Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Tháng 3-2018: NỐI VÒNG TAY LỚN

(NCTG) “Những tư tưởng giáo điều, cứng nhắc, hoặc một thể chế tự cho mình là chân lý độc tôn có khả năng, hay có muốn làm gì để vòng tay con người được nối càng ngày càng lớn, từ trong một xóm làng, sang đến quê hương đất nước và thế giới?”.
Ban nhạc Hạm đội 7 Hải quân Mỹ hát “Nối vòng tay lớn” tại Đà Nẵng - Ảnh chụp màn hình
Chuyến thăm Việt Nam năm ngày của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson thuộc Đệ thất Hạm đội Hải quân Hoa Kỳ đã kết thúc cách đây gần ba tuần và con tàu chiến hiện đại nhất thế giới đã rời thành phố Đà Nẵng, nhưng buổi sinh hoạt văn nghệ hữu nghị của ban nhạc thuộc Hạm đội 7 tại Cầu Rồng, Đà Nẵng vào tối 5-3-2018 với sự tham dự của hàng ngàn người dân thành phố vẫn để lại những dư âm đẹp đẽ đối với tôi.

Một sân khấu dã chiến với hàng ngàn khán giả đủ mọi lứa tuổi đang nôn nóng chờ đợi một chương trình văn nghệ đặc biệt. Hầu như ai cũng cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh để có thể bắt chụp ngay được những giây phút đáng nhớ bằng những bức ảnh cũng đặc biệt như sự có mặt đặc biệt của một chiến hạm Mỹ tại Đà Nẵng.

Mở đầu chương trình, một thủy thủ trẻ trong ban nhạc đã hát bản dân ca quen thuộc “Trống Cơm” phối khí theo kiểu nhạc trẻ hiện thời và được khán giả nhiệt liệt vỗ tay. Nhưng khi một nữ ca sĩ cất tiếng hát “Nối Vòng Tay Lớn” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, một ca khúc “từng gây bất ngờ vào tháng 4-2017, khi Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho hay bài hát (...) chưa được cấp phép” (tin của đài “Á Châu Tự Do” ngày 5-3-2018) thì sự hoan nghênh nồng nhiệt của khán giả đã lên tới cao độ.

Họ cùng hát, cùng vỗ tay, cùng nhảy múa với người ca sĩ trên sân khấu và tạo ra được một bầu không khí thanh bình, thân thiện. Có lẽ đã có những giọt nước mắt xúc động rơi xuống trong những giây phút cảm thông, an vui giữa người dân và người lính của một quân đội trước đây từng bên kia chiến tuyến.

Không rõ trong số hàng ngàn khách mộ điệu trong buổi biểu diễn có ai là người cách đây 53 năm cũng đã có mặt để chào mừng những người lính Mỹ đầu tiên đến Đà Nẵng vào năm 1965. Họ đã được những cô nữ sinh nhỏ nhắn trong đồng phục áo dài trắng thướt tha choàng vào cổ những vòng hoa chào mừng. Mười năm sau đấy, Đà Nẵng cũng là một trong những cứ điểm mà những lính Mỹ thất trận cuối cùng đã vội vã rời Việt Nam không lời từ biệt. 

Trở lại hiện tại, trong buổi trình diễn âm nhạc hữu nghị này đa số khán giả là những người trẻ, thuộc một thế hệ mới, không kinh qua cuộc chiến trên quê hương, không có quá khứ vui buồn với thời đó. Họ vui vẻ đón tiếp lính Mỹ như những người bạn thân thiện chứ không không phải như kẻ thù. Và những người lính này cũng trẻ như họ.
 
Tiết mục giao lưu hết sức thành công - Ảnh chụp màn hình
Tiết mục giao lưu hết sức thành công - Ảnh chụp màn hình

Tôi chợt nhớ đến bài hát lính “Lili Marleen” của nhạc sĩ Đức Schultze vào thời Đệ nhị Thế chiến. Khi Đài phát thanh Belgrad của quân đội Đức Quốc Xã từ tháng Tám 1941 mở đầu mỗi tối buổi phát thanh tin tức cuối trong ngày lúc 22 giờ bằng bản nhạc “Lili Marleen” như tín hiệu chương trình thì những người lính Đức Quốc Xã trên nhiều mặt trận đã bỏ súng sang bên để lắng nghe nữ ca sĩ Lale Andersen hát

Nhưng điều đáng nói là cả những người lính quân đội Anh đang chiến đấu chống Đức Quốc Xã ở Bắc Phi cũng bỏ súng để lắng nghe một bản nhạc của kẻ thù đang đứng trước mặt họ. Một số cựu quân nhân trong đạo quân viễn chinh của nước Đức Hitler đã nhớ lại rằng lính Anh thuộc Quân đoàn 8 dưới sự chỉ huy của tướng Montgomery đã gọi lớn cho kẻ thù dưới sự chỉ huy của nguyên soái Đức Rommel “hãy mở đài lớn hơn” để họ có thể cùng nghe.

Cứ như vậy, mỗi tối với “Lili Marleen”, thực tế đã có một cuộc ngừng bắn trong mươi phút khi Lale Andersen cất tiếng hát về tình yêu đôi lứa, về nỗi cô đơn, và sự sợ hãi cái chết của một một đôi trai gái yêu nhau, hẹn hò nhau bên cột đèn trước doanh trại mỗi tối. Khi tiếng còi báo hiệu thì người lính lại phải chia tay với người yêu để trở vào trại. Cô gái còn lại một mình với nỗi lo sợ không biết có bao giờ được gặp lại người yêu dấu.

Khi bài hát chấm dứt thì những phút ngưng bắn tự nguyện của hai phía ở hai bên chiến hào cũng chấm dứt và họ lại cầm súng lên và tiếp tục bắn nhau.
 
Chào tiễn đưa nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, vị niên trưởng về nơi an nghỉ cuối cùng
Chào tiễn đưa nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, vị niên trưởng về nơi an nghỉ cuối cùng

Ba ngày trước khi hàng không mẫu hạm Carl Vinson đến trong sự nôn nao hồi hộp chờ đợi của người Đà Nẵng về buổi biểu diễn văn nghệ thì người Sài Gòn tiễn đưa nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Theo tin báo chí ngoài nước cũng như trên nhiều blog, đến đưa tiễn người nhạc sĩ tài hoa, nguyên đại tá Trưởng phòng Tham mưu Phó Bộ Tổng tham mưu quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) còn có những cựu quân nhân, những thương phế binh VNCH trước đây, cũng như những cựu học sinh Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu nơi ông từng theo học.

Khi linh cữu người nhạc sĩ với những vòng hoa trắng trang trọng được đưa từ tư gia của ông ra ngoài trong tiếng nhạc “Chiều Mưa Biên Giới”, bài hát có lẽ nổi tiếng và được yêu thích nhất của nhạc sĩ, thì một số người đang đứng bên đường chờ để tiễn biệt ông lần cuối đã sắp thành hàng nghiêm chỉnh, họ đồng loạt đưa tay lên chào lần cuối một niên trưởng của họ trong bầu không khí lặng thinh và trang nghiêm.

Hình ảnh này mang lại một sự xúc động sâu xa, một nỗi ngậm ngùi. Những người có thể không quen biết nhau, đã tự động đến đưa tiễn Nguyễn Văn Đông. Họ đứng bên nhau trong những giờ phút ngắn ngủi để chào lần cuối một người mà họ chưa từng có dịp gặp gỡ nhưng rất được họ mến mộ, kính phục vì tài năng nghệ thuật và khí phách con người. Có lẽ họ cũng cảm nhận được một sự gần gũi ấm áp của tình huynh đệ chi binh một thời.

Bởi họ có chung một quá khứ với ông cũng như chung một số phận của những người đứng bên lề xã hội, như thể từ một thuở xa xăm nào còn sót lại. Những người mà từ khi trở thành “bên thua cuộc” đã không được xem như con người trong một quê hương, như thể họ như không có mặt trên đời, thậm chí một sự quan tâm nhỏ nhoi về mặt xã hội đối với họ cũng không có. Như ông, người đã từng tự cho mình là một “người muôn năm cũ”, họ vẫn lặng lẽ sống như những cái bóng. Thậm chí, bây giờ một số người viết báo vẫn còn gọi họ bằng danh từ “ngụy quân”.
 
Những hình ảnh hết sức cảm động trong tang lễ nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông
Những hình ảnh hết sức cảm động trong tang lễ nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông

Trang mạng ngày 2-3-2018 của báo “Tiền Phong”, cơ quan trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Việt Nam đưa tin nhạc sĩ Nguyễn Văn Đồng từ trần: “Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông được đào tạo âm nhạc rất bài bản và ông có nhiều sáng tác rung động lòng người, nhất là các ca khúc mang tính phản chiến và đề cao tình yêu thương con người như: “Chiều Mưa Biên Giới”, “Nhớ Một Chiều Xuân”, “Sắc Hoa Màu Nhớ”... Theo nhà thơ Du Tử Lê thì nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông từng bị chính quyền cũ cấm một số sáng tác, nhạc sĩ đã “can đảm cất lên tiếng nói của lương tri. Tiếng nói của một kẻ sĩ trước thời cuộc. Những ghi nhận từ đáy tầng khát khao của dân tộc, đất nước…”.

Nhưng dĩ nhiên báo “Tiền Phong” không nói đến việc sau ngày 30-4-1975, với tư cách là một sĩ quan cao cấp trong quân lực VNCH, ông đã bị tù cải tạo 10 năm. Sau khi được trả về nhà để chờ chết, ông đã không xuất cảnh sang Mỹ định cư theo chương trình ra đi nhân đạo của chính phủ Mỹ dành cho sĩ quan các cấp trong quân đội VNCH cũng như cho những nhân viên cao cấp trong chính quyền trước đây. Lý do, theo như ông từng nói, vì ông muốn được chết trên quê hương.
 
*

Hai hình ảnh của hai sự kiện kể trên chắc đã gây cho người xem một sự xúc động sâu xa. Có thể nào hai chính quyền một thời thù nghịch bắt tay chào đón nhau vì một lý do nào đó, nhưng “bên thắng cuộc” thì vẫn không đưa tay ra để “nối vòng tay lớn” với “bên thua cuộc” trong cùng một nước?

Có lẽ chỉ văn học, nghệ thuật mới làm được sứ mạng thúc đẩy sự thấu hiểu, thông cảm và yêu thương nhau giữa con người. Một bài hát, một tiếng đàn có thể đánh thức những cảm xúc nhân bản, những tình cảm nhân hậu trong trái tim mỗi người và có lẽ giúp mỗi người ý thức rằng “không ai là một hòn đảo riêng lẻ mà là một phần của đại lục” (John Donne, nhà thơ Anh 1572-1631). Rằng người dân nào cũng chỉ muốn hòa bình trong gia đình, làng xóm, quốc gia và quốc tế. Rằng sự hận thù chính là nguồn gốc của mọi tai ương, hoạn nạn.

Trong hồi ký, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông có viết: “Sau tháng 4-1975, tôi đi học tập “cải tạo” 10 năm. Khi trở về nhà, tôi mang theo nhiều chứng bệnh trầm trọng, tinh thần và thể xác bị suy sụp. Suốt 30 năm qua, tôi không tham gia bất cứ hoạt động nào ở trong nước cũng như ngoài nước. Vào năm 2003, nhà nước Việt Nam có cho phép lưu hành 18 bài hát của tôi (...).

Rất tiếc một số bài hát tâm đắc không được nhà nước cho phép. Tôi hy vọng rồi đây theo thời gian mọi việc sẽ tốt đẹp hơn. Đặc biệt trong lãnh vực văn hoá, văn nghệ, tôi nghiệm rằng những gì có giá trị nghệ thuật, dù bị vùi dập vì sự ganh tỵ hay hiểu lầm, sẽ có ngày được mang trả lại vị trí đích thực của nó. Tôi chỉ tiếc đời người ngắn ngủi mà tôi đã phí phạm quãng thời gian dài 30 năm. Thật lấy làm tiếc!
”.
 
“Chiều Mưa Biên Giới” được vang lên tại sân khấu Hà Nội: phải chăng lời ca, điệu nhạc có thể xóa nhòa những khoảng cách? - Ảnh chụp màn hình
“Chiều Mưa Biên Giới” được vang lên tại sân khấu Hà Nội: phải chăng lời ca, điệu nhạc có thể xóa nhòa những khoảng cách? - Ảnh chụp màn hình

Trong bài phỏng vấn nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông vào ngày 30-4-2016, tác giả Nguyễn Hữu Ngư đã trích lại lời của nhạc sĩ: “Chỉ có âm nhạc mới làm khuây khỏa tâm hồn và âm nhạc còn làm lành những vết thương. Cuộc đời này tất cả rồi sẽ cũ và già, riêng âm nhạc thì mới và trẻ mãi”. Còn nữ ca sĩ Thanh Tuyền, người đã được nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đào tạo trước đây ở Sài Gòn, thì cho hay: “Một lần chú nói với tôi rằng muốn tôi thấy hát “Chiều Mưa Biên Giới” ngay tại Việt Nam. Và tôi đã làm được điều này tại Hà Nội mấy tháng trước khi chú mất”.

Vào tháng 11 năm qua, “Chiều Mưa Biên Giới” đã được giới thưởng ngoạn ở Hà Nội lắng nghe, nồng nhiệt tiếp đón, yêu mến như những người Sài Gòn trên nửa thế kỷ nay đã yêu mến nó và người nhạc sĩ sáng tác ra nó. Đã, hay chắc sẽ có những người Hà Nội quan tâm tìm hiểu tác giả ca khúc từng bị cấm trong vài năm của thập niên 1960 thế kỷ trước tại miền Nam vì bị coi là có tính cách ủy mị, làm nhụt tinh thần chiến đấu của người lính ngoài mặt trận.

Trên một phương diện nào đó, với những ca khúc của mình, nhạc sĩ - đại tá Nguyễn Văn Đông của quân đội VNCH đã làm vai trò trung gian nối vòng tay lớn của những con người giữa hai chiến tuyến như ca khúc “Lili Marleen” xưa kia.

Nhưng những tư tưởng giáo điều, cứng nhắc, hoặc một thể chế tự cho mình là chân lý độc tôn có khả năng, hay có muốn làm gì để vòng tay con người được nối càng ngày càng lớn, từ trong một xóm làng, sang đến quê hương đất nước và thế giới?

Tác giả bài viết: Nguyên Hà, từ Berlin (CHLB Đức)