Vụ thảm sát tại trụ sở “Charlie Hebdo”: KHÔNG THỂ BIỆN HỘ CHO KHỦNG BỐ!
- Thứ sáu - 09/01/2015 18:13
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Hai ngày qua, trên một số diễn đàn và trang cá nhân, nhiều người đặt ra vấn đề, ai bảo các nhà báo Pháp của tờ “Charlie Hebdo” “phỉ báng” Hồi giáo nên mới bị “trừng trị” chứ. Làm gì thì làm, sao lại “bôi nhọ” đức tin, tín ngưỡng của người khác?
Tượng Đấng tiên tri Mohammad nằm dưới sàn, các thiên sứ dẫm lên lưng, tại một nhà thờ xây vào thế kỷ 17 ở Bỉ. Chưa bao giờ có ai “có ý kiến” về điều này!
Tạm bỏ qua một số “liên hệ thực tế” thô thiển kiểu “thử đi chửi bố thằng hàng xóm xem nó có giết không?”, “ở Việt Nam mà cứ châm chích… bác Hồ, bác Giáp “dân” họ có để yên không?”, “dân chủ cũng phải có giới hạn”, v.v... mang đậm tính “thế tục”, nhảm khí và khiêu khích - chỉ tập trung vào khía cạnh tôn giáo tâm linh của vấn đề, có thể thấy trong trường hợp này, có hai chuyện cần bàn.
Thứ nhất, nhiều người hay khẳng định, hoặc tin rằng Hồi giáo cấm ngặt việc mô tả bằng hình ảnh Đấng tiên tri Mohammad nên cứ “vẽ vời linh tinh” bị giết là phải. Thứ nhì, do tờ “Charlie Hebdo” “dám” nhạo báng Đấng tiên tri Mohammad - đồng nghĩa với việc xâm phạm niềm tin thiêng liêng của một tín ngưỡng - nên họ phải trả giá.
Để trả lời rốt ráo cho hai vấn đề nói trên chắc phải có nhiều... công trình nghiên cứu. Ở đây chỉ xin phác ra vài ý ngắn để những ai quan tâm có thể tham khảo và trao đổi.
Điểm thứ nhất, nếu xem lại kinh sách hay một số nghiên cứu thì có thể thấy kinh “Qu’ran” không hề cấm việc mô tả bằng hình ảnh Đấng tiên tri Mohammad - sự cấm đoán này chỉ xuất hiện trong “Lời Hadith”, một tập hợp những điều được coi là lời của Mohammad do các tín đồ Hồi giáo sưu tầm, thu thập và chỉnh lý sau khi ông qua đời, mà nhiều học giả cho rằng có không ít những yếu tố không xác thực.
Một thực tế là người Hồi giáo tùy từng nhánh của tôn giáo này, có quan điểm khác nhau về việc có được khắc họa hay không Đấng tiên tri Mohammad, và nếu có thì đến đâu, mức độ thế nào. Sự thật, trong hơn 1.400 năm tồn tại của Hồi giáo, sự khắc họa đã diễn ra ở rất nhiều nơi, với nhiều phương thức (báo chí, tranh ảnh, tượng...), kể cả những hình thức thể hiện khá bạo liệt mà không thấy ai phản ứng.
Một mô tả về Mohammed từ thế kỷ 13, hiện còn lưu lại tại Thư viện Đại học Edinburgh (Scotland)
Dù thích hay không sự mô tả Mohammad, cần biết rằng việc kêu gọi bắn giết, khủng bố, đưa vào danh sách cần tiêu diệt những ai đó vì lý do họ khắc họa bằng hình ảnh đấng tiên tri này chỉ mới có cách đây ít năm, bởi một vài nhóm Hồi giáo cực đoan, mà đại đa số các tổ chức, hội đoàn Hồi giáo đều không đồng tình. Như thế, nên chăng, phải gọi đây là tà giáo, và những gì họ tuyên truyền, kích động mang tính chính trị cực đoan, cần phải chỉ trích và lên án, thay vì coi đó là tôn giáo, và “cảm thông”?
Thứ nhì, khi nói đến tôn giáo hay tín ngưỡng, cần phân biệt niềm tin chính đáng, có cơ sở (chánh tín) và sự mù quáng, mê muội, cực đoan và lầm lạc bị gắn mác tôn giáo (mà chính các tôn giáo cũng lên án và bài trừ). Tờ “Charlie Hebdo” chỉ châm biếm những gì mà họ coi là vô duyên, phi nhân tính - đi ngược lại hệ giá trị mà họ theo đuổi - mà vẫn cứ bị gắn mác tôn giáo (không chỉ Hồi giáo mà cả Công giáo, Do Thái giáo). Không phải tự nhiên họ đi “chửi” loạn xạ các tôn giáo một cách vô cớ - họ có đủ thông minh và trí tuệ để không làm điều đó.
Đồng ý rằng “Charlie Hebdo” đã chọn một phương pháp mãnh liệt để tiếp cận vấn đề (mà không phải ai cũng đồng tình và hưởng ứng, nhất là những ai có sự “liên đới”). Nhưng, những gì họ làm hoàn toàn dựa trên cơ sở những nền tảng của một xã hội văn minh - tự do ngôn luận, tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do thể hiện quan điểm khen, chê... trong khuôn khổ pháp luật sở tại - và đó là điều cần bảo vệ.
Trong một xã hội pháp quyền, nếu không đồng ý các nhà báo Pháp, coi là bị họ xúc phạm, có thể kiện họ ra tòa. Nếu họ làm gì quá trớn, có thể sẽ bị độc giả và xã hội tẩy chay, không mua, không đọc báo, có thể bị phá sản hoặc tù đày nếu tòa tuyên phạt. Nhưng dùng bạo lực và khủng bố, thì chỉ có thể là phản ứng điên cuồng của những thể chế độc tài, phát-xít, hoặc những tổ chức cuồng tín đột lốt tôn giáo.
Như đã nói ở trên, cần lên án nghiêm khắc và bài trừ những hành vi đó, thì hơn là suýt xoa ra vẻ cảm thông!