Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VÌ SAO VÀ PHẢI CHĂNG...

(NCTG) “Tự nhiên là mỗi người đều có nhu cầu được sống, được sống tốt hơn, được tìm một hoàn cảnh mà họ thấy phù hợp hơn. Một đứa trẻ sinh ra, hoàn toàn ngây thơ vô tội. Chỉ vì nơi nó sinh ra mà số phận nó đã gần như được ấn định phải sống ở đâu, và sẽ vô cùng khó nếu muốn thay đổi? Điều đó có bất công không?”.
Chiếc xe định mệnh chứa 39 thi thể làm dấy lên những câu hỏi nhức nhối, vì sao và phải chăng...
Mấy hôm nay mình cứ nghĩ mãi. Về những người tìm đường đến một đất nước khác để kiếm sống.

Vì sao họ lại trốn ra đi một cách khốn khổ và bất trắc như vậy?

Vì cuộc sống ở nhà quá cơ cực ư? Vì họ quá ảo tưởng vào cuộc sống ở nước ngoài ư? Vì họ thiếu thông tin không lường được hậu quả ư? Vì sao nữa?

Dù vì lý do gì thì thực tế đây không phải lần đầu mà từ bao năm nay đã có những đoàn người ra đi như vậy. Giữa cái thời hiện đại này, giữa cái thời không có chiến tranh này. Thật đau xót!

Họ đáng thương hơn đáng giận? Họ vi phạm pháp luật nhưng họ có sai?

Nếu đứng về mặt luật pháp thì họ tìm cách nhập cư trái phép - đó là một việc sai; sang bên kia họ phải đi làm chui - suy cho cùng cũng là sai pháp luật.

Nhưng vì sao họ vẫn nhận được sự cảm thông? Vì sao đã có những buổi tưởng niệm họ trên đất Anh? Vì sao đã có nhiều con người giang tay ra muốn giúp đỡ họ?

Vậy thì pháp luật thuần túy có phải là thước đo duy nhất để đánh giá hành động của con người?

Nhưng vì sao pháp luật lại định ra biên giới giữa các đất nước? Vì sao người dân của một đất nước này tìm đường sinh sống ở một đất nước khác lại là sai trái? Hay đó là vấn đề quản lý? Vì nếu không có các biên giới thì quản lý khó khăn hơn? Nhưng quản lý lại là vấn đề con người đặt ra. Đó không thuộc về bản chất của tự nhiên.

Tự nhiên là mỗi người đều có nhu cầu được sống, được sống tốt hơn, được tìm một hoàn cảnh mà họ thấy phù hợp hơn. Một đứa trẻ sinh ra, hoàn toàn ngây thơ vô tội. Chỉ vì nơi nó sinh ra mà số phận nó đã gần như được ấn định phải sống ở đâu, và sẽ vô cùng khó nếu muốn thay đổi? Điều đó có bất công không?

Phải chăng tất cả chúng ta đang sống với những quy định pháp luật về đường biên giới một cách khiên cưỡng, chấp nhận nó để có một trật tự nào đó dù nó không thuyết phục? Và chính vì thế, có một sự cảm thông, có một sự thương xót với những con người buộc phải chấp nhận hiểm nguy để bỏ xứ ra đi?

Tác giả bài viết: Phan Hà Dương, từ Hà Nội