Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Trong nhà - Ngoài ngõ: CÁC BÉ HÃY CHÀO CỜ NƯỚC TA!

Tôi mới đọc tin này trên báo chí Việt Nam, dù ngắn nhưng tôi rất thích! Vì nó khiến tôi... buồn cười suốt mấy ngày hôm nay, tôi không thể không chia sẻ với mọi người!

HỌC SINH TRƯỜNG QUỐC TẾ: KHÔNG CHÀO CỜ VÀ HÁT QUỐC CA

Sáng 8-5, tại buổi làm việc với Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, khi được hỏi “Học sinh (HS) Việt Nam có được học Quốc ca không, có chào cờ vào sáng thứ Hai không?” thì  bà Ngô Thu Thúy - phó chủ tịch HĐQT Trường Quốc tế dạy bằng tiếng Anh (The British International School) - trả lời rằng: “Trường đa văn hóa, đa quốc gia nên không thể thực hiện được điều này”.

Được biết, trường này có 1.208 HS từ 2-18 tuổi thuộc gần 50 quốc tịch khác nhau trên thế giới (số HS người Việt Nam chiếm 15 - 20 %).

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Minh - phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, chưa yên tâm: “Tại sao trẻ em Việt Nam học tại trường lại không được chào cờ, không hát Quốc ca vào sáng thứ hai? Tôi cảm thấy rất băn khoăn”.

Đấy là toàn bộ tin tức in trên báo hẳn hoi.

Còn đây là câu chuyện truyền khẩu trong dân gian, nhưng là chuyện có thật.

Cái thời đất nước mới được thành lập, dân trí của nông dân ta còn rất ấu trĩ. Hôm đó, cả huyện tập trung dân quân của các xã lại để... chào cờ. Trước mỗi đoàn quân của xã mình có một người đứng trước cầm cờ (vì thế có bao nhiêu xã thì có ngần đó cây cờ). Có một dân quân nêu thắc mắc với anh xã trưởng: "Nhiều cờ thế này thì chào lá cờ nào đây?" Anh xã trưởng đáp: "Dĩ nhiên là chào cờ xã ta rồi, chẳng lẽ lại chào cờ xã khác, có thế mà cũng không biết!"

Quả nhiên, tới lúc cấp trên hô "Chào cờ" thì anh ta hô to: "Chào cờ xã ta, chào!"

Thay vì chào cây cờ Tổ quốc ở trên cột cờ giữa sân thì các xã lại chỉ hướng về cây cờ của xã mình được xã trưởng cầm lên và... giơ tay chào.

Trở lại câu chuyện trên báo, bây giờ đã là thế kỷ XXI rồi, sao còn có vị lãnh đạo "ấu trĩ" đến như vậy?

Minh họa: Quốc kỳ các nước trước Quốc hội Canberra (Úc)

Trường Quốc tế có học sinh thuộc 50 quốc gia, vậy thì phải có 50 cây cờ và có 50 bản quốc ca rồi. Tất nhiên, cho dù tỉ lệ học sinh Việt Nam có là cao nhất trong trường thì cũng không thể "lấy thịt đè người" mà bắt học sinh các nước khác phải chào cờ nước ta được... Còn nếu các bé từ 2 tuổi tới 18 tuổi không được chào cờ mỗi sáng thứ Hai thì thật thiệt thòi, lỡ tụi nhỏ ấy quên mất Tổ quốc ngay khi đang sống trên mảnh đất mẹ đẻ thì thật... mất mặt Ban Văn hóa - Xã hội; vả lại, nhân dịp này cũng phải dạy cho học sinh quốc tế lòng yêu thương Tổ quốc của các bé khi sống xa nhà.

Thế là cảnh mỗi sáng thứ Hai, toàn trường phải xếp hàng trước sân trường, chia thành 50 ô. Trước mỗi ô là lá cờ của một nước ấy (cho dù chỉ có 1 học sinh).

Học sinh lớn nhất trong nước đó sẽ hô (bằng tiếng Anh):

- Chào cờ nước ta, chào!

Học sinh nước nào thì hát Quốc ca nước đó (bằng tiếng mẹ đẻ)

Cũng có thể có nhiều nước trẻ con không hát Quốc ca vì các bé còn bận ngậm... ti giả, nói còn chưa sõi, phía dưới thì đóng bỉm, có bé còn ngồi xe đẩy...

Nhưng có điều chắc chắn là các bé ấy sẽ có thể được nghe quốc ca nước ta, bởi vì các em bé Việt Nam mà không hát được thì đã có máy ghi âm đấy.

Bà chủ tịch HĐQT nếu muốn yên thân mà cai quản trường Quốc tế, hãy tự lo đi, kẻo trường bà có YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI, dễ bị nhòm ngó lắm đấy!

Tác giả bài viết: Hải Âu, từ Hà Nội