XIN CHO ĐÊM KHÔNG CÓ ĐẠN BAY
- Chủ nhật - 12/08/2012 14:21
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Khi chúng ta không còn khả năng và tinh thần để tự chữa lành những vết thương từ bên trong, sức đề kháng đã mất đi, thì dù có bao nhiêu thuốc đắp bên ngoài, những vết thương đó cũng sẽ biến thành con dấu đóng lên giấy báo tử của chính mình”.
Nạn nhân chiến tranh: một phụ nữ vật vã bên thi thể chồng mình, tại một ngôi mộ tập thể vùi thây 47 người ở gần TP Huế (ảnh chụp vào tháng 4-1969) - Ảnh: Horst Faas (AFP)
Nửa đêm ngủ không được, lên mạng nghe nhạc linh tinh, chợt nhớ ra và muốn nghe lại bài “House Of The Rising Sun”. Khỏi phải nói nhiều, cái tựa đề của bài hát đã gợi lên một khung cảnh yên bình, tĩnh lặng của quê nhà và khiến ta nhớ nhung da diết đến thế nào.
Trên Youtube, có một video clip lồng bản thu âm bài này với hình ảnh cuộc chiến tranh Việt Nam trước đây, với những nỗi đau, sự tàn phá và đặc biệt là niềm hoài nhớ quê hương của lính Mỹ trên chiến trường Việt Nam. Clip này khiến tôi lại nghĩ vẩn nghĩ vơ…
Khái niệm đầu tiên của tôi về chiến tranh là từ hồi còn nhỏ xíu. Ở quê, xóm tôi hay có một người thương binh già cụt cả hai chân, đôi mắt mù, ngồi trên một cái sạp gỗ nhỏ gắn bánh xe ở dưới cho một đứa bé kéo đi. Người thương binh ôm đàn guitar điện và hát, cái loa để cạnh phát ra những âm thanh méo mó, chói tai nhưng não lòng, kèm theo giọng hát nhừa nhựa, sền sệt u buồn của ông.
Ông hát: “Rồi mai qua cơn mê, qua cuộc đời bềnh bồng, tôi lại về bên em. Ngày gió mưa không còn…” (1). Ông mặc sức thả ước mơ của mình bay bổng giữa trời trưa nắng gắt. Đứa nhỏ tháo cái nón trên đầu xuống và bắt đầu đi đến từng nhà, ngửa nón ra xin tiền. Tôi nhớ mình từng hỏi má: “Má ơi, sao ông đó bị cụt chân vậy má?”. Má trả lời: “Ổng đi lính bị người ta bắn đó”.
Tôi thấy thương ông già cụt chân đó dễ sợ. Nhiều hôm má tôi đi vắng, khi ông già và đứa nhỏ đến xin tiền, tôi không có tiền nên thường chạy xuống nhà múc một – hai lon gạo lên cho. Không chỉ có ông, còn vài người nữa, họ cũng tàn tật, không cụt tay thì cụt chân, không chột thì mù, nhiều khi còn mặc nguyên cả bộ đồ lính, đội nón cối, chống nạng đi xin ăn.
Họ thường rất dơ dáy, đen đủi, rách rưới và bốc mùi hôi hám. Nhà hàng xóm thường hù mấy đứa con nít rằng đó là ông ba bị, sẽ bắt cóc con nít mang đi nên hầu hết bọn trẻ con trong xóm đều rất sợ họ. Họ, những thương phế binh, có lẽ đã quá quen với cảnh đó nên hầu như không có biểu hiện gì.
Tôi để ý thấy, một đôi người, còn khá trẻ và không bị mù mà cụt tay cụt chân gì đó, những người này thì thường hay nhìn xuống đất khi đứng đối diện với người khác để xin tiền, chứ không dám nhìn thẳng mặt. Đến bây giờ, tôi nghĩ là tôi hiểu vì sao họ lại nhìn xuống đất như thế. Họ cay đắng và hổ thẹn vì phải đi xin ăn.
Lớn lên một chút, khi bắt đầu học lịch sử, có lẽ do giáo trình của trường học, mà tôi, và có lẽ nhiều bạn bè cùng lứa của tôi, chỉ hiểu về chiến tranh như một loạt những sự kiện, ngày tháng, con số… Chúng vô hồn vô cảm hơn quá nhiều những gì đã thực sự xảy ra, tôi nghĩ vậy. Chúng không nói rằng bao nhiêu người đã tan cửa nát nhà vì chiến tranh, bao nhiêu bà mẹ đã khóc ngất vì mất con, bao nhiêu đứa trẻ đã côi cút bơ vơ, mất cha mất mẹ, lạc anh chị em…
Hậu quả của những cuộc chiến cũng luôn chỉ được nhắc đến bằng những số liệu tuột dốc được thống kê trên phương diện kinh tế, chính trị. Những di sản bị tàn phá; những nét văn hóa bị mất đi; những con người mà tinh thần bị bào mòn, thoái hóa, sợ chết, sợ đói đến mức nghi kỵ ngay cả những người thân thiết nhất của mình; những người mà chiến tranh tước đi sạch sẽ từ gia đình, tài sản cho đến nhân phẩm của họ và họ trở thành người vô gia cư, không chốn nương thân, bị xa lánh, khinh ghét… đều không được nói tới.
Chúng tôi chỉ được xây dựng ý thức tôn sùng một số vị anh hùng, ý thức tự hào dân tộc, ý thức lao động để xây dựng phát triển kinh tế đất nước… chứ không hề được dạy ý thức bảo tồn di sản, ý thức giữ gìn văn hóa, lòng nhân đạo, sự thấu hiểu và thông cảm cho những con người trong một đất nước chỉ vừa mới đi qua một cơn bạo bệnh, như một con gà rù rụng sạch lông, trơ trọi đứng run rẩy giữa một buổi chiều chập choạng.
Ở chợ Tân Định, bây giờ, nếu bạn đến vào ban đêm, thể nào bạn cũng sẽ gặp một người trung niên tàn phế cả hai chân. Ông ngồi trên một chiếc xe lăn và đi bán vé số. Ông không bao giờ nói một câu nào. Tôi được những người buôn bán quanh đó lâu năm cho biết, trong thời Cộng hòa, ông là một phi công khá giỏi. Trong một lần bay, máy bay của ông bị bắn rơi và ông tàn phế từ đó.
Thương tích khiến ông mất việc, thành người vô dụng và trở nên trầm cảm, bi quan rồi sa vào nghiện hút. Sau 1975, gia đình ông đi Mỹ định cư, bỏ ông lại một mình. Từ đó ông bắt đầu cuộc sống nay đây mai đó lây lất ngoài vỉa hè, xin ăn, bán vé số sống qua ngày. Rất nhiều lần đi qua đường Hoàng Sa, dưới gầm cầu Bùi Hữu Nghĩa ở khu Đa Kao, Q.1, tôi đều thấy ông nằm ngủ ở đó. Hình như đó là mái nhà thứ hai của ông từ vài chục năm nay.
Hôm vừa rồi có việc chạy qua con đường này, thấy gầm cầu đã bị giải tỏa để sửa sang, xây dựng gì đó. Tôi có nhìn quanh quất tìm ông, nhưng không thấy đâu nữa. Thời buổi này, vỉa hè, đường phố cũng không còn là nơi có thể nương thân nữa rồi. Những người như ông, họ sẽ đi đâu, làm gì, cuộc đời sẽ ra sao? Tôi không biết.
Tôi cũng từng đọc một số cuốn sách viết về chiến tranh, được nghe nhiều người mô tả, kể lại sự kinh khủng của chiến tranh và hậu quả tệ hại của nó. Dạo gần đây, tin tức nói nhiều về tình hình căng thẳng trên biển Đông. Tôi không biết nhiều về chính trị, chỉ hiểu láng máng rằng, đây là cuộc chiến cân não giữa các cường quốc trong việc giành giật một vị trí chiến lược cùng những lợi ích về mặt tài nguyên.
Quan trọng là, vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam lại bị Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền và đàn áp, giết chóc, lấn chiếm, thậm chí xây dựng khu quân sự, thành phố trên đó. Những hành động này như một cái tát giáng thẳng vào lòng yêu nước của người Việt. Làn sóng phản đối dấy lên và người ta bắt đầu bàn tán, đồn đại, thậm chí chuẩn bị tinh thần để sẵn sàng cho một cuộc chiến Việt – Trung sẽ xảy ra trong tương lai.
Chính trị thì quá phức tạp. Tôi chẳng biết được điều gì sẽ xảy ra, chỉ nghĩ rằng, nếu một đất nước mà không khi nào được yên ổn quá 50 năm thì sẽ không cách nào phát triển lên cao được. Ngay cả sức tái tạo dần dần rồi cũng sẽ suy kiệt. Khi chúng ta không còn khả năng và tinh thần để tự chữa lành những vết thương từ bên trong, sức đề kháng đã mất đi, thì dù có bao nhiêu thuốc đắp bên ngoài, những vết thương đó cũng sẽ biến thành con dấu đóng lên giấy báo tử của chính mình.
Trung Quốc vẫn đang từng ngày kéo căng sợi dây đàn, từng giờ leo thang gây hấn ở biển Đông. Ai biết được ngày tận cùng của vấn đề này sẽ chốt lại bằng một hiệp ước, một sự khuất phục, một sự phẫn nộ, hay một cuộc chiến?… Tự nhiên tôi nghĩ tới một câu trong lời bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Xin cho đêm không có đạn bay…” (2).
Ghi chú (của NCTG):
(1) Ca khúc “Qua cơn mê” của Trịnh Lâm Ngân.
(2) Ca khúc “Xin cho tôi”.