Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VU VƠ CHUYỆN HỌC THUẬT

(NCTG) “Người ta cứ thấy học giả phương Tây quan tâm đến Việt Nam là hoa hết cả mắt, chưa cần biết nội dung hay dở thế nào. Các nhà Việt Nam học thực thụ ở phương Tây cũng cảm thấy khó chịu khi họ bị đánh đồng với những học giả nửa mùa và lối tung hô mù quáng của những người nổi tiếng song không phải chuyên gia”.

Cuốn sách đang gây tranh cãi của tác giả Thomas Bass - Ảnh: Internet


Tối nay ngồi ăn cơm, tôi đem chuyện lao xao quanh về bài viết “Censorship in Vietnam: Forcing Writers to the Periphery” của ông Thomas Bass về vấn đề kiểm duyệt ở Việt Nam ra nói với chồng – người cũng đang theo đuổi ngành Việt Nam học ở Mỹ.

Được dịp, chàng hăng tiết vịt nói một thôi một hồi về cuốn sách “The Spy Who Love Us” (2009) (bản dịch tiếng Việt mang tựa đề “Điệp viên Z21 – kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ”) của tác giả này với tông giọng cao dần đều. Vợ hỏi liệu có thể tìm thấy cuốn sách của ông Bass trong mấy cái giá sách ngồn ngộn sách vở của chàng không thì chàng bảo có sẵn bản PDF cuốn này trong máy tính nhưng “em đọc làm gì cho bực”.

Rồi chàng thở dài, bảo: “Còn rất nhiều người không công bằng với Việt Nam, không tôn trọng Việt Nam lắm em ơi. Họ viết về Việt Nam như thật dù không biết tiếng Việt và chả hiểu gì về Việt Nam”.

Câu chuyện học thuật đùng đùng nóng nảy của chồng làm tôi nhớ tới lần nọ, hai vợ chồng nghe radio trên xe, thấy phóng viên Mỹ phỏng vấn ông Yan Can Cook về đồ ăn Việt Nam và ông này ba hoa chích choè sang cả văn hóa và lịch sử ẩm thực Việt Nam khiến vợ chồng tôi lắc đầu ngán ngẩm.

Ông ấy nấu ăn giỏi và biết nhiều về đồ ăn thì đúng rồi, nhưng không phải cứ là đầu bếp giỏi thì cũng là nhà nghiên cứu ẩm thực giỏi như ông ấy đã cố thể hiện. Mấy điều vu vơ ông ta nói chỉ lòe được dân Mỹ chưa đến Việt Nam bao giờ.

Lại nhớ đến chuyện cách đây chừng bốn, năm năm, nhân dịp một cuốn sách về Việt Nam của một học giả phương Tây được xuất bản, tiến sĩ Nguyễn Nam đã có một bài điểm sách rất được lòng giới nghiên cứu trong nước vì ông chỉ ra vô số lỗi kiến thức trong cuốn sách, chủ yếu mắc phải do bệnh suy diễn vô căn cứ và cố tình gây sốc.

Hôm đó, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cũng có phát biểu về việc tác giả cuốn sách đã không công bằng, không sòng phẳng như thế nào khi không hề có một chú thích nào về những văn bản được tác giả nhờ các đồng nghiệp ở Viện Hán Nôm dịch giùm, gây hiểu lầm là tác giả đã tự dịch.

Câu chuyện của buổi tọa đàm ở Viện Văn học ngày hôm đó và câu chuyện trên bàn ăn nhà tôi về cuốn sách của ông Bass hôm nay hình như gặp nhau ở vấn đề “công bằng và sòng phẳng” trong nghiên cứu. Tình trạng sính ngoại và sính các nghiên cứu từ phương Tây về Viêt Nam học hiện tại dễ dàng dẫn đến sự mất kiểm soát nhận thức về vấn đề công bằng và sòng phẳng.

Người ta cứ thấy học giả phương Tây quan tâm đến Việt Nam là hoa hết cả mắt, chưa cần biết nội dung hay dở thế nào. Các nhà Việt Nam học thực thụ ở phương Tây cũng cảm thấy khó chịu khi họ bị đánh đồng với những học giả nửa mùa và lối tung hô mù quáng của những người nổi tiếng song không phải chuyên gia.

Nhắc lại những chuyên này để tự dặn mình rằng, nếu muốn tiếp tục theo đuổi con đường khoa học, không bao giờ được quên hai từ: công bằng và sòng phẳng!!!

Ghi nhớ lời Cậu tôi (cố giáo sư Nguyễn Tài Cẩn) đã nói: đừng mơ mộng gì xa xôi, cứ cần mẫn xem xét cái hạt cát trong bờ, nhặt nhạnh con tôm con tép gần bờ rồi sẽ đến lúc những người ở ngoài khơi cần đến những hiểu biết của mình về chúng.

Ừ, cứ học công bằng và sòng phẳng với hạt cát đã, rồi mới nói đến chuyện lớn hơn được.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thanh Lưu, từ Berkeley, California (Hoa Kỳ)