Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TUYÊN TRUYỀN SỞ HỮU VÀ NHỮNG SỰ CỐ KIỂU BÌNH DƯƠNG 2014

(NCTG) “Nhìn vào những biến cố trên Biển Đông trong suốt thế kỷ 20, đặc biệt là nửa cuối, Việt Nam cần phải hiểu rằng, nước cờ đã được đặt lên bàn. Việt Nam nằm ở vị trí không thể không tham gia chơi. Quan trọng là cuộc chơi sẽ còn kéo dài. Đương nhiên, chơi theo kiểu cũ không còn phù hợp nữa”.
Việc Trung Quốc kéo giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã gây nên cơn cuồng phong phẫn nộ trong lòng người Việt
Đã tròn một năm sau sự cố mà công nhân, doanh nghiệp và chính quyền tại Bình Dương phải đối mặt. Tháng 5-2014, công nhân nhà máy và một số người không phải là công nhân trong các khu công nghiệp tại đây tổ chức các hoạt động bạo lực, đập phá nhiều cơ sở sản xuất nước ngoài (bao gồm nhà máy của chủ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, thậm chí một số nhà máy của chủ là người Phương Tây).

Cho tới nay, nhiều người - kể cả giới chính khách nước ngoài - còn nhắc tới sự kiện này với không ít ngạc nhiên và lo lắng. Một sự việc thuộc khuôn khổ chính trị ngoại giao quốc tế, có vẻ tương đối “ít ảnh hưởng” tới cuộc sống và công việc của các công nhân nghèo chỉ biết tới sử dụng máy khâu, khâu giày hay làm sạch tôm và đóng hộp. Nguyên nhân chính trị vừa hợp lý vừa bất hợp lý. Rất nhiều sự kiện chính trị hoặc ngoại giao tương tự khác tạo ra những sự cố tương tự.

Một nhìn nhận về nguyên nhân sâu sa của sự cố này, liên quan tới sự thiếu quản trị truyền thông một cách khách quan và chủ động về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên vùng biển mà Việt Nam gọi là Biển Đông, Phillipines gọi là Biển Tây Philippines và tên quốc tế là South China Sea (tạm dịch là Biển Nam Trung Hoa hay Hoa Nam). Chủ yếu, đó là sự thiếu thỏa đáng trong thỏa mãn các nhu cầu vật chất và tinh thần (well-being) của công nhân và sự “không chính thức” (non-official) của không gian xã hội thứ ba - xã hội dân sự (civil society) - trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh giữa công nhân với giới chủ (businesses) và nhà nước (state).

Tuy nhiên, ở đây, người viết xin đề cập chủ yếu tới nguyên do thứ nhất.

Thế giới nói cho cùng là nơi con người hợp tác và đấu tranh để bảo vệ lợi ích của mình hoặc nhóm mình. Trong mối quan hệ đấu tranh và hợp tác đó, giữa Phương Tây và Phương Đông, giữa các tôn giáo và ở các thời kỳ lịch sử khác nhau, quan điểm nhân loại nói chung bị chia rẽ khá sâu sắc. Tuy nhiên, vẫn có những chia sẻ quan trọng, thậm chí giữa các đối thủ tư tưởng, mặc dù họ có thể nhận thức được hoặc không.

Một quan điểm mà hiện nay vẫn còn rất nhiều tranh cãi trong việc chuyển ngữ giữa các hệ tư tưởng khác nhau về quản trị thông tin (tạm dịch cụm từ communication administration). Đây chính là yếu tố chi phối căn bản nhiều quá trình lịch sử, chính trị và ngoại giao quan trọng. Các nhà lý luận Phương Tây đã chỉ ra và thể hiện một các thẳng thắn nhất tư tưởng “chinh phục” và “quản lý” ngay cả nhận thức và tư tưởng của các đối tượng xã hội khác nhau trong một không gian chung là dư luận xã hội. Trong đó, họ tìm cách “đo lường” (mesure) nhận thức của đối tượng đó về một vấn đề nhất định.

Trong nghiên cứu dư luận xã hội, phương pháp phổ biến nhất là nghiên cứu bằng bảng hỏi.

Phương pháp này được minh họa bằng việc thiết kế các bảng hỏi với nhiều phương án trả lời khác nhau mà nội dung các câu hỏi đó không chỉ để tìm kiếm câu trả lời mà còn kiểm tra mức độ chính xác của các câu trả lời. Người trả lời thường không nhận ra là trong các bảng hỏi, nếu các câu trả lời là mâu thuẫn nhau một cách không hợp lý, thì mẫu (bảng hỏi được người đó trả lời) sẽ bị loại bỏ. Sau khi khỏi một số lượng người nhất định, người nghiên cứu sẽ tính toán tỷ lệ các câu trả lời giống nhau để đưa ra các số liệu cho thấy quan điểm phổ biến nhất trong dư luận xã hội về cùng một vấn đề.

Cách thứ hai, các nhà nghiên cứu không hỏi trực tiếp các đối tượng trong xã hội mà họ phân tích các thông tin mà đối tượng đó tiếp nhận hằng ngày thông qua phân tích các sách, báo mà họ đọc, kênh phát thanh truyền hình mà họ nghe, xem và các trang web mà họ tiếp cận hằng ngày. Các nội dung thông tin đó được phân tích thành các mẩu thông tin nhỏ hơn “statement” để đánh giá hàng ngày-tháng-năm, ở khu vực nào đó, độc giả của báo nào, khán thính giả của kênh truyền hình nào, được tiếp nhận các thông tin gì, giọng điệu ra sao, mức độ thế nào, tần suất là bao nhiêu.

Kết hợp với phương pháp bảng hỏi nói trên, các nhà phân tích truyền thông đã chứng minh được rằng “truyền thông không xui khiến được công chúng “nghĩ như thế nào” nhưng xuất sắc trong việc hướng dẫn họ “nghĩ về cái gì” (Schatz, 2011).

Hợp tác kiểm nghiệm giữa MediaTenor (công ty chuyên phân tích truyền thông) và Gallup (viện nghiên cứu dư luận xã hội) đã cho thấy dư luận xã hội thường thay đổi sau các thay đổi thông tin trên truyền thông với thời gian là ba tuần (khoảng 20 ngày). Chính vì vậy, các chủ thể truyền thông hoàn toàn có thể hướng dư luận xã hội theo hướng mà họ muốn, miễn là có chiến dịch truyền thông đảm bảo toàn diện và hiệu quả. Nghĩa là họ hoàn toàn có thể “chiếm lĩnh” được dư luận xã hội.

Đây chính là cơ sở để hàng trăm, hàng ngàn các công ty truyền thông và PR, các cá nhân hành nghề tư vấn truyền thông độc lập và bộ phận truyền thông của các cơ quan nhà nước được tạo ra, và có... công ăn việc làm trong thực tế. Mặc dù, nó phản ánh một cách rõ ràng sự chia sẻ nhận thức chung về sự tồn tại và hiệu quả thực tế của hoạt động “quản trị truyền thông”. Trong đó, hoạt động quản trị không đầy đủ, dẫn đến tâm lý “bài Hoa” gây ra các hệ lụy sau đây:

Ở Việt Nam rất ít người hiểu rõ, “Trường Sa và Hoàng Sa” trên thực tế là cụm đảo, bãi đá ngầm, rặng san hô nằm giữa biển. Có tới sáu nước có đường bờ biển với Biển Đông theo cách gọi của Việt Nam, và ít nhiều có các hoạt động tìm kiếm, sử dụng và bảo vệ sỡ hữu trên các đảo thuộc cụm đảo này tuyên bố chủ quyền (claim) của mình trên các đảo. Toàn bộ các đảo thuộc khu vực Trường Sa theo cách gọi của Việt Nam chưa bao giờ hoàn toàn nằm trong chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào.

Nếu người dân không hiểu rõ thực tế này thì sẽ có hai nguy hại lớn: thứ nhất là tâm lý bảo vệ sở hữu được vận dụng không đúng chỗ như dưới đây phân tích, thứ hai là do không hiểu rõ vấn đề, người dân cũng sẽ không có sự ủng hộ cần thiết đối với nhà nước trên phương diện ngoại giao và luật pháp quốc tế, hai phương diện được ưu tiên hơn trên bàn cờ này, ngay cả đối với các đối tác quốc tế khác như Mỹ, Nhật, hay Ấn Độ.

Quay lại hoạt động truyền thông về biển đảo của Việt Nam những năm qua. Hàng chục năm, chỉ có một thông điệp xuyên suốt “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Nói riết thành quen, ai cũng thuộc nằm lòng câu đó. Từ nhỏ tới lớn, người viết bài này lúc nào cũng nghĩ đúng là “của Việt Nam” thật. Chắc chắn hàng triệu người khác, cũng chỉ có một suy nghĩ đơn giản như vậy. Hậu quả là, khi một ai đó ý định hoặc hành động chiếm đoạt thứ mình đang sở hữu, thì phản ứng đầu tiên của mỗi người là phải tìm cách để bảo vệ nó, hoặc giành lại cho mình.

Cách suy nghĩ và hành động để “bảo vệ” hoặc “giành lại” là khác nhau. Cho nên, phản ứng của mỗi cá nhân và mỗi nhóm lại khác nhau.

Hành động kéo giàn khoan HD-981 của Trung Quốc vào vùng biển và có khả năng xâm phạm vào Trường Sa và Hoàng Sa “của Việt Nam”. Thì ý thức bảo vệ “vật sở hữu” của nhiều người dễ bị kích động, và trong thực tế đã bị kích động thành hành động bạo lực như vụ việc ở Bình Dương.

Vụ việc ở Hà Tĩnh cũng không nằm ngoài quy luật này. Nguyên lý thô sơ “mày đánh tao hoặc những gì thuộc về tao, thì tao đánh lại mày hoặc những gì thuộc về mày” được vận dụng triệt để. Nó gây tác hại lớn hơn nhiều khi tâm lý này lan truyền trong một đám đông vốn đã bất mãn với điều kiện làm việc, chế độ lương thưởng có phần “chặt chẽ” của các ông chủ Trung Quốc. Cộng dồn với tâm lý bài Hoa và bài tất cả những gì liên quan tới Trung Quốc, dù có thể hoặc không thể loại chúng ra khỏi đời sống, đã tạo ra sự kiện không đáng có tại Bình Dương và một số tỉnh công nghiệp ở miền Đông Nam Bộ.

Vậy thì phải làm gì để ngăn chặn?

Câu hỏi này là một dạng “rhetorical question”, có vẻ như là thứ mà người ta muốn hướng tới nhưng luôn cho rằng mình không bao giờ đạt được. Vì thiếu tư duy nghiên cứu và sử dụng dữ liệu thống kê một cách nghiêm túc và khách quan mà hầu hết các công việc thuộc về quản trị của người Việt luôn nằm ở trong tình trạng phải đi “khắc phục hậu quả”. Bắt người, phạt tù, hay đền bù khắc phục cho doanh nghiệp, dù có được làm tốt đi chăng nữa, thì cũng chỉ là “chạy theo để khắc phục hậu quả”.

Bài viết này tạm không đề cập tới các thông tin mà doanh nghiệp nước ngoài kêu ca vì chưa nhận được tiền đền bù. Chỉ giả sử, nếu không có những thông tin kiểu này, thì uy tín của Bình Dương như một khu vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài được xếp vào loại hàng đầu của Việt Nam cũng đã xuống thấp lắm rồi. Theo tính toán của các nhà nghiên cứu truyền thông, nếu cá nhân doanh nghiệp tổ chức bị sút giảm uy tín, thời gian trung bình để khôi phục mất khoảng ba năm. Đấy là dựa trên giả thiết các hành động khôi phục uy tín được thực hiện một cách bài bản, nghiêm túc, và dựa trên các nghiên cứu cẩn trọng.

Điều đáng bàn hơn nữa là, nhìn vào những biến cố trên Biển Đông trong suốt thế kỷ 20, đặc biệt là nửa cuối, Việt Nam cần phải hiểu rằng, nước cờ đã được đặt lên bàn. Việt Nam nằm ở vị trí không thể không tham gia chơi. Quan trọng là cuộc chơi sẽ còn kéo dài. Đương nhiên, chơi theo kiểu cũ không còn phù hợp nữa.

Việc mà Việt Nam cần phải làm để ngăn chặn từ gốc những biến cố kiểu ở Bình Dương năm 2014 là:

1. Loại bỏ thông điệp cũ “Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam”, loại bỏ ám thị sở hữu, thẳng thắn đứng về cùng phía với các nước láng giềng gặp chung tình trạng bị o ép như Philippines để đưa sự thật ra công luận quốc tế.

2. Truyền thông để người dân trong nước hiểu một cách rõ ràng những gì đang xảy ra trên biển, kể cả thông tin về việc có tới sáu quốc gia cùng tuyên bố chủ quyền trên các quần đảo này.

3. Truyền thông để quốc tế hiểu thực tế những gì xảy ra trên biển và quan điểm phía Việt Nam một cách rõ ràng, thực tế và đúng sự thật.

Muốn đưa thông điệp một cách hiệu quả đến đúng từng nhóm đối tượng với các kênh truyền thông phù hợp, thì yêu cầu trước mắt là phải tìm hiểu xem công chúng hiện tại đang biết gì và nghĩ gì.

Bài viết xin quay trở lại phần trước như đã giới thiệu về đo lường nhận thức của các đối tượng công chúng khác nhau.

Tác giả bài viết: Nhung Nguyễn, từ Manila (Philippines)