Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“VĂN HÓA NGƯỢC” CỦA NGƯỜI HÀ NỘI NAY

(NCTG) “Người ta nói đến những điều cao xa về đổi mới, về mô hình xã hội tân tiến, mà không ai nghĩ rằng vô hình chung chính nền văn hoá cũng như ý thức của mỗi công dân là nội lực của sự phát triển, nên chừng nào Hà Nội và người dân sinh sống ở đây thiếu hụt nó, chừng đó Hà Nội chưa thể trở thành một thủ đô giàu mạnh, văn minh, một trung tâm văn hoá của cả nước”.

Chen lấn xô đẩy, đạp đổ cổng trường để xin cho con học lớp 1, một nét tệ hại của người Hà Nội - Ảnh: Hoàng Hà (vnexpress.net)


Hà Nội của các bạn có nền văn hóa ngược!” - ngày mới bước chân vào giảng đường đại học ở bên này, tôi choáng vì nhận xét của một cậu người Hung, từng sinh sống ở Hà Nội nhiều năm. Chả biết ngược xuôi thế nào, nhưng dạo đó hễ có ai nói điều gì đó không hay về Hà Nội, dù đúng hay sai, tôi vẫn cãi cho bằng được, vẫn tìm ra những nét rất riêng của Hà Nội để “quật lại” đối phương. Tình yêu Hà Nội trong tôi lớn chừng ấy.

Mười mấy năm trôi qua, tình yêu Hà Nội trong tôi vẫn tồn tại. Mãnh liệt hơn, khiến tôi chợt hiểu ra câu nhận xét thâm thuý của cậu bạn tôi năm nào. Có những cái văn hoá mà Hà Nội của tôi chưa từng có, hay nếu có thì thực sự cũng rất trái khoáy và ngược đời!

Kinh tế phát triển, đời sống vật chất của người dân nhìn chung được nâng lên so với thời kỳ bao cấp, chưa mở cửa. Nhưng đáng tiếc thay, ý thức của người dân cũng như đời sống văn hóa tinh thần lại có chiều hướng “đi xuống” đến mức báo động. Người ta nói đến những điều cao xa về đổi mới, về mô hình xã hội tân tiến, mà không ai nghĩ rằng vô hình chung chính nền văn hoá cũng như ý thức của mỗi công dân là nội lực của sự phát triển, nên chừng nào Hà Nội và người dân sinh sống ở đây thiếu hụt nó, chừng đó Hà Nội chưa thể trở thành một thủ đô giàu mạnh, văn minh, một trung tâm văn hóa của cả nước.

Văn hóa giao tiếp thiếu hụt

Ở các nước Châu Âu, phải chăng xã hội tân tiến nên tư duy của con người, cách cư xử của người với người cũng khác hơn chăng? Chỉ xin lấy một ví dụ đơn giản là cách phục vụ và đón tiếp người dân của các nhân viên nhà nước. Ở Châu Âu, khi bạn đi làm giấy tờ, hoặc cần sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng trong một công việc nào đó, đa phần họ giúp đỡ bạn một cách nhiệt tình với nụ cười luôn nở trên môi, lời cám ơn khi họ giúp bạn xong công việc.

Còn ở Việt Nam, mới bước chân xuống sân bay Nội Bài, tôi đã có cảm giác như bước vào một thế giới khác. Cái thế giới của suy nghĩ “Anh cần tôi, chứ tôi không cần anh”, hay “Tôi là cán bộ, còn anh chỉ là dân quèn” khiến các nhân viên cửa khẩu và hải quan trở nên thiếu cởi mở, lạnh lùng và nhiều khi là thô thiển, bất lịch sự. Chỉ cần nghe những câu trả lời cộc lốc với thái độ cau có là đủ để nhận ra rằng văn hoá giao tiếp của những người “vì dân” như vậy là chưa có.

Văn hóa giao thông chưa tồn tại

Văn hóa giao thông không chỉ là đến văn hóa đi lại hay hệ thống giao thông công chính của một quốc gia, mà còn bao hàm cách hành xử khi giải quyết một vấn đề trên đường. Mạnh dạn mà nói thì văn hóa đi lại của Hà Nội là hoàn toàn không có, vì trên đường luật giao thông mấy ai chấp hành? Phóng nhanh, vượt ẩu, mạnh ai người ấy đi cũng chỉ là chuyện nhỏ. Nhiều người coi mạng người như rác.

Không chỉ có thế, người Hà Nội bây giờ rất dễ bị kích động. Chỉ cần một va chạm nhỏ, có thể văng tục, chửi thề, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với nhau như chơi. Ngay cả phụ nữ cũng vậy, chứ chẳng kể gì đám đàn ông. Tôi nhớ năm trước về Hà Nội, được bạn chở đi chơi. Đi đến ngã tư, chưa biết rẽ bên nào, đang còn lưỡng lự, thì có hai em 9x rõ xinh phóng xe máy từ đằng sau lên, chửi một câu xanh rờn: “Đm hai con đĩ, đi đứng thế à?!”. Tôi quá sốc với câu chửi như hát hay và bất ngờ ấy. Phải chăng văn hoá chửi đã đi vào thói quen, làm nên một nét của bộ mặt giao thông Hà Nội?

Bên cạnh đó, còn phải nói tới sự thiếu văn hóa của không ít người dân khi tham gia giao thông. Chuyện đi trên đường, người phóng xe máy khạc rồi điềm nhiên nhổ một bãi cũng là chuyện khá phổ biến. Đi đằng sau thì nên coi chừng! Giao thông và ý thức của người dân như thế, liệu có thể gọi là văn hóa?

Văn hóa xếp hàng không còn

Nhớ lại thời bao cấp. Cái thời mà tất tần tật những nhu yếu phẩm từ gạo, thịt, đường, sữa mua ở mậu dịch quốc doanh tới những thứ như vé tàu, xe cũng phải xếp hàng rồng rắn, nhiều khi mất vài ba tiếng đồng hồ là thường. Ba mẹ tôi vẫn hay dạy từ 3-4 giờ sáng để đi xếp hàng như thế. Điều đó chứng tỏ ở Hà Nội cũng từng tồn tại văn hóa xếp hàng, vậy mà giờ đây dường như thứ văn hóa ấy đang đi dần vào quên lãng.

Chen lấn, xô đẩy, bát nháo nơi công cộng đã trở thành chuyện bình thường, như cơm bữa từ những cơ quan, ngân hàng, đến các phòng khám bệnh … Gần đây, tiêu biểu nhất và được báo chí nói nhiều tới là vụ việc nhiều phụ huynh học sinh chen lấn xô đẩy, đạp đổ cả cánh cổng trường để đăng ký nhập học cho con.

Người Hà Nội bây giờ dường như quá bận rộn khiến họ không còn khái niệm xếp hàng là thể hiện ý thức trật tự trong cuộc sống, là nét cư xử tôn trọng lẫn nhau, là biểu hiện của sự công bằng trong xã hội.

Văn hóa phục vụ kém

Phải nói rằng cung cách phục vụ khách hàng trên mảnh đất Hà Thành ngày nay đang ngày càng tạp nham. Cảnh nhân viên mặt cau mày có, lầm lầm lì lì khi phục vụ khách, còn chủ nhà hàng thì sẵn sàng “văng” ra những tràng chửi bới hết sức thô lỗ, tục tĩu, rồi mang hương, giấy đốt vía xua khách đã không còn quá xa lạ với nhiều người khi đi mua hàng ở các khu chợ ăn uống.

Ngay cả trong những siêu thị lớn, nhiều cô tiếp thị và bán hàng ăn mặc thì rõ xinh, nhưng cứ sấn sấn sổ sổ giới thiệu cái này, quảng cáo cái kia và nếu khách hàng bảo chỉ xem thôi thì họ tỏ thái độ khó chịu ra mặt. “Bún mắng, cháo chửi, phở quát” giờ đã thành khẩu hiệu thay cho “Khách hàng là Thượng đế!” ở một số nơi.

Tôi không biết liệu đây có phải là hệ quả của thời kinh tế bao cấp - khi người bán không cần người mua - vẫn còn tồn tại trong người dân hay không, chỉ biết rằng mỗi khi nghe những lời mạt sát, văng tục chửi thề của mấy cô bán hàng, là tôi lại nghĩ ngay đến sự xuống cấp về văn hóa của họ.

Buồn thay, cuộc sống cứ lôi con người ta theo guồng quay khiến họ không còn khả năng phán xét, cũng như khiến họ quen dần với những mặt trái của xã hội. Những mặt trái tưởng chừng như không có ý nghĩa, và quá nhỏ bé. Có điều, thiết nghĩ, cứ đề ra những việc thật lớn lao cần giải quyết trong xã hội này, nhưng nếu đến cả những cái đơn giản nhất như văn hóa giao tiếp, xếp hàng và ứng xử nơi công cộng cũng chưa có, thì làm sao có thể mong muốn một xã hội văn minh hơn, tiến bộ hơn?

Tác giả bài viết: Khánh Dung, từ Budapest