TỪ MỘT CÂU CHUYỆN CỦA SẮC DÂN TZIGANE Ở HUNGARY...
- Thứ bảy - 24/05/2008 21:31
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Bằng thiện tâm và sự khéo léo trong cư xử, chính quyền có thể tránh được nhiều vấn đề hóc búa về dân tộc, chủng tộc...”.
Họa phẩm “Người Tzigane trẻ” của William-Adolphe Bouguereau (1825-1905)
Nhân vụ hai ngôn ngữ của sắc dân Tzigane (cách gọi khác là Rom, hay Gypsy) sẽ được sử dụng chính thức trong các cơ quan, công sở giáo dục, văn hóa, xã hội, hành chính và tư pháp của Hungary, theo một dự luật sắp được thông qua ở xứ này, tôi mới để ý tới sự khác nhau giữa hai khái niệm dân tộc thiểu số và sắc tộc thiểu số.
Dân tộc thiểu số, tức là dân gốc ngoại quốc, ví dụ cộng đồng Slovakia hay Bulgaria tại Hung; những người này có “nước mẹ” của họ. Còn dân Tzigane (có chừng 800 ngàn người, trên tổng số khoảng 10 triệu dân Hung) thì không có “nước mẹ”, nên gọi là sắc tộc thiểu số.
Điều kiện để một nhóm dân được công nhận là dân tộc hay sắc tộc thiểu số tại Hungary, là họ phải có những đại diện sinh sống ở Hung ít nhất là 100 năm. (Tôi cứ mơ ngày dân Việt được thừa nhận như thế, để có thể lúc nào bức xúc quá thì có cơ hội... chửi bọn Hung bằng tiếng Việt).
*
Từ mười lăm năm nay, khi Hungary phê chuẩn Luật về quyền của các dân tộc và sắc tộc thiểu số, mười hai cộng đồng dân tộc thiểu số (Ba Lan, Đức, Croatia, Romania...) tại Hung đã có thể dùng ngôn ngữ riêng của họ trong các giao dịch hành chính với chính quyền. Bây giờ, đến lượt sắc tộc Tzigane sắp được quyền này.
Mặc dù, người Tzigane tại Hung, hoặc là... đã không còn nói được tiếng Tzigane (đa số thuộc về trường hợp này), hoặc thạo cả tiếng Hung lẫn tiếng Tzigane và trước nay, họ chỉ dùng tiếng Tzigane trong gia đình, hay khi nói về những chuyện... tâm tình, cá nhân, còn ngoài xã hội thì vẫn nói tiếng Hung.
Vậy, nhà nước Hung sao tự nhiên lại... ngu vậy: chả ai đòi hỏi, mà sửa luật làm chi để phải “xì” thêm tiền trong lúc đang rất túng quẫn (50 triệu Ft hàng năm) và “rách việc” thêm (phải tuyển nhân viên thạo ngôn ngữ Tzigane trong các công sở, để “tiếp dân”)?
Câu trả lời của chính quyền Hungary là: việc đưa ngôn ngữ Tzigane vào sử dụng chính thức trong cơ quan, công sở hành chính và văn hóa sẽ tạo điều kiện để những chuyên gia người Tzigane, hoặc thông thạo tiếng Tzigane có thêm công ăn việc làm, cũng như, để gia tăng sự hội nhập của người Tzigane vào xã hội Hungary.
Mặt khác, nó cũng nhằm đảm bảo sự bình đẳng về văn hóa, chính trị và bản sắc giữa các dân tộc, các sắc dân; đặc biệt, về mặt “tình cảm”, người gốc Tzigane, khi có việc lên “cửa quan”, sẽ cảm thấy tự tin hơn với “bản thể” của mình.
Chuyện nhỏ xíu của một nước yếu rệu rã, nhưng cũng cho thấy là, bằng thiện tâm và sự khéo léo trong cư xử, chính quyền có thể tránh được nhiều vấn đề hóc búa về dân tộc, chủng tộc...