Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VÌ SAO CHÂU ÂU THẤT BẠI TRONG KIỂM SOÁT COVID-19?

(NCTG) “Vì sao những quốc gia luôn cổ súy các giá trị nhân quyền lại không tôn trọng quyền cơ bản nhất của con người: Quyền được SỐNG?” - góc nhìn của tác giả Nguyễn Hoàng Ánh từ Hà Nội nhân đại dịch Covid-19.
Giữa mùa dịch, ở Châu Âu vẫn có những trận đấu đông nghịt khán giả! - Ảnh: Marjai János (24.hu)
Hôm trước, mình có dịp trò chuyện khá lâu với bí thư Đại sứ quán một nước Châu Âu trong hội thảo về ảnh hưởng của Covid. Do đã quen biết nhau từ trước nên chàng nói chuyện khá thẳng thắn, và cho biết rất hối hận vì đã để vợ con về nước, kết quả là hai mẹ con nhiễm Covid-19, sau đó lây cho cả nhà. May mắn là tình hình không xấu lắm, nước chàng có hệ thống y tế khá tốt, gia đình cũng khỏe mạnh nên tất cả đã hồi phục trừ bà của chàng vẫn còn phải nằm viện. Nhưng tình hình chung thì không lạc quan như thế. Chỉ trong 7 ngày đầu tháng 11-2020, Châu Âu ghi nhận hơn 1,6 triệu ca mắc mới, chiếm gần nửa trong 3,3 triệu ca mắc mới ghi nhận trên toàn cầu, cùng với hơn 16.100 ca tử vong, tăng 44% so với tuần trước đó.

Cho đến đầu tháng 12-2020, cứ mỗi 10.000 người tại Châu Âu sẽ có hơn 127 người dương tính với Coronavirus và khoảng 4 người qua đời vì Covid-19. Tại Mỹ, tình hình còn tệ hơn với 278 ca bệnh và 7 ca tử vong trên mỗi 10.000 người dân. Không thể hiểu được vì sao những quốc gia phát triển, nơi có hệ thống y tế tiên tiến, dân trí cao, lãnh đạo giỏi giang, con người được tôn trọng mà lại để đất nước mình rơi vào tình cảnh khốn khổ thế này? Vì sao họ không thể tiến hành giãn cách xã hội triệt để, không thể làm những việc nhỏ để bảo vệ mình như đeo khẩu trang, giảm bớt tụ tập, bớt đến chỗ đông người?

Có thể thấy, những lãnh đạo tài giỏi của Phương Tây hành xử rất buồn cười, như giữa mùa dịch mà cho phép dân chúng đi cổ vũ bóng đá, hàng ngàn người đi nghe nhạc ngoài sân vận động, rồi khi người ốm, chết la liệt thì lại xoa dịu bằng luận điệu kiểu như “đây chỉ là một loại cúm mùa”, “những người chết đều là người lớn tuổi đã có bệnh nền”... Vì sao những quốc gia luôn cổ súy các giá trị nhân quyền lại không tôn trọng quyền cơ bản nhất của con người: Quyền được SỐNG? Dù là người lớn tuổi, ốm yếu đến đâu đi nữa họ cũng có quyền sống lâu nhất, tốt nhất có thể và quan trọng nhất là ngay cả khi phải ra đi, họ cũng xứng đáng được ra đi một cách tôn nghiêm, với người thân xung quanh chứ không phải chết ngạt từ từ một cách cô đơn, thậm chí không có được một nấm mồ tử tế!
 
Tình trạng khủng khiếp tại các bệnh viện Ý vào mùa xuân do quá tải và quá đông bệnh nhân nhiễm Covid-19 - Ảnh: Sky News
Tình trạng khủng khiếp tại các bệnh viện Ý vào mùa xuân do quá tải và quá đông bệnh nhân nhiễm Covid-19 - Ảnh: Sky News

Người dân hoảng loạn nhưng không được ai hướng dẫn tử tế, lại quá nhiều định kiến như đeo khẩu trang là việc rất bình thường ở Châu Á nhưng lại rất khó được chấp nhận ở Phương Tây, dù vũ hội hóa trang được tổ chức thường xuyên ở nơi đây và lúc đó ai cũng phải đeo mặt nạ. Hay có lẽ vì thế mà họ cảm thấy không an tâm khi đeo khẩu trang, thứ mà họ coi như “mặt nạ”, làm che khuất danh tính con người? Sự ngu xuẩn còn đi xa hơn ở Mỹ, khi rất nhiều Trumpist cho Covid 19 chỉ là fake news của phe Dân chủ và từ chối tiến hành các biện pháp đề phòng, kết quả là báo chí chụp được cảnh quan tài chất đống bên ngoài vì nhà xác và nghĩa trang không còn chỗ!

Sau khi nhận ra bệnh dịch này không phải trò đùa, chính phủ các nước bắt đầu tiến hành biết đề phòng hơn. Hàng quán phải đóng cửa, học sinh chỉ được học online, mọi sự kiên tập trung đông người đều bị cấm, khẩu trang được phát ra nhiều hơn... Tất nhiên là kinh tế bị ảnh hưởng nhưng thay vì chấp nhận nó như một sự hy sinh để đổi lấy mạng sống, một bộ phận dân châu Âu lại phản đối ầm ĩ. Hóa ra dân chủ cũng có cái dở là không thể bịt mồm những Chí Phèo trong xã hội mình, như những gì phe Áo Vàng đã làm ở Pháp cho thấy. 2020 là năm nhiều nước có bầu cử nên sau vài tuần giãn cách, chính phủ lại rón rén mở cửa lại để mua lòng cử tri, dù vẫn nhắc nhở dân chúng cẩn thận. Đợt mở cửa này rơi đúng vào mùa hè, người dân bị kìm chân suốt mùa đông và thời giãn cách, lại vốn tự do đã quen nên bung ra đi khắp nơi, thế là dịch lại quay lại!

Mình hỏi anh đẹp trai dân EU là sao không đóng cửa biên giới, ít nhất dân chúng đi lại trong nước thôi thì cũng đỡ hơn. Anh bảo sau thời Cộng sản bị quản lý việc ra nước ngoài, không chính phủ nào dám cấm dân xuất ngoại vì sẽ bị ném đá đến chết! Mình hỏi, bị cấm xuất ngoại ít lâu mà giữ được mạng sống thì tốt hơn hay đi thoải mái rồi chết tốt hơn, anh bảo dân chưa nghĩ xa đến thế, còn chính phủ thì không dám thử vì sợ mất phiếu! Hóa ra bầu cử ở Việt Nam mới là hình mẫu tuyệt vời cho toàn cầu!
 
Không ít người cho rằng Coronavirus chỉ là fake news, và do đó khước từ các biện pháp phòng dịch - Ảnh: Karen Ducey (AFP)
Không ít người cho rằng Coronavirus chỉ là fake news, và do đó khước từ các biện pháp phòng dịch - Ảnh: Karen Ducey (AFP)

Túm lại, chàng cho là Châu Âu đã gần 100 năm không bị bệnh dịch (từ thời cúm Tây Ban Nha đến giờ), vì thế cả chính phủ và dân chúng đều chủ quan và không có kinh nghiệm. Khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban đầu lại rất sai lệch, đến khi tỉnh ra thì dịch đã nặng quá rồi. Việc giãn cách lại không được tiến hành triệt để, khoa học (đến chết khi biết là đám cưới ở Pháp bị hạn chế, chỉ có 20 người, nhưng lại cho người từ quốc gia khác đến dự)! Học online nhưng đến nhà nhau thì thoải mái, bắt giãn cách nhưng phương tiện giao thông công cộng vẫn đầy người! Do các quy định của WHO và chính phủ không rõ ràng, không nhất quán và thiếu quyết đoán nên dân chúng cũng chán, không biết đằng nào mà theo.

Hơn nữa, dân Phương Tây có thói quen hay cãi, không tin tưởng vào chính phủ (bầu cử nào có 60% dân đi bầu là may rồi, người thắng chỉ là người được tỷ lệ ủng hộ cao trong số người đi bầu như Mỹ có hơn 300 triệu dân, gần 250 triệu người đến tuổi bầu cử nhưng năm 2016 chỉ có hơn 150 triệu người đi bầu, nên 73 triệu người bầu cho Donald Trump chỉ là 1/4 dân số chứ không phải đa số như nhiều người nhầm tưởng). Dân Châu Á và dân các nước độc tài có thói quen phục tùng chính phủ hơn. Chính phủ Châu Âu luôn bị phe đối lập kìm chân nên mất nhiều thì giờ để ra quyết định, khó khăn hơn khi thuyết phục dân chúng nên trong giai đoạn khẩn cấp khó ra quyết định.

Hơn nữa, chàng Châu Âu còn đưa ra một ý tưởng chưa từng thấy, đó là thói quen ăn uống của dân Châu Âu không lành mạnh, quá nhiều tinh bột, đạm và mỡ, làm sức đề kháng của họ kém đi nên dễ nhiễm bệnh hơn.Tình hình bây giờ chưa biết khi nào mới có phổ cập được vaccine và chàng không tin chính phủ có thể làm khá hơn khi dân chúng đã mất hết lòng tin. Điều chàng e ngại nhất là Covid-19 không chỉ làm kinh tế đình đốn, kéo lục địa già nua trở nên chậm chạp hơn, làm dân chúng nghèo đi mà còn làm thế giới mất niềm tin vào mô hình thể chế dân chủ. Còn mình thì lo là sự bất lực khi đối phó với dịch bệnh này sẽ làm Phương Tây suy yếu, tạo điều kiện cho Trung Quốc lớn mạnh hơn!

LOÀI NGƯỜI - HÃY CẢNH GIÁC!

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Ánh, từ Hà Nội