Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Thư ngỏ gửi Giáo sư Ngô Bảo Châu: VỀ VẤN ĐỀ ĐƯỜNG SẮT TRÊN CAO Ở HÀ NỘI

(NCTG) “... việc xây đường tàu, cải thiện giao thông công cộng ở Hà Nội, mà theo tôi là một lý do hoàn toàn hợp lý để chặt cây...” (Giáo sư Ngô Bảo Châu).

Cây cối bị bức từ tại đường phố Hà Nội - Ảnh: Internet


Kính gửi Giáo sư Ngô Bảo Châu,

Tôi là một người dân đã sống hơn hai mươi năm tại Hà Nội và đây cũng là quê mẹ của tôi. Được biết ông đã lên tiếng trên trang cá nhân, đặt những câu hỏi về việc chặt 6.700 cây xanh trong địa bàn thành phố, và ý kiến ông đã được báo chí cùng các trang mạng đưa lại một cách rộng rãi. Cá nhân tôi rất cảm ơn vì ông đã mở lời phản biện vấn đề này một cách công tâm, dựa trên cơ sở khoa học, giúp cho dư luận và những người dân bình thường có thể tham gia nói lên ý kiến của mình.

Tôi đồng thuận với tất cả câu hỏi mà ông nêu ra, chỉ trừ một vấn đề mà tôi thấy cần phải hỏi lại, vì còn nhiều thông tin chưa được làm rõ.

Trong bài viết, ông có lập luận: “3b. Ngoài việc xây đường tàu, cải thiện giao thông công cộng ở Hà Nội, mà theo tôi là một lý do hoàn toàn hợp lý để chặt cây, những quy hoạch khác là gì, có hợp lý không)?”. Như vậy, phải chăng có thể hiểu rằng Giáo sư đồng thuận với việc chặt cây nhằm xây dựng đường tàu, mà ở đây là đường sắt cao tốc trên cao (ĐSTC). Nếu đúng vậy, xin được đặt một vài câu hỏi như sau để cùng Giáo sư làm rõ một số vấn đề có liên quan:

1. Giáo sư đã xem xét kỹ lưỡng và nắm được các vấn đề tổng thể của dự án ĐSTC như đánh giá ảnh hưởng đối với môi trường và kiến trúc đô thị hay chưa? Giáo sư có đồng ý với bản đánh giá tác động đó không? Giáo sư có nhất trí với dự án khả thi đó không, xin chia sẻ? Người dân chúng tôi thì chỉ có những thông tin chung chung này, xem tại đây.

2. Giáo sư có nắm được nguyên nhân vì sao những hàng xà cừ trăm tuổi, là cây đô thị từ thời Pháp, đứng từ trăm năm nay dọc tuyến đường Trần Phú - Nguyễn Trãi - Hà Đông và dọc tuyến Voi Phục, công viên Thủ Lệ, đến nay khi xây ĐSTC bỗng nhiên có nguy cơ “bật gốc, gãy đổ, không đảm bảo an toàn giao thông”? Vậy hai sự kiện “xây đường sắt” và “cây sẽ đổ” có liên quan gì với nhau, và vì sao, xin Giáo sư giải thích?

3. Với quy hoạch trên, tuyến ĐSTC và đường sắt ngầm sẽ chạy qua tất cả khu vực có di tích văn hóa quan trọng nhất của thủ đô Hà Nội: Văn Miếu Quốc Tử Giám, đền Voi Phục, đền Đồng Cổ, đền Trấn Vũ, khu vực di chỉ Hoàng thành Thăng Long, chợ Đồng Xuân, Bờ Hồ Hoàn Kiếm với cụm di tích đền Ngọc Sơn. Tàu chạy với tốc độ 80km/h trên cao qua khu vực các di tích này hoặc trực tiếp chạy qua các di tích có ảnh hưởng tới mỹ quan và an toàn của di tích hay không?

4. Là một người làm khoa học và một người dân Hà Nội, Giáo sư nhận thấy việc “phát triển hạ tầng giao thông” theo cách để hạ tầng giao thông chồng khít lên kiến trúc đô thị di sản Thăng Long - Hà Nội ngàn năm như trên là hợp lý hay không? Giáo sư có từng nghĩ đến một giải pháp khác để vừa phát triển được hạ tầng giao thông, vừa giữ được một cách tốt hơn khu vực đô thị di sản không?

Rất mong chờ hồi âm của Giáo sư và xin gửi tới ông lời chào trân trọng!

Tác giả bài viết: Khánh Phương T. Đỗ, từ Pennsylvania (Hoa Kỳ)