Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VÀI SUY NGHĨ VỀ “TRÌNH DIỄN THƠ”

(NCTG) “Thôi thì, phải chăng ta cứ mở rộng khái niệm trình diễn thơ, là một cuộc chơi (nghệ thuật, nghiêm túc - hy vọng như thế) để tác giả trình diễn bản thân mình, cái tôi của mình, thông qua việc thể hiện vài bài thơ, hay ý thơ nào đó?”.
Màn trình diễn thơ (?) của nghệ sĩ hậu hiện đại Lê Anh Hoài (năm 2011) - Ảnh: Internet
Có mấy bạn, lúc trao đổi, hỏi: trình diễn làm gì? Thơ đọc là đủ, sao lại phải trình diễn?

Câu hỏi này chính ra rất hợp lý, vì ở Việt Nam, ngay cả những môn rất cần trình diễn như hát hò, mà ngày xưa phần trình diễn cũng ít được để tâm (cùng lắm thì ca sĩ để tay lên tim, lim dim mắt khi ngân tới đoạn ca ngợi Đảng, Bác...), chỉ cần giọng hay (?) là đủ. (Về khoản này thì những tay như Michael Jackson hay Madonna, nếu bị... trói lại chắc chả ai thèm xem/nghe họ hát.

Nhưng nếu hiểu đơn giản theo kiểu “khi tác giả đứng trước khán giả đọc thơ, dù nhà thơ khác thừa nhận hay không, đó đã là trình diễn thơ, sự giao thoa giữa thơ và nghệ thuật trình diễn” (theo nhà thơ Dạ Thảo Phương), thì kể ra trình diễn thơ cũng không có gì... bất hợp lý lắm. Như thế, hồi đầu thế kỷ trước, Mayakovsky và các nhà thơ vị lai Nga ngâm thơ ở các quảng trường theo kiểu múa may, quát tháo om sòm, lại kèm các tranh minh họa, cổ động... , là trình diễn thơ được lắm chứ nhỉ? Còn ở ta thì các... NSND, NSƯT ngâm thơ truyền cảm với nền nhạc bầu, sáo, nhị réo rắt, cũng cứ nên coi bừa là một dạng sơ khai của trình diễn thơ.

Vấn đề chỉ là, cứ theo báo chí thì một buổi trình diễn thơ lắm khi chỉ thấy các tác giả trình diễn, mà không thấy thơ đâu? Mấy bạn đã ca cẩm như vậy khi xem các nhà thơ/nhạc sĩ/ca sĩ đầu trọc lốc, chạy tu tu như tàu hỏa vào ga, hay hầm hầm đi lại, đứng ngồi quát tháo, hoặc quấn giấy WC rồi múa may... Dĩ nhiên, có thể hình dung, tưởng tượng xem họ muốn thể hiện điều gì, cơ mà kể ra cũng khó đối với những kẻ “ngoại đạo” (rất có thể chiếm số đông)...

Thôi thì, phải chăng ta cứ mở rộng khái niệm trình diễn thơ, là một cuộc chơi (nghệ thuật, nghiêm túc - hy vọng như thế) để tác giả trình diễn bản thân mình, cái tôi của mình, thông qua việc thể hiện vài bài thơ, hay ý thơ nào đó? Nghe thì có vẻ cao siêu, và có lẽ không phải tác giả nào khi trình diễn cũng ý thức được, biết được là mình (muốn) làm gì, thể hiện cái gì. Nhưng như thế thì đi xem trình diễn thơ cũng là cái thú vị chứ, và rất có thể còn tao nhã nữa. Dù cái sự hiểu, tiếp nhận của khán thính giả có lẽ sẽ rất “tự do chủ nghĩa”, mỗi người một phách, chả sao, nghệ thuật chính ra nên là như thế...

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh