Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Truyền thông Việt Nam năm 2010: TẤM GƯƠNG PHẢN ÁNH XÃ HỘI (Phần 4)

(NCTG) “Sự kiện Wikileaks, với tôi, là một biểu hiện cụ thể của “cuộc chiến vô hình” giữa chính quyền và nhân dân.”
Xem Phần 1, Phần 2Phần 3 của bài viết.


“A Sáng” Julian Assange, người hùng của truyền thông dân sự thời @


Sự việc Julian Assange, người sáng lập Wikileaks, bị bắt cũng vì một tội có liên quan tới chiếc bao cao su lập tức trở thành tin nóng trên mặt báo. Tin này đặc biệt có giá trị đối với một bộ phận dư luận, nhất là sau những tranh cãi về “tính đàng hoàng” trong vụ bắt TS Cù Huy Hà Vũ.

Wikileaks và chiếc bao cao su của “A Sáng”

Số dư luận này nhấn mạnh, trường hợp của Assange là một ví dụ cho “cái gọi là dân chủ kiểu Mỹ”. Hàm ý của họ là chính quyền Việt Nam, hay phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng, đều như nhau cả, về mức độ tôn trọng nhân quyền, tự do, dân chủ. “Thấy chưa, cảnh sát Tây cũng bắt người xuất phát từ cái bao cao su nhé”, “Ở đâu cũng thế thôi, chống chính quyền thì đi tù”.

Chúng ta thử nhìn lại vụ việc một cách khái quát. Ngay khi câu chuyện Wikileaks vừa được nhắc tới ở Việt Nam, trên mạng Internet đã có những trang thông tin mô tả, giải thích “Wikileaks là cái gì, như thế nào, v.v...” để bất kỳ ai quan tâm đều có thể tìm đọc được. Theo “The Gurdian” (Anh), sự cố Wikileaks là việc trang web Wikileaks tiết lộ 251.287 công điện ngoại giao được chuyển đi từ hơn 250 đại sứ quán và tòa lãnh sự Mỹ ở nhiều nơi trên thế giới.

Trong đó nhiều nhất là từ Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington DC với 8.017 bức điện được đánh đi, kế đó là Đại sứ quán Mỹ ở Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) với 7.918 bức điện, rồi từ Baghdad 6.677 bức, và từ Tokyo 5.697 bức. Thống kê của “The Gurdian” cho thấy các vấn đề được đề cập tới nhiều nhất là “chính quyền”, “Mỹ”, “quân đội”, “an ninh”, “Nga”, “tổng thống”…

Nhiều bức điện ghi lại những lời nói xấu của quan chức/ nhân viên ngoại giao Mỹ về các nhân vật khác hoặc kể lại những điều nhiều người có thể không muốn nghe/tin. Vì thế “The Guardian” đánh giá vụ Wikileaks là đã dựng nên một bức tranh toàn cảnh về hoạt động đối ngoại và ngôn ngữ ngoại giao của chính quyền Mỹ.

Tôi cũng đọc thử vài bức điện tín (đã giải mã) để “xem thế nào”, thì thấy ấn tượng chung chung ban đầu là nhiều chuyện được Wikileaks vạch trần – tức là những chuyện mà các nhà ngoại giao Mỹ trao đổi – thực tình cũng không gây sốc lắm. Chẳng hạn, một điện tín báo cáo rằng Giáo hoàng muốn EU tránh xa nước Thổ Nhĩ Kỳ Hồi giáo.

Một bức điện khác mô tả cuộc gặp giữa Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc và Chủ tịch Triều Tiên Kim Châng In (qua lời kể của Đới Bỉnh Quốc): “Đối với Trung Quốc, Kim Châng In vốn nổi tiếng là một tay ‘tửu lượng khá’, và họ Đới kể lại rằng ông ta đã hỏi Kim Châng In còn uống được rượu không. Kim bảo có”. Hoặc có nhà ngoại giao Mỹ ở Bắc Kinh báo cáo về “tổng hành dinh” rằng Trung Quốc đã “chán ngấy sự ì ạch của Thống tướng Myanmar Than Shwe trong cải cách chính trị và các loại cải cách khác”…

Thật ra nếu đây không phải là chuyện giữa các quốc gia, mà là giữa các cá nhân chẳng hạn, thì chẳng có gì chấn động. Bản tính của con người là quan tâm tới chuyện của người khác và hay nói về người khác, cả tốt lẫn xấu, nên nếu ông A bảo “thằng B uống rượu, đ.mẹ, thế mà khá” bằng một ngôn ngữ dân dã, thì đâu có gì lạ?

Các nhà chính trị - ngoại giao hay quân sự - tóm lại các quan chức, cũng vậy cả. Họ cũng là người, họ cũng ưa nói về nhau, nhận xét, bình phẩm. Chưa kể, có những vị mà nhiệm vụ là thu thập tin tức, báo cáo tình hình cho chính quyền, và đó là công việc, là bổn phận của họ đối với quốc gia, diễn giải nôm na là: “hóng” được chuyện gì, phải báo ngay về nhà.

Thế nhưng vấn đề ở đây là chẳng chính quyền nào, cụ thể là chẳng quan chức nào, muốn người dân biết họ đã, đang và sẽ nghĩ gì, nói gì, làm gì. Không chứng minh được điều này, nhưng tôi chắc chắn rằng tất cả các chính quyền trên thế giới, từ cổ chí kim, đều có xu hướng để dân biết về mình càng ít càng tốt, mà muốn thế thì phải dựng nên một bức màn thiêng liêng, bí ẩn, tạo bởi các giai thoại và huyền thoại, bởi sự thiếu minh bạch, bởi những nghi lễ ngoại giao phức tạp và… khó bắt chước.

Tóm lại, phải “thiêng liêng hóa” chính quyền để giữ oai với dân, chống lại cái thói xấu của mọi tên dân đen là cứ thích “biết những chuyện không cần biết”, dễ… sinh loạn. Trong khi đó thì phía dân chúng lại có xu hướng ngược lại: luôn muốn biết chuyện của mọi người khác, đặc biệt của các nhân vật nổi tiếng: chính khách, văn nghệ sĩ… Quan chức chính quyền hẳn nhiên là đối tượng được dân quan tâm đặc biệt.

Đó là chưa kể, thông tin ngày nay còn có giá trị quý như vàng nữa. Thời phong kiến, ở xứ Anh Cát Lợi, chàng Robin Hood huyền thoại chính thực là một tên cướp, “cướp nhưng mà tốt”, bởi chàng lấy (tiền) của người giàu chia cho người nghèo. Nếu sống vào thời đại Internet bây giờ, tôi nghĩ có khi chàng sẽ lấy thông tin, cơ sở dữ liệu của người giàu chia cho người nghèo cũng nên. (Ở một vài quốc gia lạc hậu về chính trị , chuyện người giàu sở hữu thông tin hơn hẳn người nghèo, quan chức sở hữu thông tin hơn hẳn dân thường, là quá rõ rồi.)

Hai xu hướng – một bên giấu, bưng bít, một bên tò mò, “tọc mạch”, “thù địch chống phá” – luôn luôn cọ sát, đối đầu. Nó là một phần của mâu thuẫn tồn tại muôn đời giữa Nhà nước và nhân dân. Chừng nào còn tồn tại Nhà nước, chừng đó còn tồn tại mâu thuẫn giữa chính quyền với người dân, cũng như tồn tại hai xu hướng “thiêng liêng hóa” vs. “giải thiêng”.

Và như thế, tội lớn của Julian Assange là anh đã “giải thiêng” giới chính khách, ngoại giao Mỹ. Một điều chắc chắn là, với tội ấy, ở bất kỳ nước nào, kẻ phạm tội cũng sẽ bị chính quyền trừng phạt, cho dù có là quốc gia dân chủ nhất thế giới cũng vậy. Làm mất mặt (nghĩa là mất thiêng) chính quyền sẽ luôn luôn là trọng tội của một người dân, chừng nào và ở đâu còn tồn tại Nhà nước. Dân chủ tuyệt đối, tức dân làm chủ hoàn toàn, là một trạng thái hoàn hảo mà mọi xã hội chỉ có thể tiệm cận đến, chứ không thể đạt được.

Tuy vậy, lẽ tất nhiên là có sự khác biệt về mức độ dân chủ ở các nước. Tôi muốn nói rằng, ở bất kỳ quốc gia, lãnh thổ nào thì Julian Assange – kẻ đã dám “giải thiêng” lãnh đạo – đều bị chính quyền trừng phạt; tuy thế, độ nghiêm khắc (và cả độ… bẩn) của hình phạt hẳn là sẽ khác nhau. Thử tưởng tượng Julian Assange là là một công dân… Trung Hoa hay Bắc Triều Tiên xem, chuyện gì đã, hay sẽ xảy ra với anh ta?

Sự kiện Wikileaks, với tôi, là một biểu hiện cụ thể của “cuộc chiến vô hình” giữa chính quyền và nhân dân.

Tác giả bài viết: Đoan Trang – Còn tiếp