Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VIẾT CHO NGÀY 30-4

(NCTG) “Vì lẽ gì mà một dân tộc là hiện thân của bức tranh được khắc họa bằng những chiến tích chống ngoại xâm và những trận Điện Biên Phủ lẫy lừng mới đây bỗng nhanh chóng trở nên lụn bại, thấp hèn? Điều gì đã xảy ra trong 41 năm qua? Tại sao đất nước này không thể phát triển?”.
Xuống đường vì cá, vì môi trường biển, nhưng cũng vì một xã hội minh bạch, dân chủ - Ảnh: FB của nhà văn Đoàn Bảo Châu
Thảm họa cá chết tanh tưởi và uất ức kéo dài thêm nỗi buồn của cả nước đến hôm nay, ngày kỷ niệm 41 năm kết thúc chiến tranh, làm cho niềm vui của “bên thắng cuộc” chẳng còn chút gì mang ý nghĩa vĩ đại của chiến thắng ngày nào.

Từ những diễn biến xấu kéo dài, những ngày này đang đặt ra cho Việt Nam câu hỏi mà lịch sử đã nhiều lần nhắc lại: phát triển hay diệt vong? Mang trong dòng máu cái mầm sống muôn đời, cũng như các dân tộc khác, người Việt không chịu khuất phục trước bất kỳ kẻ xâm lược nào. Từ cái mầm sống này nảy sinh những chồi xanh bất tử như những ngọn măng tre tượng trưng cho khí phách và sức sống mạnh mẽ của con người trên dải đất này, làm nên một bức tranh của người Việt trong kho tàng lịch sử của nhân loại nói chung và vùng Đông Nam Á nói riêng. Bức tranh đầy máu lửa và rất hào hùng.

Vì lẽ gì mà một dân tộc là hiện thân của bức tranh được khắc họa bằng những chiến tích chống ngoại xâm và những trận Điện Biên Phủ lẫy lừng mới đây bỗng nhanh chóng trở nên lụn bại, thấp hèn? Điều gì đã xảy ra trong 41 năm qua? Tại sao đất nước này không thể phát triển? Lẽ ra Việt Nam đã thành cọp hay hóa rồng với tiềm năng được kỳ vọng và đánh giá cao của nhiều người ngoại quốc, nhưng rốt cục vẫn chỉ là một nơi đầy những mâu thuẫn và thất bại trong việc xây dựng và phát triển sau chiến tranh, đất nước đầy những vết thương của cả giặc “ngoại xâm” và “nội xâm”, đất nước của những “ngoại lệ” bất thường, vô cùng phi lý...

Để lý giải, phải quay lại với những con cá chết trắng bờ Biển Đông. Để đặt câu hỏi về cái chết của chúng, để trả lời về những cái chết của núi rừng, của những dòng sông, cả những đồng bằng phì nhiêu, những cao nguyên trù phú... từng khoác lên cho đất nước này không chỉ vẻ đẹp tuyệt vời được ban tặng từ thiên nhiên, mà còn hứa hẹn cả một tương lai vô cùng sán lạn... của “biển bạc, rừng vàng”, của những đô thị một thời hiền hòa, của một lịch sử bi tráng không chịu vùi dập chỉ muốn cất cánh bay lên...

Không chỉ là những câu hỏi đó mà còn vô số những câu hỏi khác. Làn sóng những người bỏ xứ vượt biên nói lên điều gì? Vì sao trí thức giỏi không về nước làm việc, doanh nhân giỏi muốn bỏ nước ra đi?. Cũng từ ngày 30-4-1975, xã hội Việt Nam xuất hiện một tầng lớp cách mạng 30-4 ở miền Nam, trong tầng lớp này có bao nhiêu kẻ cơ hội lợi dụng thắng lợi của cách mạng để ngoi lên và kiếm chác? Còn ở miền Bắc, từ trong hàng ngũ lực lượng đảng viên hùng hậu có bao nhiêu kẻ thoái hóa, biến chất? Cho đến lúc này, chúng ta có thể đếm được có bao nhiêu người cộng sản chân chính không và như vậy thì Cách mạng Việt Nam thực chất là cuộc cách mạng vì cái gì?

Nguyễn Quang Lập đã mô tả về thời “bao cấp” ở miền Bắc những năm 70, nơi khởi phát của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ để “giải phóng” miền Nam. Đó là xã hội của những con người “đói kém” vì thiếu thốn cả văn hóa vật chất lẫn văn hóa tinh thần, đến nỗi những mậu dịch viên cũng có thể trở thành bạo chúa “lạnh lùng khinh khỉnh” và biến những người khác trở nên hèn hạ ngu xuẩn, đến mức lâu ngày rồi cũng phải mang ơn họ và cảm thấy mình có lỗi vì đã làm phiền họ mà không dám tranh cãi với họ vì đó là “điều dại dột nhất trần đời”.

Chúng ta đang kéo dài một cuộc sống mà sự thật trái ngược với mọi lẽ phải, hoàn toàn trái ngược với những gì vẫn được lặp đi lặp lại hàng ngày một cách nhàm chán về một xã hội tốt đẹp, nhưng thực chất là một xã hội mang trong mình những mầm chết, những hiểm họa khôn lường bất chấp mọi cảnh báo. Từ những cái mầm chết này sinh ra đủ loại biến chất, thoái hóa từ quan đến dân, từ thành thị đến nông thôn, từ trí thức đến nông dân... Mọi nơi mọi lúc, chúng ta đều nhận ra cuộc sống đang bị biến đổi, con người ngày càng tha hóa, đất nước ngày càng suy bại mà không thể biết sẽ đi về đâu. Nhưng chắc chắn sẽ không thể trở nên tốt đẹp và phồn vinh.

Bao giờ thì chúng ta thoát khỏi tình trạng này để có lại niềm tin vào cuộc sống và con người? Con người là nhân tố, là động lực và vốn quý của xã hội, là tác nhân biến đổi tất cả, nhưng nếu họ lại chỉ là những sản phẩm tồi của một xã hội suy tàn thì có thể trông đợi từ họ điều gì?

Những gì có thể làm được bây giờ là THAY ĐỔI, thay đổi như thế nào là vấn đề của chúng ta. Chừng nào thay đổi được một cách tích cực và tốt đẹp thì tình trạng hiện nay cũng sẽ thay đổi. Nói cho cùng thì phải tạo được NIỀM TIN, vì chúng ta đã quen với việc sống mà không có niềm tin từ lâu rồi.

Tác giả bài viết: Nguyễn Cao Bình, từ TP. HCM