Truyền thông Việt Nam năm 2010: TẤM GƯƠNG PHẢN ÁNH XÃ HỘI (Phần 1)
- Thứ sáu - 24/12/2010 12:34
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Hồi còn đi học, tôi được dạy rằng giai đoạn từ đầu thế kỷ 18 đến hết nửa đầu thế kỷ 19 là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của văn học Việt Nam thời phong kiến. Đó cũng là thời kỳ chế độ phong kiến Việt Nam khủng hoảng trầm trọng, xã hội rối ren, nhân dân khổ cực, khởi nghĩa nổ ra khắp nơi.
Cơn lốc báo chí quanh hiện tượng Ngô Bảo Châu, một sự kiện của truyền thông Việt Nam năm 2010
Tôi nhớ thầy giáo khi giảng bài đã viết lên bảng đen hai từ “xã hội” và “văn học”, rồi thầy đánh dấu mũi tên đi xuống vào bên cạnh từ “xã hội”, mũi tên đi lên bên cạnh từ “văn học”. Thầy bảo, như một quy luật, khi nào xã hội càng loạn, lòng người càng mất niềm tin, văn học với tư cách “tấm gương phản ánh hiện thực” càng phát triển. Thế nên thời ấy, chúng ta mới có những Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Ngô Gia Văn Phái…
Tôi nghĩ, báo chí - truyền thông có vai trò phản ánh hiện thực còn hơn cả văn học. Cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, Việt Nam chưa có báo chí, chứ nếu không thì chúng ta hẳn đã được chứng kiến một nền truyền thông sôi động như năm 2010 vừa qua. Đấy là còn chưa tính đến hai yếu tố có tác động chi phối bộ mặt truyền thông hiện nay: Internet và chính sách quản lý truyền thông theo hướng kiểm duyệt của Nhà nước.
* Cơn thịnh nộ của dân mạng
Tháng 4, bài viết nhan đề “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc” của tác giả Đỗ Ngọc Bích đăng trên BBC Việt ngữ (tựa đề dường như do BBC Việt ngữ đặt) đã gây nên một làn sóng phẫn nộ rất lớn.
Bài viết nhận xét về các blogger chính trị Việt Nam, theo đó, những blogger này “không nhận ra được rằng Việt Nam thực ra cũng là một phần trong da thịt của Trung Quốc, chia sẻ nguồn gốc văn hóa và tư tưởng, và nhận được khá nhiều ân huệ từ Trung Quốc trong suốt hơn 20 năm chiến tranh (1950-1975)”, “họ không thích nghi theo kịp được môi trường ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc trong những năm 1990, vẫn tiếp tục sống trong cái “anti-China nationalism” (chủ nghĩa dân tộc chống Trung Quốc hay bài Trung) của những năm 1980…”.
Đọc một cách bình thản thì cũng có thể thấy thiện ý của tác giả là phê phán tinh thần dân tộc chủ nghĩa mù quáng dựa trên sự thiếu kiến thức, ít nhất là kiến thức lịch sử: “Những blogger đấu tranh cho chủ quyền lãnh thổ đã bao giờ đọc “Đại Việt Sử Ký” (Lê Văn Hưu), “Đại Việt Sử Lược” (tác giả khuyết danh thời Trần), hay “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” (Ngô Sĩ Liên), hay “Việt Nam Sử Lược” (Trần Trọng Kim,) ở dạng nguyên bản, chưa qua biên soạn, cắt xén chưa?”.
Tác giả cũng có ý tố cáo một nền khoa học lịch sử bị bóp méo, khiến các thế hệ sau rất khó có cơ hội tiếp cận với sự thật: “Chúng ta đã bao giờ tự hỏi mình xem lịch sử Việt Nam mà chúng ta học có đúng là lịch sử không?”.
Tuy nhiên, những ý này lại được thể hiện với một giọng văn rất dễ gây cảm tưởng là tác giả đang khiêu khích những blogger đấu tranh cho chủ quyền, và chọc tay vào “tổ kiến lửa”: tinh thần dân tộc của cộng đồng mạng Việt Nam.
Bài báo gây phản ứng dữ dội từ một số độc giả
Không lập luận phân tích, không ví dụ, không dẫn chứng, và nhất là lời khẳng định (mà không chứng minh dù chỉ một câu) “Việt Nam thực ra cũng là một phần trong da thịt của Trung Quốc” đã khiến đa số người đọc nổi khùng. Cũng có thể đó không phải đa số, nhưng những người ủng hộ tác giả thì không lên tiếng, mà người phẫn nộ với chị thì lại sẵn sàng gửi ngay phản hồi chửi rủa.
Vụ việc cũng kéo theo một vấn đề: Mỗi công dân có quyền thể hiện quan điểm cá nhân tới mức nào? Hay nói chung, việc dư luận phản ứng dữ dội với tác giả và bài viết có phải là xâm phạm tự do ngôn luận?
Với hai câu hỏi này, tôi xin bảo lưu ý kiến cá nhân: Mọi công dân đều có quyền thể hiện quan điểm cá nhân miễn là không xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Bài viết nói trên có xúc phạm danh dự, nhân phẩm của một người hoặc một cộng đồng người nào hay không thì cần giám định pháp lý.
Nhưng cứ giả sử là nó đúng mực đi, thì trên nguyên tắc tôn trọng tự do ngôn luận, tác giả Đỗ Ngọc Bích có quyền nói lên quan điểm của chị, và những người phản đối tác giả cũng đương nhiên có quyền phát biểu ý kiến của họ. Nói cách khác là viết không thuyết phục thì phải nghe chê, vậy thôi. “Chê” chứ không phải “chửi”, nhưng nếu độc giả cứ muốn chửi, thì người viết cũng đành phải chấp nhận để quyền tự do ngôn luận bị vi phạm, bị chửi quá không chịu được thì xin mời đi… kiện.
Trên góc độ người viết, “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc” cũng là một bài học kinh nghiệm cho giới cầm bút/ gõ bàn phím: Đừng bao giờ chọc vào những tình cảm thiêng liêng như lòng tự hào dân tộc, tình yêu nước. Nếu muốn phát biểu những quan điểm có thể động chạm vào những tình cảm này, nên chọn cách viết khoa học, có lập luận, lý lẽ, cơ sở khoa học; đăng tải như công trình nghiên cứu khoa học trên các tạp chí khoa học. Báo chí phổ thông, đặc biệt Internet, không phải nơi phù hợp.
* “Toán về quê em” (*)
Tháng 8, truyền thông Việt Nam hào hứng với một sự kiện lớn: GS Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng toán học Fields. Tinh thần chung là cả nước sôi sục tự hào, “thằng nào không tự hào, đánh bỏ mẹ”.
“Tuổi Trẻ” – gương mặt tiêu biểu cho làng báo viết – và VTV – đại diện tự phong và được phong của báo hình ở Việt Nam, đơn vị mà cho đến gần đây vẫn còn hay nói câu “thay mặt cho những người làm truyền hình trên cả nước” – đều đã theo đuổi những chiến dịch lớn tuyên truyền, phổ biến cho mọi người dân biết tin mừng này cũng như hiểu được tầm vóc của sự kiện.
“Tuổi Trẻ” có cả loạt bài về thời thơ ấu của GS Ngô Bảo Châu, con đường học vấn, gia đình, hồi tưởng của các thầy cô về GS. VTV tổ chức truyền hình trực tiếp lễ trao giải Fields (nhưng không truyền được vì không có hình – không được vào tận nơi để quay). Thời sự. Họp mặt. Lễ vinh danh có diễn văn của Thủ tướng và Bộ trưởng Giáo dục, v.v… và v.v… Đa số các chương trình được bắn chữ “trực tiếp” lên màn hình tivi.
Đời tư của GS Ngô Bảo Châu cũng được báo chí nhắc tới nhiều, kiểu như thầy giáo lớp 1 nghĩ về GS như thế nào, bạn bè cấp I đánh giá GS ra sao… Có cả chuyện bà láng giềng nói về GS, “vui và vinh dự được làm hàng xóm của một người nổi tiếng”.
Chẳng ai lại không cảm thấy ít nhất là mừng cho Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng danh giá. Nhiều hơn chút nữa thì là mừng cho Việt Nam đã có một người được lưu danh vào bản đồ toán học thế giới. Nhưng sự rầm rộ của báo chí – khai thác triệt để và phản ánh vượt quá tầm mức của sự kiện – xảy ra tại thời điểm chủ nghĩa thành tích ở Việt Nam đang phát triển tới mức… bềnh bệnh, thật sự là khá có hại.
Đề tài GS. Ngô bảo Châu được khai thác theo mọi hướng - Ảnh: Ngô Bảo Châu (thứ 3 từ trái sang) trong Đội tuyển Olympic Toán học Quốc tế Việt Nam
Thứ nhất là nó làm nặng thêm “hội chứng vơ vào” cố hữu của người Việt Nam – vốn hay tìm đủ cách để được thơm lây chẳng hạn với một nghệ sĩ có… bà ngoại là người Việt, hay một nhà khoa học mà cụ tổ 5 đời từng ở Việt Nam. Thứ hai, nó có thể làm người ta lại sôi lên vì toán mà dễ bỏ quên hoặc coi nhẹ các môn học khác, trong khi thực tế nước ta đào tạo bất kỳ môn gì cũng có vấn đề, cũng cần được đầu tư để tổ chức lại một cách bài bản.
Một điều hiển nhiên là không phải cứ học chăm học nhiều, hô khẩu hiệu duy ý chí thì có thể giỏi toán như Ngô Bảo Châu, mà cũng không phải chỉ cần năng khiếu trời phú là đủ. Việc đưa tin của báo chí có thể dẫn người đọc tới việc cắt nghĩa thành công của Ngô Bảo Châu theo một trong hai cách trên, mà cả hai đều không đủ. Gần như không báo nào nói tới những gian khó, thậm chí mất mát, những cái giá mà Ngô Bảo Châu nói riêng và các nhà khoa học nói chung phải trả khi theo đuổi con đường của họ.
Còn nhân vật chính là GS Ngô Bảo Châu, thì tôi có cảm giác rằng là một nhà khoa học, anh cũng chẳng muốn được nổi tiếng theo kiểu “hot boy”, anh sẽ ngượng nếu phải đọc những tin bài kiểu như “lộ diện bạn gái của Ngô Bảo Châu”, “Ngô Bảo Châu nói gì về hoa hậu Việt Nam 2010”, v.v... Cứ xem cách anh viết trên blog mà thấy tâm trạng: “Trong những chuyện buồn nho nhỏ thì chuyện buồn to nhất liên quan đến hai ông bạn thân... Có bao kỷ niệm riêng thì các bạn đã phơi lên báo nên chúng khô mất hết cả rồi…”.
Điều khó hiểu là không biết cái gì nằm sau cơn lốc báo chí (mà tôi liều gọi một cách hỗn xược là “đại dịch Ngô Bảo Châu”). Không phải mọi nhà báo đều say sưa vào cuộc mà không cảm thấy mình đang đi quá chừng mực sự kiện. Cũng không hề có một chỉ đạo từ trên nào bảo rằng báo chí cần “đưa đậm” về sự kiện Ngô Bảo Châu, theo như tôi được biết. Có thể là báo chí đã làm rầm rộ vì độc giả, khán giả muốn thế. Từ đó suy ra lỗi là do “quần chúng”.
“Đại dịch” cung cấp một ví dụ (case study) rất tốt cho người nào sau này muốn nghiên cứu về truyền thông Việt Nam thời hội nhập.
Xem tiếp Phần 2 của bài viết.
(*) Tựa một entry của blogger Một Thế Giới Khác viết nhân sự kiện GS Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields.