VỀ MỘT BÀI BÁO QUÁ LÃNG XẸT
- Chủ nhật - 02/08/2009 12:58
- In ra
- Đóng cửa sổ này
GS TSKH Võ Hồng Anh tại nhà riêng (năm 2008) - Ảnh: Minh Trí ""Công an Nhân dân")
Bài viết về GS TS Võ Hồng Anh - con gái của tướng Giáp và nhà nữ cách mạng (cách diễn đạt của tác giả Hồng Thái - trong tiếng Việt có từ này không nhỉ?) Quang Thái, vừa mới qua đời vì bạo bệnh - đã có những nhận xét làm tôi… choáng đến mức không thể choáng hơn được nữa!
Giữa những câu chữ thổn thức tiếc thương và ngợi ca (mà tôi không có ý kiến gì hết, vì đó là quyền của người viết), tác giả đưa ra vài dòng “trí tuệ” thế này:
- “Nghe danh bà đã lâu, biết bà là con của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lừng danh, nhưng những lần được làm việc với bà luôn để lại trong lòng chúng tôi sự khâm phục và kính trọng.”
Tôi đọc đi đọc lại câu trên mấy chục lần mà vẫn không hiểu vì sao tác giả lại dùng từ “nhưng” ở đây? “Nhưng” là liên từ đối lập, trừ khi nó có chức năng ngữ pháp nào khác mà tôi không biết, nhưng tôi tin ngữ pháp tiếng Việt tôi biết không tồi.
Vậy tại sao lại “nhưng” ở đây? Tác giả định đối lập cái gì, nếu không phải định nói con gái tướng Giáp thì theo lẽ thông thường không thể để lại trong lòng tác giả sự khâm phục và kính trọng? (mong hương hồn GS Hồng Anh đại xá!)
- Chưa hết, logic khó hiểu của tác giả lại được tác giả hãnh diện thể hiện một cách bóng bẩy và uốn éo trong ngay câu tiếp theo:
“Là một nhà khoa học tự nhiên, nhưng khi được trò chuyện với bà, nhiều người đã đi từ kinh ngạc này đến kinh ngạc khác bởi giọng nói nhẹ nhàng, thanh thoát với sự diễn đạt chính xác đến từng chi tiết ẩn sâu trong tầm tư duy giàu hình ảnh, giàu ngôn ngữ như một nhà văn.”
Lại vận đến phép đối lập, hình như tác giả muốn nói “một nhà khoa học tự nhiên theo lẽ thường sẽ không thể có giọng nói nhẹ nhàng, thanh thoát, với sự diễn đạt chính xác đến từng chi tiết ẩn sâu trong tầm tư duy giàu hình ảnh, giàu ngôn ngữ như một nhà văn”? Thế này thì buồn cho các bạn gái làm khoa học tự nhiên quá!
- Rồi, nhân kể về câu chuyện vị nữ giáo sư này không chịu nói nhớ cha, dù trong lòng rất nhớ, tác giả phát kiến ngay ra một định luật có thể làm rúng động các bậc phụ huynh và các nhà giáo dục trên toàn thế giới:
“Những chi tiết như thế báo hiệu đã hình thành ở bà một cá tính gan góc, lối tư duy tự lập phù hợp với một nhà khoa học tương lai.”
- Để thể hiện ý GS TS Võ Hồng Anh muốn tự tìm vị trí cho mình trong cuộc đời và sự nghiệp, chứ không núp bóng người cha quá nổi tiếng, tác giả buông một câu:
“Nhiều người tiếp xúc, làm việc với bà Võ Hồng Anh đều có chung một nhận xét, dường như chưa bao giờ bà có ý coi mình là con gái của vị tướng lừng lẫy.”
Nghe mà phát sợ, có lẽ xúc phạm đến người đã khuất và thân phụ bà đến thế là cùng!
- Cuối cùng, tác giả kết luận:
“Phải chăng bà chọn khoa học Toán - Lý là muốn vươn tới giải phóng, giúp đỡ không chỉ cho một người phụ nữ cụ thể mà muốn cho cả một giới phụ nữ Việt Nam nói chung.”
Tôi vò đầu dứt tai mãi vẫn chưa hiểu vì sao chọn Toán Lý lại là “vươn tới giải phóng phụ nữ”, lại còn không phải là giúp “cho một người phụ nữ cụ thể” mà là muốn giúp đỡ “cả một giới phụ nữ Việt Nam nói chung”?
Thật là thần kỳ và bí hiểm!
Đọc xong bài viết đầy những khẳng định “trí tuệ” như thế, vì sự kính trọng với người đã khuất, tôi cảm thấy phải có vài lời phải trái với tác giả Hồng Thái trong bài viết nhỏ này!