XIN ĐỪNG HỒ ĐỒ!
- Thứ tư - 30/05/2007 17:28
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Lần đầu thí sinh thi trắc nghiệm Vật lý - Ảnh: Hoàng Hà ("VnExpress")
1. Trước hết, bài báo thể hiện một cái nhìn thiếu hiểu biết về hình thức kiểm tra trắc nghiệm khách quan mà tác giả gọi là "thi kiểu TÂY", coi đó là một hình thức kiểm tra đánh giá ưu việt đến mức không thể dùng cho học sinh Việt Nam vốn quen "học kiểu TA", nghĩa là "bị nhồi nhét các chương trình rặt lý thuyết, ít thực hành" suốt 12 năm trời.
Kiểm tra trắc nghiệm khách quan không phải là hình thức kiểm tra tối ưu, nhất là trong lĩnh vực thực hành. Bởi tất cả những gì học sinh cần làm là nhận biết câu trả lời đúng, không phải là tự mình đưa ra lời giải. Vì vậy nó phù hợp với những kỳ thi tập trung vào lý thuyết, nghiêng về đánh giá kiến thức hơn là kỹ năng thực hành. Như vậy, lập luận "học sinh Việt Nam học rặt lý thuyết, ít thực hành" nên không thể thi theo hình thức này là không thuyết phục.
2. Bài báo cũng thể hiện cái nhìn thiếu hiểu biết về công tác chuẩn bị cho thi cử của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT), khi cho rằng "thầy cô giáo lúng túng chẳng biết ra đề thế nào" còn "học sinh thì SỐC bởi đề thi". Với tư cách là một giảng viên từng tham gia vào công tác huấn luyện giáo viên PTTH và PTCS trên cả nước về hình thức kiểm tra đánh giá này từ những ngày đầu tiên (năm 2005), tôi khẳng định không thể có chuyện sau 2 năm thực thi, với bao nhiêu sự chuẩn bị và đào tạo cũng như bao nhiêu kỳ thi thử mà giáo viên vẫn "lúng túng" và học sinh vẫn "SỐC" được.
Trở lại với nhận định trên của tôi về hình thức kiểm tra trắc nghiệm khách quan (thực ra, nhận định này không phải là của riêng tôi mà là của rất nhiều nhà giáo học pháp trên thế giới), chúng ta biết hình thức thi này không phải là tối ưu. Nhưng Bộ GD & ĐT và Cục Khảo thí vẫn quyết định dùng nó vì nó cho phép kiểm tra nhiều kiến thức một lúc, thay vì chỉ tập trung vào một số vấn đề như các kỳ thi tự luận. Ngoài ra, gian lận trong hình thức kiểm tra này hầu như là không thể. Vì mỗi em sẽ có một mã đề riêng. Nghĩa là cùng một đề thi nhưng thứ tự các câu hỏi, thậm chí thứ tự các sự lựa chọn (options) trong một câu hỏi được máy tính sắp xếp khác nhau, nên hai em ngồi cạnh nhau không thể nhìn bài và trao đổi. Hình thức thi này cho phép chấm bằng máy tính. Ngoài việc tiết kiệm được nhân lực và thời gian, cách chấm thi này còn hạn chế gian lận, một vấn nạn giáo dục hiện nay của chúng ta, vì nó hạn chế tối đa sự tham gia của con người.
Về công tác chuẩn bị, khi quyết định dùng hình thức thi này, Cục Khảo thí và Bộ GD & ĐT đã tổ chức rất nhiều đợt tập huấn cho các cán bộ nguồn của các Sở GD trong cả nước để họ tập huấn lại cho giáo viên của Sở mình về cách thức ra đề. Thậm chí như tôi được biết, nhiều Sở GD đã tổ chức mời giảng viên các trường ĐH về tập huấn cho giáo viên của họ ngay tại chỗ. Ví dụ: Sở GD Vĩnh Phúc, ngay trong năm đầu tiên thực hiện thi trắc nghiệm đã tổ chức tập huấn được cho toàn bộ số giáo viên môn tiếng Anh PTTH và PTCS của họ về cách ra đề trắc nghiệm khách quan. Ở nhiều trường PTTH, từ hai năm nay giáo viên đã cho học sinh làm quen với hình thức thi cử này. Cộng với rất nhiều đợt thi thử của Bộ, các buổi giao lưu trực tuyến với Cục Khảo thí, và sự có mặt của thị trường sách hướng dẫn kiểm tra trắc nghiệm khách quan đa dạng, cập nhật, tôi tin đó là sự chuẩn bị tốt. Thậm chí là quá tốt đến mức tôi e ngại về sự tác động ngược của nó (washback) lên quá trình dạy và học, nghĩa là có khả năng giáo viên và học sinh không tập trung vào cải thiện chất lượng dạy và học mà chỉ lo ôn luyện để đối phó với thi cử. Tôi cho đó mới là vấn đề cần quan tâm.
Tác giả lo sợ giám thị sẽ chấm mờ mờ vào bài thi để "gà bài" cho học sinh. Nhưng việc đó chỉ có thể xảy ra ở các kỳ thi hết học kỳ chứ không thể xảy ra ở những kỳ thi lớn như tốt nghiệp PTTH, khi mà đề thi được đưa xuống từ Bộ, có niêm phong đàng hoàng. Năm nay Bộ cũng cử 6.000 cán bộ giảng dạy của các trường ĐH và CĐ về giám sát tại địa phương. Nghĩa là đã có sự thắt chặt về công tác tổ chức thi cử, sau vụ việc của Hà Tây, Nghệ An những năm trước.
Tôi mong rằng tác giả sẽ thận trọng hơn khi đưa ra nhận định của mình ở nơi công cộng...