Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VÌ SAO TRUMP SẼ LÀ “MỘT TỔNG THỐNG THỰC SỰ QUAN TRỌNG”?

(NCTG) Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ để lại một dấu ấn trong lịch sử, chính là bởi chính sách thù địch của ông với Trung Quốc đã tạo ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới, theo nhận định của Emmanuel Todd, nhà nhân khẩu học và sử học Pháp.
Donald Trump sẽ để lại di sản chính trị như thế nào?
Thứ Bảy 7-11-2020, trong một cuộc phỏng vấn ngắn trên đài “Europe 1”, với quan điểm “ngược dòng”, tác giả của “Hậu Đế chế” (Après l’Empire) và “Hậu dân chủ” (Après la démocratie) cho rằng Donald Trump, dù có tái đắc cử hay không vào cương vị Tổng thống Hoa Kỳ, “không phải là một dấu ngoặc đơn” (việc hãn hữu, sự cố bất thường - ND) mà là một “tổng thống thực sự quan trọng”, người sẽ để lại một di sản chính trị.

Chủ nghĩa biệt lập, chủ nghĩa bảo hộ mà Trump khơi dậy lại ngày nay tại Hoa Kỳ, theo Emmanuel Todd, được kế thừa từ thời Tổng thống Barack Obama. Nhưng sự thù địch đối với Trung Quốc mà Donald Trump đã “kịch tính hóa” thì sẽ còn tiếp tục.

“Thắng lợi lớn của Donald Trump, chính là Trung Quốc”

Trump, trong mối quan hệ với thế giới bên ngoài, đã hợp thức hóa và đẩy mạnh môt bước ngoặt đã bắt đầu từ thời Obama, với những biện pháp bảo hộ đầu tiên với những đơn hàng của chính phủ, sự xa rời Châu Âu, xoay chuyển về Thái Bình Dương và Trung Quốc của chính sách đối ngoại…”, Emmanuel Todd diễn giải.

Tuy nhiên, tác giả cũng lưu ý rằng “Obama đã không có sự cam đảm của Trump để rút khỏi Trung Đông”. Theo ông, “trong nhiều mặt, Trump là một Obama quyết đoán hơn, và tôi nghĩ rằng tất cả những điều này sẽ không mất đi”.

Đặc biệt, theo nhà sử học, những người thuộc Đảng Dân chủ “đã tự định nghĩa mình quá thiên về chủ nghĩa chống Trump thuần túy, đến độ họ không có nhiều thực chất . Cá nhân tôi cho rằng, rất nhiều trong những hướng đi bị kịch tính hóa bởi Trump, sẽ còn ở lại” . Trong số những đường hướng đó, có cuộc “chiến đấu” của ông chống lại sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc.

Vào năm 2016, Emmanuel Todd nhớ lại, Trump đã nói “về một nước Mỹ mà tỷ lệ tử vong tăng cao trong sắc dân da trắng từ 45-54 tuổi, cùng một nền công nghiệp suy yếu dưới ảnh hưởng cạnh tranh của Trung Quốc”. “Đó là một chẩn đoán chính xác”, nhà sử học nhận xét.

Vì vậy, thắng lợi lớn của Trump, theo nhà sử học, là quan điểm thù địch khi đề cập đến mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, “vì Trump đã bước vào cuộc tranh luận với một sự thù địch đầy bạo lực trong thương mại đối với Trung Quốc”.

Theo tổng thống Mỹ, sự lớn mạnh và tập trung sản xuất ở quốc gia này “đã khiến người Mỹ đánh mất công ăn việc làm”, và đây “là nguyên nhân đằng sau sự gia tăng tỷ lệ tử vong đã được nhắc tới và chứng tỏ trên báo chí” - Emmanuel Todd nhìn nhận.

Mối quan hệ với Trung Quốc “sẽ cấu trúc chính trị thế giới trong nhiều năm tới”

Thái độ “chống Trung Quốc” của Trump từ đó đã dần chinh phục được đông đảo quần chúng. “Trump cuối cùng đã được các cơ quan địa chính trị Mỹ thừa nhận và đi theo, những cơ quan này cuối cùng đã nhận ra rằng Trung Quốc là một mối đe dọa về quyền lực và rằng cuối cùng sự thù địch với Trung Quốc hay nhận định Trung Quốc như một đối thủ chính đã nhận được sự đồng thuận chung”.

Đến độ mà ngày nay, xu hướng này đã lan ra toàn thế giới. “Trung Quốc xuất hiện, bên ngoài nước Mỹ, tại Châu Âu và khắp mọi nơi, như một mối hiểm nguy toàn trị. Mối quan hệ với Trung Quốc là điều sẽ cấu trúc lại chính trị thế giới trong nhiều năm tới. Chính Trump đã công nhận và nhấn mạnh điều này”.

Vì vậy, Emmanuel Todd kết luận, dù không đến mức có thể nói rằng “nếu không bị cản trở bởi phong cách, ông đáng lẽ đã trở thành một tổng thống vĩ đại”, thì dù sao, Trump cũng là “một tổng thống thực sự quan trọng”.
 
Emmanuel Todd (tháng 11-2014)
Emmanuel Todd (tháng 11-2014)

Về tác giả: Emmanuel Todd là nhà nghiên cứu dân số học, nhân chủng và lịch sử. Ông được biết đến như một nhà khoa học trường phái pha trộn Anh-Pháp (được đào tạo tại Sorbonne, Science Po và nghiên cứu tiến sĩ tại đại học danh tiếng Trinity College tại Cambridge). Nghiên cứu đầu tiên của ông (cùng Hervé le Bras) về nhân chủng học Pháp đã đi đầu và thành công vang dội trong lĩnh vực này.

Năm 1976, Emmanuel Todd trong tác phẩm “Sự sụp đổ cuối cùng” (La chute finale) đã tiên đoán sự suy vong của khối Liên Xô cũ, trong thời điểm mà các đồng nghiệp Phương Tây lo sợ sự lớn mạnh và đe đọa của khối này, và hoàn toàn không ngờ đến sự sụp đổ của nó, nhất là khi Đảng Cộng sản Pháp vẫn còn thống trị cánh tả Pháp. Trong thời điểm được xuất bản, “Sự sụp đổ cuối cùng” gây tranh luận nhưng sớm bị lãng quên, và chỉ sau này khi được thực tế chứng minh, sách mới được công nhận “là một thành công đáng nhớ nhất của sự tiên đoán trong phê bình phân tích”.

Cũng vậy, cuốn “Hậu Đế chế” xuất bản năm 2002 là một dự đoán về sự suy yếu của quyền lực Mỹ, sự suy yếu kinh tế và chiến lược, sự bất lực trong việc khẳng định vị trí siêu cường thế giới. Trong tác phẩm này, ông cũng dự đoán một cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính thế giới. Cuốn sách trở thành một đầu sách “best-seller” và được dịch ra hơn 25 thứ tiếng.

Những năm trở lại đây, các nghiên cứu và tuyên bố của Emmanuel Todd thường gây nhiều tranh cãi, dù ít được ủng hộ bởi giới khoa học hàn lâm nhưng được công chúng ưa thích. Thậm chí, nhiều tuyên bố của ông bị đánh giá là sai lầm, phân tích cơ sở dữ liệu bị cơ quan thống kê Pháp chính thức phủ nhận và giới nghiên cứu, chính trị gia phê phán, như một người đi ngược lại hệ thống, không tin vào các giá trị của nước Pháp và Châu Âu.

Trong “Hậu dân chủ”, ông cho rằng thế giới chính trị truyền thông đã đi vào giai đoạn “hậu dân chủ” khi xa rời khỏi những quan tâm của tầng lớp dân chúng nghèo và trung lưu - những người đã “đứng tách ra khỏi giới tinh hoa”.

Về nước Mỹ, Emmanuel Todd đã có nhiều nhận định về sự chuyển đổi từ kỳ bầu cử 2016. Giải thích cho sự đắc cử của Donald Trump, ông cho rằng xu hướng tân tự do (néo-libéral) của Mỹ đang đến giai đoạn rạn vỡ, toàn cầu hóa về kinh tế dẫn đến sự mất an toàn cá nhân và xã hội đến mức không chịu đựng nổi. Theo ông, hệ tư tưởng Mỹ ngày nay là “sự mệt mỏi toàn cầu hóa”.

Donald Trump và Bernie Sanders có cùng tư tưởng từ bỏ tự do thương mại. Sanders thất bại, nhưng Trump đã thành công khi giải phóng mình khỏi ý thức hệ Đảng Cộng hòa. Theo một cách nào đó, chương trình nghị sự của Trump đã bắt đầu khởi động dưới thời Obama. Hoa Kỳ là quốc gia thực hiện các biện pháp bảo hộ nhiều nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính (2008) và bắt đầu chi tiêu cho xây dựng lại cơ sở hạ tầng.

Vì vậy, theo Emmanuel Todd, phải bắt đầu hiểu rằng người Mỹ đã lựa chọn Trump vì lý do mang tính kinh tế nội địa, hơn là các lý do ngoại giao, nhân văn, giá trị chủng tộc, v.v...

Tác giả bài viết: T.A.H., từ Paris