Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Thềm nhà cổ: AI “CHIẾM ĐẤT” CỦA AI?

(NCTG) “Ngoài những công trình mới xây dựng vài chục năm gần đây, có thể “lo lót” xây trái phép, hay ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè, thì việc tính đến phá dỡ các công trình cổ, cần phải cân nhắc, xem xét dữ liệu lưu trữ để tránh những việc phá hoại không cứu vãn được!”.
Thềm tòa nhà Đại học Dược (Hà Nội) liệu có bị coi là “lấn chiếm” vỉa hè?
Nhân thấy Hà Nội đang rầm rộ công tác phá bậc tam cấp vỉa hè, tôi thử “lượn” qua mấy công trình công cộng, di sản, chùa chiền ở Hà Nội có lẽ nằm trong diện “lấn chiếm” (?), gom vào album này vài ví dụ để nhỡ đâu, sẽ nằm trong diện dỡ bỏ tam cấp?

Chuyện này trên mấy phố thương mại như phố Huế nơi tôi ở hơn 20 năm, không hề lạ, cứ phá đi xây lại liên miên. Giải phóng vỉa hè lấn chiếm sai trái là cần thiết, nhưng lần này, bức ảnh phá tam cấp ngôi nhà xây thời Pháp cổ (được cho là xây trước năm 1925) làm tôi băn khoăn mãi.
 
Nhà 33 Châu Long được cho là xây dựng vào khoảng năm 1925
Nhà 33 Châu Long được cho là xây dựng vào khoảng trước năm 1925

Với hình ảnh ngôi nhà 33 phố Châu Long mà ta tìm thấy trong nhiều album ảnh đen trắng tiêu biểu cho khu phố cũ Hà Nội, thì tam cấp này đã có từ lâu nay. Câu hỏi là “tại sao nhà xây từ gần 100 năm nay lại “lấn chiếm”? Thấy chủ nhà nói mua lại nhà vào năm 1925-1926, nhưng không miêu tả bối cảnh xung quanh, nên phải mò mẫm để thử tìm câu trả lời.

Vì theo những kiến trúc nhà Pháp tại Hà Nội và ở Pháp mà tôi thấy, thì đa số xây thềm nhà phía ngoài tường mặt tiền như ngôi nhà này. Điểm khác biệt là cả căn nhà được xây trong một khoảng lùi nhỏ, nhiều khi chỉ 1-2m so với tường bao ngăn cách với phố. Chứ không bao giờ xây chòi ra vỉa hè.

Tôi lại nhớ ông bà kể, nghe các cụ kể lại, nhà tôi ở phố Huế ngày xưa kinh doanh nước mắm, đất dài hơn nhiều so với bây giờ, phần sát mặt ngoài sân bầy đầy chum mắm, rồi mới đến nhà. Sau này người Pháp mở đường nhựa, nhà mất một phần đất, mới xây tường bao phía trước, còn chừa một khoảng sân nhỏ.
 
Bản đồ Hà Nội năm 1936 và quy hoạch năm 1943
Bản đồ Hà Nội năm 1936 và quy hoạch năm 1943

So sánh với câu chuyện đó, thử đối chiếu lại bản đồ Hà Nội thời Pháp, xem trong trường hợp số nhà 33 Châu Long nhà có trước hay phố có trước? Bạn sẽ thấy trên bản đồ năm 1936, một nửa dưới của phố Châu Long bây giờ còn là một góc ăn vào của hồ Trúc Bạch, nửa trên, nơi có nhà số 33, CHƯA có phố!

Đến năm 1943 thì đoạn này mới nằm trong bản đồ quy hoạch. Như vậy đoạn phố này được xây dựng trong khoảng 1936-1943 (xem ảnh). Như vậy, nếu quả thật ngôi nhà xây trước năm 1925 thì theo bản đồ này, có lẽ phố đã xây sau nhà. Liệu ngôi nhà có phải “cắt đất” để làm đường như trường hợp nhà ông bà tôi?
 
Chùa Tảo Sách - đường ven hồ lấn vào đất chùa, giờ cái tam quan và bậc thang vào chùa nằm chèn lên vỉa hè, chắc không đến nỗi rơi vào danh sách bị đập?
Chùa Tảo Sách - đường ven hồ lấn vào đất chùa, giờ cái tam quan và bậc thang vào chùa nằm chèn lên vỉa hè, chắc không đến nỗi rơi vào danh sách bị đập?

Hoặc như chùa Tảo Sách trong album ảnh này, tôi đã thường xuyên đến chùa nhiều năm trước khi xây đường vành đai hồ Tây, đất chùa mở lối ra ngay mặt nước. Nhưng như trong hình, sau khi xây đường ven hồ, thì cổng tam quan của chùa bỗng nằm chình ình chiếm vỉa hè của người đi bộ!

Vậy 50-100 năm nữa, nếu không có bản vẽ cụ thể, liệu chùa có bị kết tội “xây chiếm đất công” không?

Hay những thềm nhà cổ “chòi” ra trên vỉa hè hôm nay, là dấu tích việc tư nhân đã hiến đất cho nhà nước làm đường?
 
006
 
005
 
Nên cẩn trọng xem xét trước khi đập phá!
Nên cẩn trọng xem xét trước khi đập phá!

Chỉ là chút suy luận nhỏ, không để khẳng định điều gì. Nhưng có lẽ để thấy, ngoài những công trình mới xây dựng vài chục năm gần đây, có thể “lo lót” xây trái phép, hay ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè, thì việc tính đến phá dỡ các công trình cổ, cần phải cân nhắc, xem xét dữ liệu lưu trữ để tránh những việc phá hoại không cứu vãn được!

Tác giả bài viết: Bùi Uyên, từ Paris (Pháp)