VÌ Ở CẦN THƠ TRỜI CÓ MƯA
- Thứ sáu - 28/09/2007 10:37
- In ra
- Đóng cửa sổ này
"Sự cố này là một bất ngờ không lường được. Chúng tôi có trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước. Trách nhiệm đến đâu thì mổ xẻ sau!" - đó là phát biểu của bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng về trách nhiệm của Bộ. Tuy nhiên, rất nhiều "công dân mạng" đã có ý kiến khác: ở đa số các quốc gia "văn minh", bộ trưởng chuyên trách (hay người có trách nhiệm trực tiếp) - khi xảy ra sự cố hay tai nạn nghiêm trọng -, thường không có chuyện "họp bàn", "nghiên cứu nguyên nhân", mà lập tức nhận lỗi và đệ đơn từ chức...
Nếu một chiếc máy bay rớt, hãng máy bay hoặc hãng bảo hiểm của họ phải đền bù tổn thất của hành khách theo luật quốc tế, dù máy bay rớt vì con người, kỹ thuật hay thời tiết cũng vậy. Cũng như hãng máy bay phải làm mọi cách bảo vệ nhân mạng hành khách mình, nhà thầu không có quyền đưa công nhân vào chỗ chết. Khi tai nạn xảy ra, trách nhiệm là ở họ.
Người ta chỉ kêu gọi đến đóng góp tiền bạc của công chúng trong các trường hợp thiên tai, hoặc khi mức thiệt hại vật chất quá cao khiến người gây ra nó không gánh vác nổi. Một công trình 5.000 tỉ không thể không có bảo hiểm. Nếu không có bảo hiểm, thì các chủ thầu cũng đủ khả năng đền bù xứng đáng theo luật quốc tế. Và chắc chắn họ phải làm điều này.
Kêu gọi đóng góp tiền bạc từ công chúng tức là công nhận cầu sập do thiên tai, không có người chịu trách nhiệm cho việc đã xảy ra. Dù máy bay có rớt vì mưa, hãng máy bay vẫn phải đền bù cho nạn nhân vì bổn phận của hãng máy bay là chỉ bay khi thấy đủ an toàn.
Đây không phải là thiên tai. Kêu gọi đóng góp từ công chúng là một cách nói rằng vụ này là thiên tai và con người không chịu trách nhiệm.