Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TỪ CHUYỆN VIỆN SẢN UKRAINE BỊ OANH KÍCH, BÀN VỀ SỰ THẬT BÁO CHÍ

(NCTG) “Số ít các bạn vẫn còn tin ở “sự thật” từ kẻ ném bom lên đàn bà, trẻ con trên chính đất của người ta thì cũng đành chịu!”.
Có nên tìm kiếm sự thật ở báo “Pravda”? - Ảnh tư liệu
Hôm qua, trong một bài viết, mình có nhắc tới một bệnh viện phụ sản ở Ukraine bị đánh bom, và chia sẻ đôi ba bức ảnh. Một vài bạn ở Nga comment rằng đó là là tin giả (fake), và “nghi án” giả - thật này cũng đang được bàn luận sôi nổi trên mạng,

Thường thì khi chia sẻ tin, mình luôn dẫn nguồn, nhưng lần này mình chỉ nhắc tới sự việc trong ngữ cảnh của nó và chỉ chia sẻ ảnh. Không chắc 100% nên mình tìm lại nguồn, và nếu có thể tin các đài báo như CNN, BBC... và hầu hết các cơ quan báo chí quốc tế uy tín thì vụ đánh bom này là có thật.

Cơ quan duy nhất tuyên bố đây là tin giả, là mạng xã hội Nga ! Bộ trưởng Ngoại giao Nga cũng phải công nhận có vụ đánh bom, nhưng bảo “không có sản phụ nào chết” (có lẽ ông ta bí mật đi tới đó xem có ai chết không?)

Nhưng nhân đây, với tư cách một người có bằng cử nhân BÁO CHÍ tại NGA và đã làm việc hơn 30 năm trong lĩnh vực truyền thông với giới báo chí của cả hai phía, mình xin chỉ ra sai lầm mà nhiều bạn sống sau “bức màn sắt” hay mắc phải vì thiếu kiến thức, thiếu thông tin và đôi khi vì cãi bừa.

1. Ngụy biện thứ nhất:Báo chí ở đâu chả thiên vị, chả thủ đoạn tuyên truyền ủng hộ bên này hay bên kia. Độc tài thì có kiểm duyệt, có định hướng bằng chính phủ. Tư bản Phương Tây thì cũng kiểm duyệt định hướng bằng tiền qua ông chủ báo!”.

Vâng, đúng là chả có báo chí nào tự động khách quan và đạt được khách quan 100%. Nhưng báo chí chính thống Phương Tây được quản lý chặt bởi 2 điều: pháp luật và tiền.

Về pháp luật: Nếu đưa tin sai sẽ bị kiện nặng, có thể tốn rất nhiểu TIỀN, và phải xin lỗi. Nếu đưa tin thiên vị ca tụng một chiều, người dân dần sẽ chán và không đọc nữa (ai thích thư giãn uống cà phê nghe “lãnh tụ ca”?).

Dân không đọc thì lượng độc giả sút giảm, bán ít báo, hết tiền. Nhà quảng cáo cũng không quảng cáo trên các phương tiện không ai xem/ đọc, hay có xì-căng-đan đưa tin sai. Cũng mất tiền. Nhẹ thì chủ báo chửi cho, bắt chỉnh lại. Nặng thì chết đói.

Vì vậy Phương Tây mới có những vụ do báo chí phanh phui lật cả tổng thống đương nhiệm (Watergates), đưa tội phạm Mỹ Lai ra tòa án binh… và còn nhiều còn nhiều nữa. Và chưa thấy nhà báo nào bị ám sát, bị bỏ tù, chưa có báo nào bị dẹp tiệm vì viết những điểu tổng thống, thủ tướng không thích.

Hồi mình đi còn học, nước tư bản lớn nào cũng có một tờ báo của Đảng Cộng sản, có những tờ to phết như “L’Humanite” của Pháp, “The Morning Star” ở Anh và “The Daily Worker” tại Mỹ. Tiền hồi xưa thì do bán sỉ sang Liên xô và Đông Âu chứ bên Phương Tây ít ai đọc .

Sau khi Liên Xô sụp đổ các báo này không biết số phận ra sao, chắc chuyển sang điện tử và cũng yểu. Còn ở các nước độc tài thì chỉ có báo của nhà nước mà thôi. Điểm qua một chút để có sự so sánh và đối chiếu.

Ở Việt Nam luật cũng không cho phép báo chí tư nhân một cách “danh chính ngôn thuận”. Nhưng ít ra ở ta, các cơ quan truyền thông cũng “lách” được để hầu hết các tờ báo nhiều người đọc trên thực tế đều là của các nhóm tư nhân.

Tuy nhiên, để theo đúng Hiến pháp, các nhóm này thường thuê một tổ chức yếu yếu nào đó như Hội Khuyến học, Hội Điện ảnh, Hội Câu cá... đứng ra làm cơ quan chủ quản với nhiệm vụ ngồi chơi xơi nước nhận tiền hàng tháng, còn thì báo tự tung tự tác.

Dầu vậy, hợp đồng thuê này luôn có điều khoản phải tuân thủ chặt chẽ các quy định hướng dẫn của Đảng và Nhà nước. Thế nên, chuyện ngôi sao ly hôn, giết người... tha hồ đăng té le, nhưng chuyện nhân sự cấp cao hay một số chuyện nhà nước cho là quan trọng - kể cả việc đếm ca F0 - cũng phải theo định hướng của Ban Tuyên giáo và của Bộ liên quan.

Ở Việt Nam cũng có kha khá nhà báo hoặc người cầm bút đã bị đi tù vì viết không theo định hướng, hoặc vì bị cho là “nói xấu” Đảng - Nhà nước (nói sai nói đúng, nói thật nói bịa ở đây tạm chưa bàn tới).

Còn báo chí cộng sản Liên Xô xưa thì tất nhiên có truyền thống đưa tin một chiều. Một vấn đề bất kỳ, bài của “Pravda” (Sự thật) hay “Ogoniok” (Ngọn lửa nhỏ) hay “Komsomol Pravda” (Sự thật Thanh niên) đều viết i xì như nhau cứ như bài phát biểu của lãnh đạo.

Nhớ lại, hồi đó mình là sinh viên Khoa Báo chí Quốc tế của trường đào tạo cán bộ ngoại giao Nga. Nói thật là suốt 6 năm mình không nhớ có đọc tờ “Pravda” - tờ báo lớn nhất của Liên Xô - lần nào hay không. Xem TV cũng chỉ xem phim, ca nhạc và duyệt binh, không mấy khi xem tin.

Mãi đến năm cuối, được cấp cái thẻ “Nghiên cứu làm luận án, mình mới được vào “phòng cấm” trong thư viện đọc các loại báo tư bản, rất nghèo nàn. Chủ yếu là mấy tờ cộng sản đã nêu ở trên, với thêm vài tờ “Newsweek”, “Times”, cũ cả dăm bẩy tháng.

Hồi đó mình có người quen trên Đại sứ quán Việt Nam nên lên đó mượn được mấy số “Newsweek” có viết về vấn đề Việt Nam “xâm lược” Campuchia, là chủ đề của luận văn tốt nghiệp của mình. Lúc ấy mới biết không phải cả thế giới đều biết ơn Việt Nam đã hạ bệ diệt chủng ở Campuchia.

Xong, mình chôm cuốn ấy về, thỉnh thoảng đi lại trong trường hay ngồi tàu điện ngầm ve vẩy mở ra đọc, người ta để ý nhìn nể lắm, hơn là xách túi Hermes hay chạy Porsche bây giờ!

Nước Nga của Putin hiện tại, tình hình báo chí còn tệ hơn nhiều. Các bạn thừa biết các vụ ám sát nhà báo, bỏ tù nhà báo và đình bản tổ chức báo chí nào “dám” đưa ra những điều Putin không thích, kể cả chuyện đời tư. 

Hôm 7/3 vừa rồi, Putin và Quốc hội Nga sửa luật (nhanh như điện) cấm báo chí đưa tin xấu về quân đội Nga và đưa tin về cấm vận của thế giới với Nga (đơn giản là cấm nói sự thật, vì tin gì trong hai chủ đề trên chả xấu?).

Hai người Nga đã bị phạt vì đưa tin trên mạng xã hôi về biểu tình chống chiến tranh ở Nga, dù chính phủ cũng phải công nhận có cuộc biểu tình lên tới 5.000 người, 3.500 trong số đó đã bị bắt giữ. Facebook, Twitter cũng bị cấm và phải vượt “tường lửa” mới xem được, nói gì đến báo chí bên ngoài.

Dài dòng chuyện mới chuyện cũ để nói rằng, đừng đo người khác bằng cái thước cong và ngắn của bạn!

2. Nguỵ biện thứ hai: bạn dẫn lời của chính phủ nước xâm lược và thông tin từ của mạng xã hội nước xâm lược đang bị cô lập toàn diện với thế giới, không có mặt ở Ukraine, chỉ cắt ghép vài hình ảnh na ná cũng từ mạng xã hội để bảo tin của các hãng thông tấn báo chí uy tín trên thế giới là tin giả!

Ai kiểm chứng là thông tin của bạn không phải tin giả?

Tin giả thì ở đâu cũng có trong thời mạng xã hội này. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng còn là nạn nhân và cũng là người tung tin giả tùm lum mà. Kinh nghiệm cho thấy nếu chia sẻ muốn tránh tin giả chỉ có cách tìm một nguồn từ tờ báo/ kênh truyền hình có tên tuổi nào đó.

Bởi lẽ, họ có phóng viên tìm hiểu, có nguồn tại chỗ và họ biết trọng pháp luật, sợ công luận, biết và cần giữ thể diện v.v... nên giảm thiểu được tệ tin vịt.

Vậy đi, số ít các bạn vẫn còn tin ở “sự thật” từ kẻ ném bom lên đàn bà, trẻ con trên chính đất của người ta thì cũng đành chịu!

Tác giả bài viết: Hoàng Thị Mai Hương, từ TP. Hồ Chí Minh