Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VÀI "PHÁT HIỆN" VỚI BÁO CHÍ NƯỚC NHÀ

(NCTG) Nhân đọc bài này trên NCTG, tiện tay, xin "cóp" lại một số "phát hiện" ngày xưa của tôi với báo chí nước nhà.

1. "Rõ ràng chúng ta đang rất cần những biện pháp mạnh mẽ để đập tan sức ỳ của việc học ngoại ngữ ở học sinh nông thôn. Việc cần kíp là cải tiến phương pháp thi cử, trong đó cần siết chặt kỳ thi phổ thông trung học. Kỳ thi đại học nên chăng có phần test ngắn môn tiếng Anh cho tất cả các ban thi" (Trích từ bài "Sinh viên tỉnh lẻ sợ ngoại ngữ" đăng trên "Giáo dục Thời đại").

Văn phong Việt Nam rất thiếu tính mạch lạc (coherence)! Chưa giải quyết xong ý này đã nhảy sang ý khác, đọc chả hiểu gì cả!

2. "Có thể mọi người sẽ ngạc nhiên, nhưng Thúy Hiền đã tiết lộ chị chưa bao giờ là người tự tin. Chính nhờ thiếu tự tin mà Thuý Hiền đã đứng trên đỉnh cao Wushu suốt 10 năm liên tiếp, là “bông hoa hương sắc vẹn toàn” của làng thể thao Việt Nam" (Trích từ bài "Ngôi sao wushu Nguyễn Thúy Hiền: Tôi như quả chanh đã vắt đến những tép nước cuối cùng" đăng trên tintucvietnam.com).

Tôi không hiểu, tại sao "thiếu tự tin" lại thành "bông hoa hương sắc"? "Thiếu tự tin" nên trở thành "đỉnh cao" thì cũng có thể luận ra được, tức là chắc là vì thiếu tự tin nên luyện tập nhiều hơn, vì luyện tập nhiều hơn nên thành đỉnh, nhưng đỉnh và... "bông hoa hương sắc" thì liên quan gì trong mạch logic này? Sinh viên Việt Nam hay viết chuyên luận theo kiểu này, đọc nhiều khi "điên tiết".

Tuy nhiên, tra trên google một chút, thì có thể thấy bài viết trên có nguồn từ "VietNamNet", tựa đề là: "Nguyễn Thúy Hiền: "Tôi chưa bao giờ là người tự tin..." Ở bản gốc này, không thấy câu tán tụng "là “bông hoa hương sắc vẹn toàn” của làng thể thao Việt Nam" đâu cả! Bài gốc chỉ nói giản dị: "Đó là lý do vì sao Thúy Hiền duy trì được danh hiệu "cô gái vàng" của thể thao Việt Nam suốt 10 năm liên tục".

Như vậy, có thể các "ký giả" tintucvietnam.com đã "luộc" và tự ý "nhuận sắc", thêm mắm thêm muối? Lại một tệ nạn khác của báo chí nước nhà!

3. "Tô phở Cali có một đặc điểm rất... Mỹ là lớn hơn nhiều so với phở Hà Nội. Ở Mỹ, không phải ai cũng dám kêu một tô phở "xe lửa" (tô lớn bằng cái bánh xe lửa)" (trích "Phở Cali ở Hà Nội", "VnExpress").

Cả đời tôi chưa hề thấy tô phở nào ở đâu to bằng... bánh xe lửa cả, mà tôi đi lại không hề ít!

Cái tên "phở xe lửa" thực chất là bắt nguồn từ cỡ bát XL (extra large) mà các hàng phở của người Việt ở Mỹ hay dùng. Ai từng ăn phở ở Mỹ rồi thì đều biết bát phở bên ấy trông như thế nào. Người Việt gọi đùa "XL" là "Xe lửa", ngụ ý là to như bánh xe lửa, chứ tô phở thật mà to bằng cái bánh xe lửa thì có họa một mình ông nhà báo này nghĩ ra được!

4. "Đây không phải là lần đầu người Việt tại Nga bị bọn quá khích tấn công. Trước sự kiện SV Vũ Anh Tuấn bị sát hại dã man, chính quyền LB Nga có thái độ thế nào? SV Việt Nam tại Nga cho biết, sau vụ sát hại SV Vũ Anh Tuấn, bọn đầu trọc vẫn ngang nhiên hoạt động ở St. Petersburg" (trích từ tintucvietnam.com)

"Sứ quán Việt Nam đòi điều tra vụ sát hại Vũ Anh Tuấn" (trích TTXVN).

Báo chí gì mà nói năng nhôm nham thế!

5. "... năm 1994, Das và 2 người cộng sự đã nêu lên 1 học thuyết mới: học thuyết PASS (viết tắt của Planning, Attention, Simultaneous and Successive processing - quá trình lên kế hoạch, tập trung, đồng tiến hành và thành công)" ("Thời của IQ đã hết", ngoisao.net "cóp" của "Thanh Niên")

Successive mà dịch là thành công thì đúng là... bó tay!

6. "Theo ghi chép của các quyển ký sử biên niên, Quảng trường Đỏ được xây dựng vào cuối thế kỷ 15 (....) để xây dựng một ngôi chợ. Đó cũng chính là nguồn gốc tên gọi đầu tiên của quảng trường thời đó - “quảng trường Thương Mại”. Tuy nhiên, đến thế kỷ 16, quảng trường được đổi tên thành “quảng trường Troitskaya” (Chúa Ba Ngôi của đạo Cơ Đốc). Ở Nga, một vật thể có thể có nhiều tên gọi khác nhau. Do đó, vào thế kỷ 19, tên gọi “Quảng trường Đỏ” chính thức được sử dụng cho đến ngày nay, mặc dù trong những tài liệu thế kỷ 17 đã có đề cập đến tên gọi này" ("Khoảnh khắc Moscow", ngoisao.net "luộc lại" của "Báo Cần Thơ", nhưng viết nguồn rất khó nhận ra)

Ông nhà báo này chắc chả biết tên Quảng trường Đỏ nghĩa gốc là gì (trong tiếng Nga cổ, Krasnyi nghĩa là đẹp, sau này mới chuyển thành nghĩa là màu đỏ) nên "phang" một câu nối kết rất vô nghĩa: ở chỗ nào mà một vật thể chả có thể có nhiều tên gọi khác nhau hở giời!

Cũng ở bài báo này, tên thủ đô của Liên bang Nga, lúc thì được viết là Moscow, lúc thì được "phiên" là Mockba, đúng là chả biết thế nào mà lần!

Chưa nói đến hàng loạt chi tiết ngô nghê (chắc do dịch ẩu), như: "Không ai được phép đi dạng hai chân khi qua cổng Spasskaya" (vậy phải đi như thế nào?)

7. Có lần, "VnExpress" làm cuộc điều tra cuối năm khiến tôi bị "choáng".

Câu hỏi: Sự kiện nào gây ấn tượng nhất cho bạn trong năm 2004.

a. Vụ chặt đầu con tin Hàn Quốc
b. Vụ bắt cóc con tin ở Beslan
c. Vụ đắm tàu (gì gì đấy tôi không nhớ tên)

Toàn cảnh tượng thương tâm và rùng rợn mà dùng từ "gây ấn tượng" thì đúng là quá sức tưởng tượng.

Ở Việt Nam, từ "impress" hay bị dùng (sai) bừa bãi như thế!

8. Vào khoảng năm 1995-96 gì đó, có lần đang nằm khểnh đọc báo thì nghe loáng thoáng tiếng cô phát thanh viên dõng dạc thuyết minh - trên VTV2 thì phải (có lẽ là chương trình "Du lịch qua màn hình nhỏ" hay là "Thế giới đó đây", không rõ): "Đây là những thổ dân Áo".

Tôi giật bắn cả mình, tưởng nghe nhầm, nhổm dậy ngó vào vô tuyến thì thấy cô nàng vẫn tiếp tục giới thiệu về nước Áo có thổ dân sống trong bụi (bụi chắc là dịch từ "bush" trong tiếng Anh ra). Vui quá, hóa ra "nước Áo có thổ dân sống trong bụi" y chang như thổ dân ở Úc. Tôi không biết ai dịch mà ẩu đến thế là cùng, nhưng dù có nghe nhầm Australia (Úc) thành Austria (Áo) thì cũng phải biết suy luận chứ. Nước Áo nằm giữa châu Âu lại có những thổ dân trông đen xì như thế à, lại còn kênh rạch, cá sấu, bụi rậm. Mà cái từ "bush" nếu dịch là "bụi rậm" hay "bụi cây" trong trường hợp này là sai. Trong tiếng Anh của Úc, "bush" nghĩa là outback, nghĩa là khu rừng sâu, cách xa đường xe đi (nơi thổ dân sinh sống).

Tác giả bài viết: Nguyễn Tuệ Anh, từ Việt Nam