Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VÀI SUY NGHĨ VỀ BỐN GIẢI THƯỞNG NHÀ NƯỚC

(NCTG) Theo tin từ Hà Nội, ngày 13-2 qua, Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam đã công bố quyết định của Chủ tịch nước về việc tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước cho các tác giả “có tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật có giá trị cao, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.

Trong số 158 tác giả đoạt Giải thưởng Nhà nước (báo chí nhấn mạnh chi tiết: mỗi tác giả, hoặc gia đình - đối với các tác giả đã qua đời - được 60 triệu đồng kèm giải), có 4 tác giả từng là thành viên Nhân văn Giai phẩm, được Chủ tịch nước ký quyết định tặng thưởng riêng. Đó là: Hoàng Cầm (Bùi Hoàng Cầm) với các tập thơ “Bên kia sông Đuống”, “Lá diêu bông”, “99 tình khúc”; Trần Dần với các tác phẩm “Bài thơ Việt Bắc”, “Cổng tỉnh”, “Người người lớp lớp”; Phùng Quán với tác phẩm “Vượt Côn Đảo”, “Tuổi thơ dữ dội”, “Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo”; Lê Đạt (Đào Công Đạt) với các tác phẩm “Bóng chữ”, “Ngó lời”, “Hèn đại nhân”.

Ngoài ra, danh sách các Giải thưởng Nhà nước chuyên ngành Văn học còn có tên một số tác giả “cựu trào” như Thâm Tâm, Yến Lan, Thanh Tịnh, Vũ Bằng, Trần Huyền Trân, Hồ Dzếnh… Các tác giả chưa có bề dày sáng tác, nhưng đã hy sinh trong cuộc chiến Việt Nam, như Huỳnh Văn Nghệ, Nguyễn Mỹ, Trần Đăng, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Trần Mai Ninh… cũng được truy tặng giải thưởng này. Sự có mặt của một vài tác giả (dân tộc?) ít nghe tên, như Y Phương, Y Điêng…, phải chăng, là vì lý do “đại đoàn kết dân tộc”?
 
Tất nhiên, đáng chú ý nhất vẫn là các tác giả Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần và Phùng Quán “được Chủ tịch nước ký quyết định tặng thưởng riêng” (báo chí không nói cụ thể lý do của sự “ưu ái” ấy). Ai cũng biết, đó là 4 trong số vài trăm văn nghệ sĩ đã tham gia Nhân văn Giai phẩm và sau năm 1958, đã có chừng 3 thập niên bị khai trừ khỏi các hội nghệ thuật mà họ từng là hội viên, thậm chí hội viên sáng lập, bị đày ải (hoặc tù tội), bị cấm sáng tác và phải sống một cuộc sống cơ cực, nhọc nhằn. Chỉ cuối thập niên 80 thế kỷ trước, một nhóm nhỏ trong số họ, sống qua được thời gian khó, mới được cấp lương hưu (tuy chưa xứng đáng với cương vị họ từng giữ trước biến cố 1956), được in lại tác phẩm một cách nhỏ giọt trước sự nghi ngại và kiểm duyệt của cơ quan văn hóa.

Chưa hề có một sự phục hồi tinh thần và chính trị chính thức nào được đưa ra đối với họ! Ngay cả Giải thưởng Quốc gia trao cho họ lần này, cũng không thể thay thế một lời xin lỗi đường hoàng và thành tâm từ phía chính quyền.

Nhà thơ Lê Đạt, trong cuộc trò chuyện với ký giả Từ Nữ Triệu Vương, đã cho biết: ông thấy việc trao giải “là phải“, và “đáng ra phải làm từ lâu rồi“. Bởi ông ý thức được rằng, như lời nhà văn Đỗ Chu (thành viên của Hội đồng Giải thưởng chuyên ngành Văn học), “có thể cho đây là lời xin lỗi của anh em đối với các anh”. Và ông tỏ ra hài lòng: “Việc đối xử với một số anh em chúng tôi như vừa rồi là tin đầu xuân tốt đẹp. […] Còn nói xứng đáng cũng chẳng biết thế nào là xứng đáng. Nhưng đây là cử chỉ đẹp, cho dù là muộn, nhưng muộn còn hơn không” (*).

Thái độ bao dung, thể tất ấy của nhà thơ Lê Đạt ở độ tuổi “bát tuần”, là dễ hiểu. Với ông và những người cùng thế hệ, có lẽ đã từ rất lâu nay, những oán hận, bất bình cá nhân không còn nữa, thay vào đó là một thái độ an nhiên, tự tại. Để sống và sáng tác, cho đời.

Tuy nhiên, công luận và các thế hệ kế tiếp có quyền kỳ vọng vào một hành động, một nghĩa cử đẹp của chính quyền, dám trực diện với quá khứ, với sự thật để chính thức phục hồi cho những văn nghệ sĩ có tâm, có tài, có ước vọng đẹp đẽ khi tham gia Nhân văn Giai phẩm. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua từ ngày ấy, Việt Nam đã thoát cảnh chiến chinh 32 năm nay, những lối ứng xử độc đoán đặc trưng cho thời chiến cũng đã dần dần mất đi trong quá trình hội nhập với thế giới. Phải chăng, đã đến lúc chúng ta nên “bình tâm giải quyết những tồn đọng mà có thể gọi đó là những bệnh ấu trĩ của một thời“, “thanh toán giải quyết những tồn đọng của xã hội và những tồn đọng của lịch sử” để “bảo đảm an toàn giao thông cho lương tâm của xã hội” (**),  như mong ước khiêm nhường của nhà thơ Lê Đạt?

Mong lắm thay!

(*), (**) ”Nhà thơ Lê Đạt: Giải thưởng này là một cử chỉ đẹp” - Từ Nữ Triệu Vương phỏng vấn Lê Đạt (”VietNamNet”, ngày 22-2-2007)

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn