Vụ Công Phượng: BAO GIỜ HẾT THƯƠNG VAY?
- Thứ ba - 25/11/2014 10:43
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Lâu nay, theo dõi cơn bão dư luận về vấn đề tuổi tác của Công Phượng dấy lên từ sự hung hăng quyết tìm ra sự thật của VTV và sự bảo vệ một cách hung hãn không kém của đám đông mến mộ tài năng bóng đá trẻ của nước nhà, tôi tự đặt cho mình nhiều câu hỏi. Và câu hỏi lớn nhất trong số những suy nghĩ vụn vặt hàng ngày ấy, tôi dành cho đám đông: bao giờ thì hết thương vay?
“ ... chàng trai trẻ ấy đã có đủ bản lĩnh để chịu trách nhiệm trước công chúng và không cần đám đông la ó hộ mình...”
Tôi tự hỏi có bao giờ cái đám đông xô đẩy, chen lấn nhau quyết chí la ó cho bằng được một câu quanh câu chuyện tuổi tác của Công Phượng kia thử tự đặt mình vào tâm thế của nhân vật chính, để hiểu ra rằng: họ càng khản giọng la hét, càng chửi bới văng mạng (dù là với thiện ý bảo vệ thần tượng) thì áp lực đổ lên đầu chàng trai trẻ càng lớn.
Ở đây, tôi xin phép không bàn thêm về những nhập nhèm đáng xấu hổ đã được truy tìm bằng mọi giá kia nữa bởi tôi không muốn nhảy vào cuộc chiến hỗn loạn đến mức cả hai bên đều quên mất mục đích của việc mình đang làm. Tôi chỉ muốn thử đóng vai một người quan sát “khí tượng” xem xét và dự đoán cơn bão dư luận quay quanh Công Phượng rồi sẽ đi đến đâu và sẽ để lại những thiệt hại gì cho nhân vật chính.
Trong khi đám đông đang ra sức la hét bảo vệ Công Phượng cho rằng họ đang bảo vệ thần tượng, đang gây áp lực lên những người tìm cách phanh phui sự thật bằng mọi giá, tôi tin rằng chàng trai trẻ Công Phượng đứng giữa vòng xoáy ấy cũng đang hoàn toàn mất phương hướng vì ngay chính những tiếng la hét thất thanh đinh tai nhức óc kia từ phía đám đông.
Đám đông ngoài kia đâu có để ý gì đến tâm lý của nhân vật chính bởi toàn bộ năng lượng của họ đã dốc hết vào xới đấu đá, cãi lộn ngậu xị rồi. Với tôi, đám đông ấy chỉ là một đám đông thương vay, khóc mướn không hơn. Đám đông ấy chỉ đang hùa nhau thực hiện một hành vi vô thức được hướng dẫn bởi thói quen đã ăn sâu vào tâm thức cộng đồng người Việt nói chung: thói “thương vay khóc mướn”.
Chắc cũng chẳng có xứ sở nào lại có trò khóc mướn kỳ quặc trong đám tang như ở nước Nam mình, đến độ đã in dấu thành cả một lối sống qua câu quán ngữ “thương vay khóc mướn”. Bản chất khởi nguyên của tiếng khóc tiếc thương người quá cố đã dần dà bị cái thói ưa sĩ diện làm cho biến chất. Người ta phải thuê người khóc la thảm thiết trong đám tang chỉ để cho quan khách nhìn vào, để thiên hạ thấy cái đám ma ấy thật não nùng, bi thảm đúng điệu đám ma.
Việc khóc trong tang sự đã trở thành một thứ trang sức cho người sống chứ không còn cái ý nghĩa nguyên thủy ban đầu là sự biểu hiện đau thương tiếc nuối người quá cố. Để thỏa mãn thói sĩ diện, người Việt đã không ngại ngần làm giả cả tiếng khóc thương cho người chết. Và chuyện kỳ quặc ấy được dung dưỡng bởi một thói tật khác mang đậm tính chất văn hoá làng xã: thói ưa tham gia vào chuyện riêng tư của người khác, vin vào sự đề cao các mối quan hệ chằng chịt trong một xã hội duy tình.
Cứ thế, “thương vay khóc mướn” nghiễm nhiên trở thành căn tính của người Việt.
Bạn chắc cũng như tôi, không bao giờ muốn trở thành người làm giả tiếng khóc, người khóc mướn cho ai đó trong đời sống vốn đã có quá nhiều giả trá này. Vậy thì, trước khi nhân danh đủ thứ trang sức đạo đức trên đời để nhỏ lệ vì ai đó, bạn hãy thử dừng lại một chút để nghĩ cho thấu đáo: bạn đang khóc vì ai?
Quay trở lại câu chuyện của Công Phượng, tôi tin rằng, chàng trai trẻ ấy đã có đủ bản lĩnh để chịu trách nhiệm trước công chúng và không cần đám đông la ó hộ mình bởi hơn ai hết, cậu hiểu rằng, nếu có sự dối trá nhập nhèm nào ở đây, cậu cũng chỉ là nạn nhân chứ không phải tội đồ. Hãy tôn trọng Công Phượng và gia đình cậu, giữ cho họ một khoảng lặng yên cần thiết để họ suy nghĩ thấu đáo và tự nói lên mọi việc.
Đến lúc đó, mọi người bày tỏ lòng cảm thông cũng chưa muộn.
Mùa hè năm vừa rồi, bằng chính một trải nghiệm của bản thân, tôi đã vỡ lẽ ra rằng, khi ta biết nhìn mọi việc lý tính hơn, ở những khía cạnh tươi sáng hơn, ta sẽ tự nhiên bỏ được thói thương vay khóc mướn.
Hôm đó, tôi và mẹ chồng đưa bọn trẻ con đi nghe một buổi hoà nhạc ngoài trời dành cho thiếu nhi. Tất cả mọi người đều vui vẻ hưởng thụ ánh nắng mùa hè và thứ âm nhạc vui nhộn dành riêng cho trẻ con, kể cả cặp vợ chồng trẻ với đứa con nhỏ xíu đang còn ẵm ngửa ngồi ngay phía trước chúng tôi.
Ban đầu, tôi để ý đến họ vì cả hai vợ chồng họ đều rất đẹp và rất náo hoạt. Họ nhún nhảy và cười đùa cùng đứa con bé bỏng hết sức hào hứng và hồn nhiên. Rồi tôi nhận ra đứa trẻ trông không hoạt bát như bình thường, hình như nó bị dị tật bẩm sinh nên phải đeo dây dợ loằng ngoằng trên đầu. Theo thói thường của người Việt, tôi thở dài thầm xót thương cho đứa bé và cha mẹ nó, nghĩ bụng sao cha đẹp mẹ xinh thế mà lại không may sinh ra một đứa con bệnh tật.
Ra khỏi buổi hòa nhạc, tôi vẫn ám ảnh bởi gia đình nọ bèn lên tiếng kể với mẹ chồng. Nhưng tôi chưa kịp bày tỏ bao nhiêu xót xa sẵn có, mẹ chồng tôi đã hỏi: “Con có thấy cô bé ấy là một đứa trẻ may mắn không?”. Rồi không đợi tôi nuốt vội xót xa để bắt “tông” cho kịp mà trả lời, bà nói luôn: “Dù sinh ra bị dị tật như thế mà cha mẹ nó vẫn yêu thương và hạnh phúc khi có nó. Nó đúng là may mắn!”.
Hôm đó, mẹ chồng tôi đã cứu tôi khỏi một màn “thương vay khóc mướn” trông thấy. Và cũng hôm đó, tôi đã tự hỏi mình: “Bao giờ hết thương vay?”.