc tính. Như Winston Churchill từng nhận xét: Tại Anh, muốn làm gì cũng được, trừ những thứ bị cấm. Tại Đức, chỉ làm những gì được cho phép. Tại Pháp, muốn làm gì cũng được, kể cả những thứ bị cấm.

Tại Pháp, cũng như trong “Những kẻ khốn cùng” của Victor Hugo, người hùng là cựu tù nhân Jean Valjean, không phải là thanh tra cảnh sát Javert. Người Việt mình, có lẽ cũng từa tựa mang tính ấy. Trong âm nhạc và thi ca đại chúng, ít khi nào thấy ca tụng kẻ thành công lầu son gác tía mà chỉ thương cho những kẻ cô đơn uống cà phê đắng mà không có sữa không có đường, bị tình phụ hay lỡ làng, lang thang những quán vắng dột mưa, chí ít là đối với thế hệ của tôi, những kẻ phải “xin tròn tuổi loạn”:
 
Tôi không tham không tham kho tàng vô tận 
Tôi không mê nét đẹp lộng lẫy giai nhân. 
Tôi không mơ quyền quý cung son vàng 
Bạo chúa hay ông hoàng quyền uy cao nhất thế gian.

Chuyện sau đây do một anh bạn kể, sĩ quan Việt Nam Cộng hòa phục vụ tại các tỉnh miền Tây thuộc Quân khu 4. Trước tháng 4-1975, anh hành quân trong vùng, có làng chuyên che chở và giúp đỡ du kích Mặt Trận. Đổ quân đến bố ráp, vây tăng, chĩa súng, hỏi gì họ cũng trơ trơ và ánh mắt căm thù. Mấy tháng sau 4-1975, anh trở thành tù, được dẫn đi lao động cũng tại cái làng đó. Các bà mẹ giải phóng thay đổi hẳn thái độ, lấy cơm ra nuôi tù, mắng các quản giáo cán bộ sao lại hành hạ người ta! Anh bảo con người ta, hay chí ít là ở cái làng miền Tây đó, con người họ, phù suy chứ không phù thịnh.

Tác giả bài viết: Đỗ Khiêm