VỤ CÔNG PHƯỢNG VÀ HÀNH TRÌNH ĐI TÌM SỰ THẬT CỦA VTV
- Thứ hai - 24/11/2014 16:06
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Trong một xã hội thật giả lẫn lộn, không có cơ chế “tam quyền phân lập”, hệ thống pháp luật được miêu tả nôm na là “vừa đá bóng vừa thổi còi”, thì hành trình đi tìm sự thật của VTV nói riêng, của Báo chí và Truyền thông Việt Nam nói chung, dĩ nhiên là bất khả thi”.
Chương trình truyền hình mới đang gây nhiều phản ứng trái chiều - Ảnh: Internet
Gần đây, chương trình Chuyển Động (CĐ) 24h của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) thực hiện phóng sự điều tra về tuổi thật của Công Phượng, sau khi một bài viết trên báo “Thể Thao 24h” khơi mào câu chuyện Công Phượng sinh năm 1993 hay 1995.
Việc làm này không sai, vì luật báo chí qui định: “Báo chí có quyền phát hiện, biểu dương gương tốt, nhân tố mới; đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác”. Như vậy, theo luật báo chí, VTV có quyền đưa tin về nghi vấn tuổi thật của Công Phượng. Nhưng phóng sự điều tra này đã làm dấy lên một làn sóng công kích và phản ứng mạnh mẽ của số đông công chúng.
Dư luận nghi ngờ mục tiêu kiếm tìm sự thật trong sáng của VTV.
Dư luận có lẽ bức xúc vì VTV không nhất quán trong hành động của mình, mà cho phép mình lựa chọn những đối tượng “dễ” để điều tra, hoặc ít ra tại thời điểm bắt đầu, VTV “non tay” nghĩ đây là vụ “dễ ăn”. Phải chăng vì CĐ24h mới xuất hiện nên cũng cần chiêu PR để gây dựng hình ảnh, tạo điểm nhấn?
Liệu VTV có thực sự muốn đi đến tận cùng, hay chỉ dám kiếm tìm sự thật ngoài vùng kiểm duyệt. Trong một xã hội đầy rẫy dối trá, rất nhiều đề tài sống còn để một xã hội trở nên công bằng văn minh, như tài sản tham nhũng của các quan chức nhà nước, khai gian tuổi để trụ lại để giữ ghế của mình của các cán bộ cao cấp, nợ xấu của hệ thống ngân hàng, tình trạng tồi tệ của thương mại bất động sản... Những vấn nạn này này có lẽ quan trọng gấp nhiều lần tuổi thật của Công Phượng! Nhưng VTV lại chọn Công Phượng?
Nếu “án tại hồ sơ” thì giờ đây khi Phòng Tư pháp huyện Đô Lương đã về xã Mỹ Sơn để kiểm tra hồ sơ của Công Phượng, đi đến kết luận: Công Phượng sinh năm 1995, thì liệu VTV có gì để nói hơn ngoài lời xin lỗi? Liệu VTV có đủ can đảm tiếp tục đi tới cùng, chứng minh cơ quan chính quyền, tư pháp gian dối? Để tồn tại, VTV chắc sẽ phải dừng bước, hoặc rất có thể, các cá nhân liên quan đến vụ này hiện đã đang cố gắng xoay sở giải quyết hậu quả bên trong hậu trường.
Dư luận có lẽ cũng không ngây thơ để tin ngay vào những chứng cớ mà Phòng Tư pháp đưa ra, nhưng nhìn chung số đông có vẻ đứng về “phe nước mắt”.
Đa phần cho rằng cách thực hiện phóng sự của VTV có vẻ không nhân văn đối với Công Phượng, một cầu thủ trẻ về tuổi đời và đang thực sự cống hiến cho bóng đá Việt Nam. Với vị trí của mình, VTV không thể đi đến kết luận về tuổi thật của Công Phượng, kết luận chỉ có thể được đưa ra khi các cơ quan chức năng vào cuộc. Vậy, sẽ hợp lý hơn, nếu VTV chỉ gợi mở vấn đề, chứ không dồn dập tập trung hết nguồn lực lên sóng, hay cụ thể hơn là BTV truyền hình VTV chẳng hiểu vì lý do gì, do căng thẳng, kém chuyên môn, hay được chỉ đạo phải tổng tiến công, mà kết quả là khi lên hình thể hiện thái độ cay cú, không cân bằng.
Trong một xã hội thật giả lẫn lộn, không có cơ chế “tam quyền phân lập”, hệ thống pháp luật được miêu tả nôm na là “vừa đá bóng vừa thổi còi”, thì hành trình đi tìm sự thật của VTV nói riêng, của Báo chí và Truyền thông Việt Nam nói chung, dĩ nhiên là bất khả thi. Một cái mũ lớn được Báo chí và Truyền thông Việt Nam đội chung - các phe nhóm chơi nhau, đấu đá lẫn nhau - cho dù sự thật không phải lúc nào cũng như vậy.
Công chúng ủng hộ Công Phượng, suy nghĩ đơn giản - chênh nhau hai tuổi có đáng là bao mà phải làm to chuyện - trong khi đó em thực sự cống hiến cho khán giả những giây phút bay bổng, niềm sung sướng vỡ òa của mỗi bàn thắng, sự tự hào và hy vọng Việt Nam vượt qua các nước Đông Nam Á. Có lẽ đây là niềm hy vọng hiếm hoi khi đất nước chúng ta thụt hậu trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội, so với bạn bè trong khu vực. Các cổ động viên bóng đá cuồng nhiệt, rất khó chấp nhận khi niềm hy vọng ấy bị VTV cướp đi.
Theo tôi, ở đây có hai điểm công chúng nên công bằng.
Một là, nếu thực sự tuổi của Công Phượng được khai giảm, với mục đích để em đủ điều kiện thi đấu ở đội tuyển U19, thì cá nhân chịu trách nhiệm đã phạm sai lầm - tước đoạt cơ hội của một cầu thủ trẻ khác. Trong trường hợp này, chúng ta chỉ không thể biết là cầu thủ này có chơi hay bằng, hay hơn, hay kém hơn Công Phượng mà thôi. Việc tước đoạt cơ hội của một cá nhân khác là sai, và cần phải lên án.
Điều thứ hai, vô cùng quan trọng, là với những vụ việc như tuổi của Công Phượng, nếu đúng có gian lận, mà dư luận xã hội chấp nhận, thì đó là vấn nạn của nền giáo dục nước nhà. Đâu là chuẩn mực, đâu là ranh giới đúng sai, để thế hệ trẻ Việt Nam lấy đó răn mình, lấy đó là phương châm sống?
Cá nhân tôi nghi ngờ kết luận của Phòng Tư Pháp huyện Đô Lương về tuổi của Công Phượng, khi bản thân ông Phú, Trưởng Phòng Tư pháp huyện, viện dẫn lý do trước năm 1999 do năng lực cán bộ và cơ sở vật chất còn yếu kém nên nhiều địa phương không lưu trữ được sổ sách, dẫn đến việc cùng một người nhưng có ngày tháng năm sinh khác nhau trên nhiều loại giấy tờ.
Tôi cũng không nghĩ Công Phượng sẽ dám công khai tuổi thật của mình, trong trường hợp em sinh năm 1993, vì cho dù em muốn, Bầu Đức và Hoàng Anh Gia Lai, chắc sẽ không khuyến khích, khả năng lớn hơn, là ngăn cản.
Tuy nhiên, tôi cho rằng suy cho cùng, VTV để tồn tại sẽ tiếp tục hoạt động trong vòng kiềm tỏa của kiểm duyệt, chắc sẽ chỉ tiếp tục đi tìm “sự thật nhỏ” theo sự cho phép và chỉ đạo nào đó, còn “sự thật lớn” thì lại “để Đảng và Nhà Nước” lo!
Cho dù thất vọng với VTV, nhưng tôi tin công luận vẫn luôn mong chờ, biết đâu CĐ24h, VTV ngày hôm nay bắt đầu bằng “sự thật nhỏ”, nhưng sẽ có lúc có đủ lực nguồn nhân lực với tay nghề cao, đạo đức và trí tuệ, sẵn sàng đương đầu với “sự thật lớn”.
Biết đâu?