Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VIRUS VŨ HÁN VÀ SỰ KỲ THỊ

(NCTG) "Bên cạnh và song hành “đại dịch Vũ Hán”, còn một đại dịch có thể âm ỉ, kéo dài hơn, không nhất thiết gây thương vong nhưng rất có thể hậu quả cũng khôn lường: sự kỳ thị”.
Những dòng chữ uất hận và bất lực - Nguồn: “Tân Đạo Báo”
Tôi là người Trung Quốc, đây là một cửa hiệu Trung Quốc. Hiện nay tại Tổ quốc chúng tôi đang bùng phát virus Corona. Quý vị có quyền không mua hàng Trung Quốc, nhưng chớ phán xét người khác và chớ nói những điều xuẩn ngốc. Những khó khăn sẽ không chiến thắng được cộng đồng Trung Quốc. Trung Quốc cố lên! Vũ Hán cố lên!”.

Đó là những dòng được viết lên tờ giấy khổ A4 và treo tại cửa hiệu của người Hoa tại phố Honvéd, TP. Kaposvár, thủ phủ của tỉnh Somogy (cách thủ đô Budapest chừng 190 cây số).

Tờ “Tân Đạo Báo” (新导报) của cộng đồng Hoa kiều tại Hungary, khi đăng lại tấm ảnh trên, có bình luận rằng sự hoảng hốt do virus Corona gây ra đã lan xuống tận thành phố này.

Có vẻ như có những người trở nên rất định kiến với hàng hóa Trung Quốc và người Trung Quốc, và điều đó có thể đã khiến chủ hiệu phải phiền lòng”, “Tân Đạo Báo” nhận xét.

Trong những ngày qua, song song với những tin dữ hàng ngày về lượng người bị nhiễm virus Vũ Hán và con số tử vong, giới truyền thông cũng nhắc tới sự kỳ thị ngày một gia tăng.

Trên mạng Facebook, nhiều người Việt ở Budapest phàn nàn họ bị dân bản xứ nhìn ngó, hỏi han với con mắt nghi ngại, nhiều khi bất lịch sự, thậm chí bị tỏ thái độ xa lánh và dè bỉu.

Có gia đình bị hàng xóm “tố” với nhà trường nơi con cái theo học, là có người vừa về thăm Việt Nam, nơi họ kinh doanh lại “phức tạp”, nên chăng tạm cách ly cháu bé một thời gian?
 
“Chúng tôi là người Việt”, cách thể hiện không hẳn đã hay nhất, nhưng là phản ứng tự nhiên trong cảnh bị kỳ thị...
“Chúng tôi là người Việt”, cách thể hiện không hẳn đã hay nhất, nhưng là phản ứng tự nhiên trong cảnh bị kỳ thị...

Để tránh bị đánh đồng và nhầm với người Hoa, một số cửa hiệu của các thương gia Việt đã phải trương biển “Chúng tôi là người Việt”. Báo chí Hung cũng đã đưa tin về việc này.

Mạng tin index.hu có bài nhắc tới “khu chợ Tầu” Józsefváros và Monori Center - nơi rất đông bà con Việt kinh doanh - nay vắng teo, các tiệm người Hoa cũng hầu như không có khách.

Trả lời tờ báo, không chỉ khách hàng mà ngay giới thương gia tại khu chợ cũng cho hay họ lo ngại khi các doanh nhân Hoa kiều trở lại Hung sau khi về quê ăn Tết, thì họa sẽ xảy ra.

Index.hu cho hay, nỗi sợ hãi khiến cư dân tránh khu Châu Á không phải là chuyện riêng ở Hungary, mà nó còn xảy ra ở nhiều nơi như Mỹ, Anh, Pháp, hoặc ngay cả Nhật và Việt Nam.

Nhà hàng Tầu bị tránh, trẻ em gốc Hoa bị tẩy chay tại trường sở, người Châu Á bị xa lánh tại nơi công cộng “như tránh hủi”... là một vài ví dụ mà index.hu liệt kê trong bài báo nọ.

Mạng tin kể chuyện một tờ báo địa phương ở Pháp đăng bài về virus Corona với tiêu đề mang tính miệt thị “Hoàng họa” (Họa của dân da vàng), gây bê bối lớn trong dư luận nước này.

Có lẽ chả có gì đáng ngạc nhiên khi những cảm xúc bùng nổ bởi virus Corona đã làm xuất hiện hàng loạt định kiến”, index.hu nhận định. Và định kiến đến từ cả những cư dân ôn hòa.
 
“Tôi không phải là virus”
“Tôi không phải là virus”

Vì, những lời lẽ kỳ thị không chỉ xuất hiện ở cuộc tuần hành quốc xã. Không thiếu “tin vịt” về người Hoa ở Hung, như quán Tầu sở dĩ rẻ vì họ dùng đủ loại thịt nguồn gốc “bất minh”.

Hoặc, không thấy người Hoa trong các nghĩa trang ở Hung vì họ dùng giấy tờ của người mất để “mang” ai khác từ Đại lục sang, có trời biết được. Và đó chỉ là hai “fake news” điển hình.

Bởi lẽ, những tin vịt, vô cơ sở, “một nửa sự thật” hoặc những chuyện “như thật” được phát tán là thứ thường xuyên đi kèm, góp phần củng cố và càng khiến sự kỳ thị “có đất dụng võ”.

Đặc biệt, nỗi sợ hãi không bao giờ làm nổi những điều tử tế nhất trong con người, như index.hu nhấn mạnh. Ngược lại, thường nó khiến trỗi dậy những bản năng xấu xa, tiêu cực.

Và sự kỳ thị, phân biệt đối xử hay ở một mức nhẹ hơn, những định kiến tệ hại bùng nổ trên toàn thế giới vào những ngày gần đây là hệ quả của cách hành xử mang tính bản năng ấy.

Cũng vì thế, người Pháp gốc Á đã dùng hashtag #Jenesuispasunvirus (Tôi không phải là virus) trên Twitter để phản đối việc bị kỳ thị, nhất là trên các phương tiện giao thông công cộng.

Như thế, bên cạnh và song hành “đại dịch Vũ Hán”, còn một đại dịch có thể âm ỉ, kéo dài hơn, không nhất thiết gây thương vong nhưng rất có thể hậu quả cũng khôn lường: sự kỳ thị...

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh