Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VÌ SAO TÔI KÝ KIẾN NGHỊ?

(NCTG) “Sự công minh của luật pháp là nền tảng cho niềm tin vào công lý, vào nhà nước. Không bảo toàn được niềm tin ấy của người dân, nhà nước sẽ không còn tính chính danh, xã hội cũng không thể ổn định hay phát triển”.
Vụ án Hồ Duy Hải: công lý phải được bảo toàn!
Lời Tòa soạn: Bản kiến nghị mang tên “Công lý cho tử tù Hồ Duy Hải”, được công bố trên mạng Internet cách đây ba ngày (14-5-2020), tính đến nay đã thu được hơn 4.000 chữ ký ủng hộ. Trong danh sách 75 những người ký đầu tiên từ 21 quốc gia, có chị Ly Phạm, một người Việt đã có kinh nghiệm nhiều năm sống và làm việc trong nước, hiện cư trú tại Hoa Kỳ.

Là người chưa bao giờ ký một kiến nghị nào như lời chị thổ lộ, lý do nào khiến chị hưởng ứng bản kiến nghị nói trên? Câu hỏi đó được trả lời trong bài viết sau của chị Ly Phạm, mà NCTG xin phép đăng tải như một chia sẻ đáng suy ngẫm: mỗi thành viên của cộng đồng nên có cách hành xử và trách niệm như thế nào đối với các vấn đề của cộng đồng ấy?

Chân thành cám ơn chị Ly Phạm và trân trọng giới thiệu! (NCTG)
 
Tuân thủ pháp luật trong thủ tục tố tụng, chính là để tránh những oan sai... - Ảnh: thevietnamese.org
Tuân thủ pháp luật trong thủ tục tố tụng, chính là để tránh những oan sai... - Ảnh: thevietnamese.org

Đây là kiến nghị. Kiến nghị khác với yêu sách hay tuyên bố. Kiến nghị hay Yêu cầu là một đề xuất cụ thể và có nơi nhận cụ thể, nhằm đưa ra giải pháp cho một vấn đề nhất định. Trong văn bản kiến nghị hay yêu cầu chúng ta chỉ nên kiến nghị/ yêu cầu một việc mà người nhận có thẩm quyền giải quyết.

Yêu sách thì có ý nghĩa mạnh hơn yêu cầu hay kiến nghị. Yêu sách là đòi hỏi một cách gắt gao, không nhân nhượng, vì cho là mình có quyền. Ví dụ như thợ thuyền yêu sách đòi chủ tăng lương. Kiến nghị có màu sắc ôn hòa hơn. Những người khởi xướng đã chọn một từ ôn hòa có lẽ không phải chỉ vì tránh thái độ khiêu khích dễ gây chia rẽ, mà còn vì họ ý thức được những hạn chế trong khuôn khổ pháp lý hiện tại của Việt Nam và hiểu rằng mọi thay đổi đều phải có quá trình.

Nếu chỉ nhằm mục đích bày tỏ thái độ thì có thể ra tuyên bố. Trong tuyên bố người ta có thể nói bất cứ thứ gì mà họ mong muốn và cho là cần phải làm, ví dụ như đa đảng hay tam quyền phân lập, hay trả tự do lập tức cho Hồ Duy Hải, v.v... mà không cần quan tâm đến cách tổ chức và vận hành của bộ máy hiện tại.

Kiến nghị hay Tuyên bố có mục đích khác nhau và ý nghĩa khác nhau. Những người khởi xướng không soạn thảo Tuyên bố vì đã có những nhóm khác làm điều đó. Họ chọn Kiến nghị còn là vì đối tượng họ hướng tới không chỉ là chính phủ Việt Nam mà còn là các tổ chức quốc tế và đại sứ các nước có quan hệ ngoại giao và là đối tác quan trọng của Việt Nam.

Vì thế những thỉnh cầu sau cùng nêu ra trong bản Kiến nghị đã được cân nhắc rất kỹ lưỡng để phù hợp với thẩm quyền của người hoặc tổ chức mà họ muốn đề đạt kiến nghị.

Theo tôi hiểu, những người khởi xướng không chỉ quan tâm đến Hồ Duy Hải. Họ quan tâm đến việc hệ thống tư pháp Việt Nam phải được bảo đảm để bảo vệ công lý, ít nhất là trong khuôn khổ pháp lý hiện tại, và xa hơn là cải cách cho phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Tôi cho rằng vụ án Hồ Duy Hải đã gây quan ngại sâu sắc cho bất cứ ai có quan tâm đến công lý và số phận con người, nhất là số phận những người dân thường không tài sản, không quyền thế. Mối quan ngại này đặt trên nền tảng nhận thức rằng xã hội không phải chỉ là các cá nhân cộng lại như một đống gạch vụn rời rạc, mà là một tổng thể trong đó mỗi viên gạch đều kết dính với những viên gạch khác theo những nguyên tắc kiến trúc nhất định.

Cũng như mỗi viên gạch trong một tòa nhà, chúng ta là những cá nhân có vận mệnh tương liên. Một trong những chất kết dính vô cùng quan trọng của tòa nhà ấy chính là niềm tin vào công lý. Sự công minh của luật pháp là nền tảng cho niềm tin vào công lý, vào nhà nước. Không bảo toàn được niềm tin ấy của người dân, nhà nước sẽ không còn tính chính danh, xã hội cũng không thể ổn định hay phát triển.

Trong quan hệ quốc tế cũng như vậy. Các liên minh đương nhiên phải đặt trên cơ sở lợi ích của các bên, nhưng thật là khó mà nói đến việc thương thảo hay hợp tác làm ăn nếu đôi bên không có chút niềm tin nào với nhau. Chính vì thế mà có nhiều văn bản hợp tác giữa các nước đã đặt cơ sở trên các hiệp ước dựa trên nền tảng tôn trọng các quyền con người phổ quát. Làm sao có thể xây dựng được niềm tin với các đối tác quốc tế nếu như chúng ta không tôn trọng các điều khoản, hiệp ước mà chính chúng ta đã ký kết?

Những người khởi xướng không nêu thỉnh cầu hủy án tử hình cho Hồ Duy Hải, phần vì đã có nhiều nhóm kêu gọi như thế; nhưng một điểm mà tôi muốn nhấn mạnh hơn là, điều quan trọng không phải tử hình hay không tử hình một ai đó, mà là công lý phải được bảo toàn. Thêm nữa, khi yêu cầu hủy án tử hình là chúng ta đã xác quyết Hồ Duy Hải không phạm tội, trong lúc không ai có thẩm quyền nói người khác là có tội hay vô tội, trừ tòa án. Tôi cho rằng chúng ta không thể phán đoán hay kết luận Hồ Duy Hải có tội hay vô tội dựa trên những “chứng cứ” đưa ra trên báo chí. Chúng ta chỉ có thể đòi hỏi các cơ quan điều tra tố tụng tuân thủ trước hết là ngay chính luật pháp Việt Nam.

Bản Kiến nghị chỉ đòi hỏi những điều đã được nêu ra trong khuôn khổ pháp lý hiện tại, nghĩa là những vi phạm luật tố tụng hình sự phải được sửa chữa, và sửa chữa theo cách phù hợp với qui phạm pháp luật hiện tại dựa trên các diễn biến của vụ án cho đến thời điểm này. Nếu những sai phạm trong việc điều tra và xét xử của các cơ quan tư pháp trong vụ án này không được sửa chữa, thì bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có thể là một Hồ Duy Hải kế tiếp. Nếu chính các cơ quan bảo vệ pháp luật ở bậc cao nhất lại vi phạm pháp luật, thì người dân còn biết tin vào đâu nữa?

Có người nói rằng sao chúng ta không thỉnh cầu Tổng Bí thư ân xá/tha bổng cho tử tù. Có lẽ người ta đã dựa trên kinh nghiệm để cho rằng trong thực tế, với sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng, nhất là khi Đảng đã phủ nhận tam quyền phân lập, chỉ cần Tổng Bí thư có lệnh, người ta sẽ tìm được lý do để tha bổng.

Giả sử như có phép lạ ấy xảy ra, thì đó cũng không phải là điều chúng ta nên mong muốn, vì như thế có nghĩa là “công lý” được thực hiện bằng một sự can thiệp thô bạo vào hoạt động tư pháp. Không, chúng ta cần công lý không chỉ cho Hồ Duy Hải, mà còn cho nhiều án oan khác trong hiện tại và tương lai.

Nhiều án oan sẽ có thể tránh được, nếu luật tố tụng hình sự của Việt Nam được tuân thủ triệt để và các điều khoản Việt Nam đã ký kết trong Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị 1966, Công ước chống tra tấn 1984, Tuyên bố Nhân quyền ASEAN 2012 cũng như các thỏa thuận song phương với Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Na Uy và Úc được thực thi nghiêm túc.

Chính Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam cũng có điều khoản bảo vệ quyền con người quy định trong các Điều 31, Điều 102, 103, Chương II về quyền con người. Hơn ai hết, nhà nước và các cơ quan bảo vệ luật pháp phải tôn trọng hiến pháp và pháp luật, cũng như các hiệp ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia.

Tác giả bài viết: Ly Phạm, từ Hoa Kỳ