Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TỪ PARIS NHÌN VỀ NƠI YÊN Ả TIẾNG SÚNG

(NCTG) “Chúng ta vui vì ngôi nhà không có tiếng súng, nhưng thật ra cái chết luôn quanh quẩn bên chúng ta và có thể hiện hữu bất cứ lúc nào”.
Minh họa: Internet
Cái giá cho sự tự do và yên bình của Việt Nam thật không thể lấy cái gì đánh đổi được” - trích bình luận (comment) của một bạn đọc trên báo “Thanh Niên Online”, bên dưới bài cập nhật tình hình nước Pháp bị khủng bố.

Một lần nữa, nước Pháp phải đối mặt với cơn khát máu của bọn khủng bố, hơn 150 người đã chết, con số thiệt hại về nhân mạng lớn nhất từ sau Đệ nhị Thế chiến tại đất nước được xem là trung tâm văn hóa Châu Âu.

Nếu như cuộc thảm sát ở tòa soạn tờ báo “Charlie Hebdo” hồi đầu năm, lý do được nêu ra, là vì những cây biếm họa của báo đã xúc phạm đến Hồi giáo, thì cuộc tấn công mới nhất nhằm vào nước Pháp đã vẽ bộ mặt thật của chủ nghĩa khủng bố.

Những kẻ khủng bố không vì Hồi giáo, một sự vịn cớ, hay nhân danh bất kỳ ai ngoài việc giết người để đạt mục đích thỏa mãn lối suy nghĩ vô nhân tính, chứng minh chúng “có khả năng” giết người để uy hiếp phần còn lại của thế giới.

Không chỉ tại Pháp, nỗi lo hiện lan rộng khắp châu Âu, nhất là ở Đức, nơi đã tiếp nhận gần một triệu người tỵ nạn Syria chỉ trong năm nay, bất chấp ẩn chứa nhiều nguy cơ từ những kẻ khủng bố trà trộn.

Nỗi lo lớn đến mức Thủ tướng Angela Merkel - xưa nay vốn được tôn kính bằng tên gọi thân mật “Mẹ Merkel” - giờ đây đã bị không ít người gọi là “con mụ Merkel” với đủ ngôn từ nguyền rủa.

Ngay tại thời điểm này, những lời ta thán dành cho bà Merkel và nội các của bà về việc đón nhận người tỵ nạn một cách hào phóng với con số khổng lồ vẫn không ngừng tăng lên, uy tín của bà giảm đến mức thấp nhất.

Không cần hỏi, người dân Đức đang lo lắng thảm cảnh rất có thể sẽ xảy ra tại đất nước của họ trong tương lai. Chuyện của nước Đức là ví dụ điển hình trong kỷ văn minh, khi con người đứng trước sự lựa chọn oái ăm, giữa đạo đức và bản năng phòng vệ lý tính của mỗi cá nhân.

Chiến đấu với chủ nghĩa khủng bố là bài toán toàn cầu, không dành riêng cho một quốc gia nào. Đó là một cuộc chiến không có định nghĩa về thời gian, không gian và thiệt hại về tiền của, nhân mạng.

Duy nhất, chỉ biết văn minh nhân loại không thể đứng cùng với khủng bố, không thể chấp nhận sự uy hiếp của nó vì như vậy đồng nghĩa với thất bại.

Tuy nhiên, cần phân biệt rõ rang chống chủ nghĩa khủng bố với chống những quyết định mang tính nhân đạo của con người.

Ở Úc có một điều luật dành cho dân nhập cư, mà người đến Úc thường lợi dụng. Khi làm hồ sơ hôn nhân, chỉ cần sinh con với người có quốc tịch hoặc người đã có thẻ thường trú ở Úc là bạn cũng sẽ có cơ hội được cấp thẻ thường trú.

Sở dĩ luật của Úc cho phép điều đó, là vì những nhà lập pháp đưa nó vào trường hợp “nhân đạo”: cho bạn ở lại Úc là vì đứa con của bạn, nói cách khác, chính nhờ đứa con mà bạn được hợp thức hóa trong chuyện xin quy chế thường trú nhân.

Đó là cách một quốc gia văn minh đối diện với sinh mạng trẻ em mặc cho những nguy cơ về nạn thất nghiệp, tệ nạn xã hội, nạn bạo động đến từ người nhập cư ngày một tăng cao.

Quay lại bình luận bên trên của độc giả nọ, tạm hiểu “tự do và yên bình” theo ý của bạn, đó là nước Việt không có cảnh bắn giết, cảnh khủng bố như Phương Tây. Về nghĩa đen, điều bạn nói hoàn toàn không sai. Ước gì tất cả chỉ có như vậy…

Người Việt không chết vì tiếng súng và bom rơi như những năm trước 1975, hay như cảnh tượng ở những quốc gia thường bị khủng bố, điều đó đúng.

Nhưng người Việt đang chết dần chết mòn bên sự tự do trá hình, bên cạnh cơ chế giáo dục không cho người Việt nhận thức và trưởng thành, đang ăn những thức ăn một ngày nào đó sẽ giết chết cả dân tộc mà không lời giải thích.

Bọn khủng bố tàn ác chứ không tàn độc đến thế.

Quyền được sống là quyền tối ưu của con người, một cuộc sống yên bình với gia đình cùng bè bạn. Nhưng nếu chỉ để được sống mà phải thỏa hiệp với mọi thứ trên đời, bất chấp công lý và liêm sỉ, thì tất cả giá trị nhân loại sẽ sụp đổ phút chốc.

Loài người lúc đó sẽ đứng ngang với các loài động vật như chưa hề có bất kỳ cuộc cách mạng tiến hóa nào.

Một sự yên bình giả tạo bao trùm, những ngôi nhà với tường cao cốt sắt được xây trước tiếng cười ngạo nghễ của lũ côn đồ. Pháp luật không thể bảo vệ người dân lương thiện, thay vào đó là sự áp chế đối với tiếng nói nhân dân thay vì lắng nghe và chia sẻ.

Dùng súng, dùng dao, dùng thực phẩm, dùng thực quyền… để giết người, tất cả đều là cướp đi sinh mạng người khác. Có tâm ma sẽ thành ma, đâu cần phải cầm súng mới có thể giết người.

Chúng ta vui vì ngôi nhà không có tiếng súng, nhưng thật ra cái chết luôn quanh quẩn bên chúng ta và có thể hiện hữu bất cứ lúc nào.

Lại có người nhân thảm cảnh chết chóc ở Paris rồi phỉ nhổ vào quyền tự do dân chủ. Họ không phân biệt được dân chủ và độc tài, không phân biệt được tai nạn và cái ác.

Điều hèn mạt nhất, họ lấy chuyện tang thương của quốc gia khác để ngụy biện cho nền tự do huyễn hoặc mà họ chỉ đang là những quân cờ.

Chúng ta đang hưởng tự do trong tâm thế của kẻ “ở trọ trong nhà mình”. Sự tự do chỉ có ý nghĩa khi cây xanh đứng hiên ngang giữa trời mà không cần quỳ lạy sự ban phát báng bổ lương tri.

Không lấy gì làm ngạc nhiên khi nơi yên ả tiếng súng đang khơi nguồn tội lỗi, vẫn được số phận bao che vì chưa đến giờ phán quyết điêu tàn...

Tác giả bài viết: Anh Thư, từ Melbourne (Úc)