Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“VŨ NHƯ TÔ” VÀ NHÀ HÁT THỦ THIÊM

(NCTG) “Việt Nam bây giờ đã thoát cảnh đói nghèo, việc xây dựng những công trình văn hóa kỳ vĩ là cần thiết, miễn là công trình có chất lượng thật sự và cần tránh những địa điểm hay thời điểm nhạy cảm như cách chính quyền TP. HCM vừa làm”.
Chính quyền TP. HCM biểu quyết xây dựng nhà hát 1.500 tỷ khiến công luận dậy sóng, có người gọi đây là “nhà hát cất trên những xác người”, “nhà hát của những bóng ma, bóng ma của các linh hồn phẫn uất khi bị cướp trắng đất đai nhà cửa”
Mấy hôm nay dân tình xôn xao vì quyết định của Hội đồng Nhân dân TP. HCM đầu tư xây nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch trị giá hơn 1.500 tỷ VND ở Thủ Thiêm. Thực ra câu chuyện không tệ như chúng ta tưởng, bởi lẽ số tiền đó nghe nói là tiền đấu giá mảnh đất vàng ở đường Lê Duẩn vốn định để xây nhà hát, nếu trong năm nay không kịp giải ngân thì sẽ phải trả lại cho ngân sách, vì thế UBND mới phải quyết định nhanh chóng. Tuy nhiên, đây là một quyết định thiếu nhạy cảm chính trị và đi trái lòng dân khi chọn địa điểm là Thủ Thiêm, địa danh gắn liền với quá nhiều nỗi đau từ hai chục năm nay chưa được giải trừ.

Có điều, việc xây nhà hát có cần không lại là một câu chuyện khác.

Việc tranh cãi xung quanh câu hỏi đó khiến mình nhớ đến “Vũ Như Tô” của Nguyễn Huy Tưởng, một trong những vở kịch mình thích nhất - vở kịch đã lay động tận tâm can mình như chưa vở kịch nào làm được đến thế. Vượt lên câu chuyện của một nghệ nhân xây đền đài, thậm chí vượt lên tầm vóc của việc trị quốc an dân, đây là câu chuyện của sự tranh đấu giữa nhu cầu về cái ĐẸP và nhu cầu duy trì cuộc sống hàng ngày.

Vũ Như Tô là một kiến trúc sư tài ba, luôn khao khát được tạo nên những tác phẩm để đời, lại được vua Lê Tương Dực trọng dụng để xây Cửu Trùng Đài, một công trình kiến trúc cực kỳ tráng lệ trong Hoàng Thành Thăng Long, được mô tả là “tuy chưa hoàn thành mà bóng rợp nửa hồ Tây”. Tuy nhiên, công trình này lại dùng hết tiền của và sức dân trong nước, đã thế ông lại cầu toàn nên có chỗ đã làm xong lại phải làm lại, sửa đổi xây đắp lại, hết năm này qua năm khác, liên miên không dứt.

Trong triều, quần thần chỉ thích đục khoét, ăn chơi xa xỉ nên đố kỵ với việc ông được nhà vua tin dùng, chỉ có cung nữ Đan Thiềm là hiểu được chí lớn của ông. Bên ngoài dân chúng oán thán, buộc tội ông là gian thần hại nước, thậm chí vợ con cũng nghi kỵ vì ông quá đam mê công việc mà bỏ bê gia đình. Cuối cùng Trịnh Duy Sản lợi dụng lòng dân oán hận, nổi loạn giết vua. Mất đi sự che chở, loạn quân đi tìm Vũ Như Tô khi ông còn đang mải mê bên công trình của mình rồi giết chết ông.

Cho đến khi chết, ông cũng chỉ cầu mong quân lính đừng phá hủy công trình của mình nhưng vô ích, đám loạn quân và dân chúng phẫn nộ ấy không biết trân trọng cái ĐẸP, đã châm lửa đốt Cửu Trùng Đài, hủy đi tâm huyết cả đời của ông. Ngay cả Đan Thiềm cũng bị đám quần thần phản bội vu cho là tư thông với Vũ Như Tô rồi bắt chết theo ông. Cái ĐẸP cuối cùng đã thua sự DÃ MAN, để người Việt với hàng ngàn năm lịch sử không có được công trình nào tương xứng với các nước lân bang nhỏ bé hơn nhiều như Chăm Pa, Chàm hay Campuchia.

Hàng trăm năm sau, Nguyễn Huy Tưởng cảm được nỗi đau của Vũ Như Tô nên đã viết những lời lay động tâm can trong lời đề tựa: “Chẳng biết Vũ Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Cửu Trùng Đài không còn, nên mừng hay nên tiếc/ Tháp người Hời hay là giống Angkor? Than ôi! Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ta chẳng biết. Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm”. Nỗi đau của Vũ Như Tô là nỗi đau của người nghệ sĩ không tìm được tiếng nói chung với công chúng và không thấu cảm những tạo tác của anh ta để rồi cả anh ta và tác phẩm đều bị hủy hoại trong đau thương, tức tưởi. 

Nhìn rộng ra, như tháp nhu cầu của Maslow cho thấy, con người có 5 tầng nhu cầu chính là nhu cầu ăn - mặc - ở, nhu cầu an toàn, nhu cầu được yêu thương, nhu cầu được tôn trọng và tầng trên cùng là nhu cầu thể hiện bản thân. Do logic là chỉ khi các tầng dưới được thỏa mãn con người mới biết đến nhu cầu ở các tầng trên, công chúng phần đông chỉ có thể hiểu đến 2-3 tầng nhu cầu bên dưới, nhu cầu được tôn trọng và được vươn đến sự hoàn thiện chỉ giành cho một số người ở tầng lớp có học, giàu có…

Ở các nước nghèo như Châu Á, khi dân chúng hiếm khi thoát cảnh lầm than, các công trình để đời luôn được xây dựng trên sự thống khổ của dân chúng. Tuy nhiên, cũng chính nhờ vậy mà các kiến trúc sư tài ba mới có đất dụng võ và đất nước mới có các công trình lưu danh thiên cổ như Angkor, Vạn Lý Trường Thành, Cố Cung hay thậm chí như lăng mộ kinh thành Huế. Thế giới cho thấy không ít trường hợp vua chúa đam mê văn hóa nghệ thuật, nhu cầu hiếm được xung quanh chia sẻ nên bị quần thần xúc xiểm, dân chúng xa lánh nên đã bị mất nước như vương quốc Champa là ví dụ điển hình.

Trong văn chương thế giới được đúc kết thành câu hỏi: “Chọn Athens (chú trọng văn hóa nghệ thuật) hay chọn Sparta (thiện chiến nhưng không biết gì về văn hóa)”. Cũng không hiếm những trường hợp Sparta thắng Athens nhưng rồi lại bị Athens chinh phục bằng văn hóa như La Mã với Hy Lạp ở Châu Âu hay Mông Cổ và Trung Quốc ở Châu Á. Các nhà lãnh đạo chân chính không chỉ cần biết chăm lo cho dân chúng ấm no mà còn có tầm để biết chắt chiu chăm lo cho văn hoá nghệ thuật, kiến trúc làm niềm tự hào cho con cháu đời sau.

Trở lại câu chuyện về nhà hát ở Thủ Thiêm, không nên nghĩ số tiền xây nhà hát là mất đi mà chính là khoản chi tiêu chính phủ, sẽ tạo công ăn việc làm cho nhiều người, kích thích sản xuất và làm tăng GDP, tức là nếu quản lý tốt sẽ ích nước lợi nhà! Việt Nam bây giờ đã thoát cảnh đói nghèo, việc xây dựng những công trình văn hóa kỳ vĩ là cần thiết, miễn là công trình có chất lượng thật sự và cần tránh những địa điểm hay thời điểm nhạy cảm như cách chính quyền TP. HCM vừa làm.

Thế kỷ 21 rồi, mong chúng ta hãy tìm được Vũ Như Tô và không để bi kịch của Cửu Trùng Đài bị lặp lại trên đất nước này.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Ánh, từ Hà Nội