Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TWITTER XÓA TÀI KHOẢN CỦA DONALD TRUMP CÓ PHẢI LÀ LẠM QUYỀN?

(NCTG) “Twitter là một công ty tư nhân, không có gì có thể ngăn cản nó hoạt động ngoại trừ chính người sử dụng không tôn trọng các quy tắc mà họ đã ký đồng thuận khi đăng ký tài khoản của mình”.
Donald Trump, con người của những “phá cách” có thể đem lại hậu quả thảm khốc
Tài khoản Twitter của tổng thống Mỹ chuẩn bị mãn nhiệm - ông Donald Trump, một trong 5 tài khoản có nhiều người theo dõi nhất (88 triệu người) và “tăng động” nhất (trung bình 29 lượt đăng mỗi ngày) trên mạng Twitter đã bị mạng xã hội Mỹ có biểu tượng con chim xanh khóa vĩnh viễn.  

Thứ Sáu 8-1, 2 ngày sau vụ bạo loạn ở Điện Capitol khiến 5 người thiệt mạng trong đó có một cảnh sát, Twitter đã “đình chỉ” vĩnh viễn tài khoản cá nhân của Donald Trump. Đây là một quyết định quyết liệt gây phản ứng mạnh mẽ trong dư luận, đặt người sáng lập Twitter, Jack Dorsey, vào một hoàn cảnh tế nhị.

Để lý giải cho quyết định này, hai dòng tweet của tổng thống sắp mãn nhiệm Hoa Kỳ được công bố vào ngày 8-1 trên nền tảng này đã được các chuyên gia đưa ra mổ xẻ.

Đầu tiên là dòng tweet Donald Trump thông báo sự vắng mặt của mình trong lễ nhậm chức của Joe Biden hôm 20-1 tới. Theo nhóm chuyên gia kiểm duyệt của mạng xã hội này thì việc công bố vắng mặt này ngầm thể hiện sự bất tuân, có thể là lý do để dẫn đến bạo lực.

Thứ hai, cũng theo các chuyên gia, việc sử dụng thuật ngữ “những người yêu nước Mỹ” cho các ủng hộ viên - trong đó có những kẻ gây bạo loạn trên Đồi Capitol - được hiểu như một sự xiển dương, hỗ trợ cho các hành động vi phạm pháp luật mà họ đã gây ra.

Sau khi xem xét cẩn thận các tweet @realDonaldTrump gần đây và bối cảnh hiện tại - bao gồm cả cách mà chúng được diễn giải (...) - chúng tôi tạm ngưng tài khoản vô thời hạn do nguy cơ tiếp tục kích động bạo lực” từ Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm, theo thông cáo báo chí của Twitter.
 
Những dòng tweet bị coi là rất có vấn đề - Ảnh chụp màn hình
Những dòng tweet bị coi là rất có vấn đề - Ảnh chụp màn hình

Quả thực, DonaldTrump đã rất thành công trong việc biến tài khoản Twitter của mình thành phương tiện truyền thông chính thức, đăng tải các thông cáo, quyết định, tấn công báo chí và xúc phạm các đối thủ của mình trong suốt thời gian sử dụng.  

Đối với một số người, Twitter cuối cùng đã thực hiện trách nhiệm của mình, trong khi đối với những người khác, việc Donald Trump bị đưa vào “danh sách đen” là một hình thức kiểm duyệt không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào, và là một đòn đánh vào quyền tự do biểu đạt. 

Quyết định, mà theo cảm nhận ban đầu, mang màu sắc độc đoán này đã gây ra phản ứng mạnh mẽ ngay cả ở Pháp – một nước đã và đang tiếp tục chấp nhận trả giá rất nhiều cho quyền tự do biểu đạt, một nước mà vị tổng thống của mình chỉ nhận được 24% số phiếu của của tri trong vòng tranh cử đầu.

Chúng ta có thể phản đối, chống lại Trump và sự hỗn loạn mà ông ấy gây ra nhưng chúng ta không nên vui mừng khi thấy các công ty truyền thông mạng khổng lồ độc quyền, không có sự kiểm soát của tư pháp, không có một cửa thương lượng nào trong việc quyết định một đương kim tổng thống có quyền có tài khoản hoặc không có tài khoản trên Twitter”.

Điều này chắc chắn không giúp ích cho nền dân chủ” - Aurore Bergé, Phó Chủ tịch nhóm dân biểu của đảng “La Républic en Marche” (Cộng hòa Pháp Tiến Lên - LaREM, đảng của Tổng thống Emmanuel Macron) tại Quốc hội Pháp, nói trong một tweet được công bố vào thứ Bảy tuần này.

Nói về một “sự trượt dài rất nghiêm trọng” đối với nền dân chủ, Marine Le Pen, Chủ tịch đảng cực hữu “Front National” (Mặt Trận Dân Tộc) đánh giá trong trả lời phỏng vấn của đài BFM, rằng đây rõ ràng là một sự lạm quyền. “Chúng ta phải lên án mạnh mẽ những gã khổng lồ kỹ thuật số này, những người trên thực tế muốn ảnh hưởng trực tiếp đến nền dân chủ bằng cách quyết định ai có quyền phát biểu và các nhà lãnh đạo chính trị có quyền nói gì”.

Jean-Luc Mélenchon, lãnh đạo đảng cực tả “La France Insoumise” (Nước Pháp Bất Khuất), người đã biến không gian kỹ thuật số trở thành một trong những trục chiến dịch trong cuộc chạy đua tranh cử tổng thống, coi đó là một sự tấn công của những gã khổng lồ kỹ thuật số.
 
Cảnh tượng hiếm thấy tại tòa nhà lập pháp Hoa Kỳ - Ảnh: Lev Radin (Pacific Press/ Getty Images)
Cảnh tượng hiếm thấy tại tòa nhà lập pháp Hoa Kỳ - Ảnh: Lev Radin (Pacific Press/ Getty Images)

Ông nói: “Hành vi của Trump không thể được sử dụng như một cái cớ để những gã khổng lồ truyền thông mạng xã hội kiêu ngạo cho rằng họ có quyền kiểm soát các cuộc tranh luận công cộng”.

Trong những năm gần đây, mạng xã hội Twitter đã tự khẳng định mình và trở thành một đấu trường mới trong đời sống chính trị. Nó vừa là một phương tiện truyền thông, vừa là công cụ thăm dò dư luận, và trở thành đồng minh của các nhà hoạch định chính sách và các chính trị gia.

Chính điều này đã đặt ra câu hỏi về việc kiểm soát của các nền tảng mạng xã hội này, trong đó Twitter đứng đầu bảng. Theo nhận xét của Véronique Reille Soult, nhà khoa học chính trị Pháp, “trước đây, chính trị đã cấm các phương tiện truyền thông. Ngày nay thì chính các phương tiện truyền thông đã ngăn cấm chính trị”.

Trên thực tế, Twitter là một công ty tư nhân, không có gì có thể ngăn cản nó hoạt động ngoại trừ chính người sử dụng không tôn trọng các quy tắc mà họ đã ký đồng thuận khi đăng ký tài khoản của mình.

Sẽ là một lập luận cực kỳ cấp tiến - và cũng phản bội chủ nghĩa bảo thủ - nếu nói rằng nên đối xử với doanh nghiệp tư nhân tương tự như một thực thể công quyền, nơi mọi người đều có quyền như nhau trong việc tiếp cận dịch vụ của họ nếu muốn”, theo nhận định của luật sư nhân quyền quốc tế Jared Genser, hiện đang làm việc tại hãng luật Perseus Strategies (Mỹ).

Cũng theo luật sư này thì  cả Facebook và Twitter là “các công ty đại chúng và họ tồn tại chủ yếu để tối đa hóa lợi nhuận của các cổ đông của họ. Đúng là họ nên có trách nhiệm với xã hội, nhưng thị trường tự do cũng là một cơ chế kiểm soát hành động của họ”.

(…) Điểm mấu chốt ở đây là vị tổng thống, với tư cách là một khách hàng của Twitter và Facebook, đã sai lầm nghiêm trọng khi tin rằng họ cần một khách hàng như ông ấy hơn là ông ấy cần họ để loan tin. Đến lúc việc tiếp tục cho ông ấy sử dụng dịch vụ có thể khiến họ thiệt hại hàng tỷ đô-la thì việc tống cổ ông ấy đi là một quyết định kinh doanh dễ dàng và sáng suốt”.
 
Hỗn loạn tại Điện Capitol hôm 6-1 phải được coi là một cảnh báo về tác hại của những phát ngôn cổ vũ bạo lực - Ảnh: AFP
Hỗn loạn tại Điện Capitol hôm 6-1 phải được coi là một cảnh báo về tác hại của những phát ngôn cổ vũ bạo lực - Ảnh: AFP

Đối với Cédric O, thành viên phụ trách về Kỹ thuật số của chính phủ Pháp , thì “việc tài khoản Twitter của Tổng thống Mỹ Donald Trump bị đình chỉ vĩnh viễn là chính đáng”.

Nhưng nó đặt ra câu hỏi về việc phải xem xét lại “điều kiện sử dụng chung” mà các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội yêu cầu trong việc quy định các cuộc tranh luận công khai trên các mạng xã hội, bởi chúng đã trở thành không gian công cộng thực sự và quy tụ hàng tỷ công dân. Điều này dường như không đáp ứng hoàn từ quan điểm dân chủ”.

Ông cũng nói thêm: “Vượt lên trên việc thể hiện sự căm ghét trên mạng, chúng ta cần nghĩ tới một hình thức giám sát dân chủ mới”. 

Dân chủ là một giá trị bất khả biến cần được bảo vệ và gìn giữ, kể cả đối với một vị tổng thống được bầu lên với bao nhiêu phiếu cũng vậy!

Tác giả bài viết: Hoàng Y, từ Paris