Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


XẾP VÀO MỤC NÀO?

(NCTG) Thế nào là một nhà độc tài, thế nào là một nhà dân chủ? Hình như ai cũng cho là mình biết câu trả lời, nhưng rất có thể sai đấy.

Sự ra đi của lãnh tụ Singapore Lý Quang Diệu một lần nữa làm dấy lên cuộc tranh luận về “độc tài tốt”, “dân chủ tệ”, v.v...

Dĩ nhiên Adolf Hitler, Joseph Stalin, Mao, v.v. là những kẻ độc tài, hệt như Saddam Hussein hay Hafez và Bashar al Assad. Nhà dân chủ thì nhiều lắm, cả số lượng lẫn chủng loại.

Nhưng nhiều khi cần phân bạch một chút, vì thực tế phức hợp hơn nhiều, không có Trắng và Đen, chỉ có 50 sắc thái Xám.

Đặng Tiểu Bình cũng là một nhà độc tài, đúng không? Ông ta lên ngôi mà không hề được bầu. Ông cai trị bằng bàn tay sắt nhuốm máu. Ông tán đồng vụ thảm sát Thiên An Môn 1989.

Nhưng ông đưa Trung Hoa tới kinh tế thị trường và qua đó đem lại cho người dân sự cải thiện đáng kể về mức sống và tự do cá nhân. Chưa có ai trong lịch sử từng cải thiện cuộc sống cho chừng ấy người trong một thời gian ngắn (1979-1997) như Đặng - ít nhất thì đó cũng là lý do để coi ông là một trong những nhân vật vĩ đại nhất thế kỷ 20, cùng hàng với Winston Churchill và Franklin D. Roosevelt.

Sẽ không hẳn công bằng nếu ném Đặng vào cùng một xó với Saddam Hussein hay Husni Mubarak, những kẻ chưa hề đem lại lợi ích gì cho dân nước mình. Dù rằng cả ba chẳng được bầu lên một cách dân chủ và đều cai trị bằng nỗi sợ. Những sẽ khá nhuốm màu chủ nghĩa vị lợi nếu khen ông Đặng giúp được 100 người bằng cách giết 10 người.

Mấy hôm nay người ta nhìn về Singapore. Lý Quang Diệu cũng từng nổi tiếng chuyên quyền như Ben Ali ở Tunisia.

Nhưng ông Lý đưa Singapore từ một xứ nghèo như đáy châu Phi 1960 lên hàng giàu nhất thế giới của năm 1990. Ông tạo ra một xã hội ganh đua lành mạnh, một bộ máy hành chính hiệu quả và quy hoạch mấy cây số vuông của ông ở tầm mẫu mực. Trong khi Ben Ali là một tay đồ tể thuần túy, chỉ biết vơ vét và cai trị bằng bộ máy mật vụ và tham nhũng.

Thử xem một số nhà dân chủ như Nawaz Sharif hay Benazir Bhutto là hai nhân vật thay nhau trị vì Pakistan hồi thập kỷ 90. Họ được dân bầu đấy.

Nhưng cả hai đều cai trị với một bộ máy dốt nát và tham lam, đẩy đất nước vào cảnh bất ổn và do đó mở đường cho giới quân sự lên nắm quyền. Nếu được chọn, có lẽ dân Pakistan không bầu mấy nhà dân chủ đó, thà rước ông vua Hussein (Jordan) hay Park Chung Hee (Hàn Quốc) về còn hơn, dù họ là nhà độc tài, nhưng độc tài một cách thông minh và phóng khoáng, ít nhất cũng đem lại no ấm cho dân.

Phải chăng đó là lý do để người ta nhắm mắt lờ đi bản chất độc tài của ông Lý? Vì nói cho cùng, nhiều người không cần gì hơn là đủ cơm ăn áo mặc, những khái niệm cao xa như “dân chủ” hay “xã hội dân sự” thì, xin lỗi, viển vông lắm, không làm no bụng được.

Lại phải quay về Sing. Đọc báo thì thấy người Sing tôn trọng nhưng không yêu mến cái vị “Cha già dân tộc” này một cách dữ dội và mù quáng như đám hàng xóm nhòm qua hàng rào.

Không ai quên một số công lao vĩ đại của ông, nhưng ngó vào bộ máy chuyên quyền của ông thì ngán tận cổ: trong Nghị viện đương nhiệm, di sản của ông Lý, có 87 ghế thì Đảng Nhân dân Hành động cầm quyền của ông chiếm 81, chừa lại vỏn vẹn 6 ghế cho Đảng Lao động đối lập. Nhiều ứng viên Đảng Nhân dân Hành động trơ trọi trên phiếu bầu vì… không có ai tranh cử.

Tôi đã học với nhiều sinh viên Chile nên để tâm theo dõi tình hình nước này. Nhắc đến Chile không thể không nhắc tên Augusto Pinochet.

Trong những năm thập niên 70 thế kỷ trước, chính quyền Pinochet tạo ra hơn một triệu chỗ làm việc mới, kinh tế Chile phát triển hai con số, tỉ lệ trẻ sơ sinh chết giảm từ 7,8 xuống 1,8%, số người nghèo từ 32% xuống 10%. Giống Sing đấy chứ. Đồng thời Pinochet cũng là tên đồ tể khét tiếng. Vậy xếp ông ta vào mục nào?

Và, xếp Validimir Putin vào mục nào? Và Johnnie Walker, xin lỗi, Boris Smirnoff, í nhầm, Boris Yeltsin?

Tôi dốt và bàng quan chính trị, chỉ đưa ra vài chi tiết để các bạn tham khảo trước khi bỏ một đống tiền ra mua vé bay qua Singapore để đưa ma thần tượng.

(*) Hơi lạc đề một chút, nhưng có bạn nào chưa biết trong chữ “chuyên chính vô sản” (dictatorship of the proletariat) có chữ “dictator” (độc tài) không?

Tác giả bài viết: Lê Quang, từ Hà Nội