Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TRUYỆN (CHUYỆN) DÀI TỴ NẠN TRUNG ĐÔNG

(NCTG) “Chuyện tỵ nạn ở Âu Châu là một vấn đề đang lớn và nhức nhối, hẳn vậy, nhưng trong bối cảnh của khu vực, nó là một vấn đề lớn và nhức nhối từ đã nhiều năm qua cho các nước lân bang và lớn hơn gấp bội. Chiến tranh tại Syria, Iraq là vấn đề còn lớn hơn với người bản địa, IS có đe dọa là đe dọa họ chứ không phải là đe dọa người đi chợ Tesco hay là Carrefour”.
Nhà giàu đứt tay... - Ảnh: Internet
Hiện Châu Âu, chủ yếu là EU-28, đang phải đương đầu với làn sóng người tỵ nạn nhiều nhất từ Đệ nhị Thế chiến. Chuyện này đang xảy ra và sẽ tiếp diễn, không thấy lối thoát, tương tự như Đông Nam Á trong thập niên 80-90 trước hiện tượng thuyền nhân Việt Nam khi hơn 1 triệu người liên tục đổ vào bờ biển Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia hay là các cảng Hongkong, Ma Cao, Trung Quốc.

Thảm cảnh thuyền nhân có gây xúc động cho một bộ phận của dư luận chủ nhà, thì có một bộ phận khác chống đối và lo sợ. Ngoài thành phần bản địa thì trong các lớp nhập cư đến trước một vài mươi năm cũng có những phản ứng tương tự, tức là mâu thuẫn với nhau. Trong cộng đồng Việt chẳng hạn, thương hay ghét rất rạch ròi, rất ít chuyện “ở giữa”. Nhớ đến chính phận mình mấy thập niên về trước, kẻ thương thì, ta đã trải qua, hãy đoái hoài đến họ. Người ghét cũng nhớ lại bản thân, nhưng ta mới là chính đáng, chúng mày ví sao được.

Ở đây, xin điểm qua một số lập luận được đưa ra gần đây.

Trò ảo thuật của những con số

Con số người tỵ nạn năm 2015 được ước lượng là sẽ lên đến 800.000.

Cho đến giờ, con số đến bằng đường biển là 366.000. Ít được nói đến là người xin tỵ nạn bằng đường bộ, một bộ phận không nhỏ, chủ yếu là từ Serbia, Kosovo và Albania. Vì lẽ nào đó, dư luận lại ít nhắc đến và đánh tráo hoàn cảnh của họ với hoàn cảnh của người Syria, Iraq, Afghanistan (là những nước đang có chiến tranh), hay Sudan biến loạn, Eritrea đàn áp (là hoàn cảnh của tỵ nạn Việt trong những năm 80-90).

Trò ảo thuật này lấy hoàn cảnh của những người đứng sau và đổ lên đầu những người đứng trước, cộng chung lại và tăng lên nghe cho oách, khoác luôn cho cái áo Hồi giáo nghe cho ghê, và gần đây dư luận còn trà trộn thêm IS vào để mà phát khiếp. Nói cách khác, theo dư luận không ưa tỵ nạn thì “Âu Châu đang phải đương đầu với 800.000 di dân Hồi giáo quá khích sang đây để chữa răng miễn phí, trong đó chí ít có vài ba ngàn (có nơi còn hô là 20.000) IS trà trộn ôm bom”.

Xin nhắc lại là con số 800.000 này chưa đạt (ta mới ở tháng 9-2015) và đỉnh cao tỵ nạn của EU-15 nước là 1992 với 675.000 người. Năm 1992, 2,3 triệu người khu vực Balkans trôi dạt, nội chiến và phân chia khu vực khi Nam Tư tan rã. Trong số này không có người Syria, Iraq… lúc đó còn đang bận sinh sống yên bình tại nhà họ trên đất nước của họ, đưa con vào trường trước khi đến cơ quan, chở vợ đi mua sắm sau giờ làm việc, ngày nghỉ đi xem hát cả gia đình rồi ra công viên ăn bánh ngọt, bọn này chưa biết đến phúc lợi tại thiên đàng Âu Châu mà leo lên ghe bơm lội đến.

Trong thống kê EU-28 tổng kết 2014 (626.000):

- Đầu sổ là Syria, 122.000 chiếm 19.5% (sao, cả nhà đi đâu thế này, không ra công viên ăn bánh ngọt nữa à?)
- Tị nạn từ Kosovo (Âu Châu) là 38.000 và hàng 3, gần bằng Afghanistan (41.000 và hàng nhì).
- Tị nạn từ Serbia (Âu Châu) là 31.000, cao hơn Iraq (21.000).
- Tị nạn người Nga (Âu Châu) là 20.000, Albania (Âu Châu) là 17.000, cao hơn Somalia (16.000).
- Tị nạn Ukraine (Âu Châu) là 14.000, cao hơn Iran (11.000).
- Bosnia (Âu Châu) là 11.000 và Macedonia (Âu Châu) là 10.000 cao hơn Congo (7.000).
- Georgia và Armenia (Tây Á) là 9.000 và 5.700, cao hơn Turkey (5.200).


Tôi không có thống kê về tôn giáo, tuy là con số này ở đâu đó. Về mặt tôn giáo này, nếu Georgia và Armenia, Ukraine đâu đó 100% Ki-tô thì Syria, Iraq cũng có (10% và 6% dân số) và sẽ không lạ nếu tỉ lệ người Ki-tô đi tỵ nạn cao hơn là 10% hay 6% này. Dạo này ra công viên ăn bánh đã thấy IS nó nằm đầy hóng mát.

Về dân tộc, Syria, Iraq, Iran, Thổ còn có thể là dân tộc Kurd mang quốc tịch các nước này. Tại sao họ lại trá hình Thổ, Syria, Iran, Iraq? Tại vì họ không có quốc gia thôi. 15% đến 30% dân số Thổ là người thiểu số Kurd, chịu thua thiệt đủ điều (đầu tiên là cấm sử dụng ngôn ngữ Kurd, cấm lễ hội, văn hóa Kurd, không được may mắn như ta là người Việt ở Hungary, không bị cấm tổ chức ăn Tết và cấm… “Nhịp cầu Thế giới!”).

Hiện nhà nước Turkey đang đánh bom (bằng phi cơ chứ không phải bom người) các căn cứ của đảng PKK Thổ. Ta còn nhớ, tại Halabja 1988, Saddam Hussein dùng vũ khí hóa học tàn sát 5.000 người Kurd. Chặn đứng bành trướng của IS tại Syria là vệ binh Kurd, tại Iraq là quân đội Kurd khu vực tự trị.

Cộng đồng Kurd ngoài khu vực, lớn nhất là ở Đức và Thụy Điển. Tị nạn Syria-Kurd, Iraq-Kurd, Iran-Kurd, Thổ-Kurd có muốn đến nơi này thay vì ở Hy Lạp hay Ý cũng dễ hiểu.

Lựa chọn chốn dung thân

Trong thập niên 80-90, thuyền nhân Việt (nếu) được lựa chọn, giữa các nước A/B/C/D và nước E.

Tại A/B/C/D có giáo dục đại học miễn phí, có trợ cấp an sinh xã hội, có lương thất nghiệp tốt, có bảo hiểm y tế cho mọi người giàu nghèo, có nghỉ phép thường niên thành luật, sinh con được ở nhà lãnh lương mà nuôi trong một thời gian, v.v... Tại A/B/C/D, thu nhập bình quân và mức sống không kém, còn cao hơn là tại nước E. Tại nước E không có những phúc lợi này.

Khi “bị” các nước A/B/C/D nhận, người Việt đều buồn bã và than thân, một số còn bỏ trốn khi lên máy bay hay chống cự và nhất định chỉ muốn sang được E. Tại nước E có cộng đồng người Việt lớn, có bà con, bạn bè để bước đầu nhờ cậy, đâu cũng thấy hàng phở. Sang E, ở nhờ nhà thân nhân, có sẵn máy may gia công đặt trong bếp để lao động 14 tiếng một ngày quy ra 3 USD/giờ. Sang A/B/C/D nhà nước giúp/cấp cho chỗ ở, ăn trợ cấp, lãnh thất nghiệp, nếu lao động lương tối thiểu cao hơn gấp đôi, nhưng bơ vơ. Mọi người Việt đều cầu sang được E.

A/B/C/D là các nước Hà Lan, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan. E là Hoa Kỳ.

Ở đâu có khủng hoảng tỵ nạn?

Xem những năm về trước 2008, 2009, 2010 tỵ nạn Syria sang EU-28 ở mức 4.000-5.000. Chế độ Assad trước 2011 không phải là tự do dân chủ, không phải là không có mật vụ, nhà tù. Năm 2011, số tỵ nạn tăng, gần 9.000. Cuối năm 2011 tại Syria bắt đầu có biểu tình chống đối và đàn áp đi đôi, trở thành nội chiến gia tăng cường điệu:

2012 tỵ nạn là 24.000, 2013 là 50.000, 2014 là 122.000. Đây trong bối cảnh một nửa dân số Syria là tỵ nạn, 7 triệu trong nước và 4 triệu ngoài nước, 250.000 người thiệt mạng và 1.000.000 thương tích.

Trường hợp của Iraq, 2008, sau khi W tăng quân Mỹ, 27.655 tỵ nạn EU-28

2009, 18.845
2010, 15.830
2011, 15.230 tỵ nạn (Mỹ rút quân khỏi Iraq)
2012, 13.190
2013, 10.740


Đến đây ta thấy tỵ nạn Iraq thuyên giảm hằng năm mặc dù thiên đàng Âu Châu vẫn sáng chói và phúc lợi không thay đổi.

2014, tỵ nạn đang đà xuống đều đặn bỗng vụt lên 21.365!

Tại Âu Châu mới tăng tiền trợ cấp? Thay vì cho răng giả thì tặng luôn răng vàng (có hình trái tim, xin lỗi, có hình mặt trăng lưỡi liềm chứ)? Hay là vì IS xuất hiện, tháng 6-2014 chiếm Mosul và đe dọa cả Bagdad?

Khủng hoảng chưa từng thấy” tại Âu Châu này, thật ra so với khủng hoảng tại khu vực là chuyện nhỏ. Số tỵ nạn đăng ký tại Lebanon là 1.100.000 (tức 25% dân số Lebanon), tại Turkey là 2 triệu, tại Jordan là 650.000 (10% dân số Jordan). Riêng tại Iraq, có 240.000 ngàn tỵ nạn Syria! Tại Iraq là thiên đàng phúc lợi? Hiện người Iraq tỵ nạn nước ngoài là 400.000, 3 triệu đâu đó tỵ nạn ngay trong nước. Dễ hiểu, là vì tại Iraq ba ngày mới ăn bom một lần, còn tại nhà, ăn bom mỗi ngày, thôi ta chạy sang bên đó vậy, còn dễ thở hơn, được hai ngày “nhịn” bom.

Từ đầu năm 2015, 366.000 người sang tỵ nạn ở EU.
2014 120.000 người Syria xin tỵ nạn tại EU.
GDP bình quân EU-28 là 35.000 USD
EU= 28 quốc gia (cãi nhau ỏm tỏi)
4.500.000 km2 diện tích
dân số 508.000.000
GDP 18.165 tỉ USD

Lebanon hiện chứa 1.115.000 người tỵ nạn Syria.
GDP bình quân Lebanon là 18.000 USD.
Lebanon= 1 quốc gia (chẳng biết trở lại nội chiến lúc nào)
10.000 km2 diện tích
dân số 4.500.000
GDP 45 tỉ USD


Như vậy, để gánh người tỵ nạn bằng cho được Lebanon, thì EU phải:

Theo số quốc gia: nhận 31.220.000 người.
Theo diện tích: nhận 501.750.000 người.
Theo dân số: nhận 125.870.000 người.
Theo GDP: nhận 450.000.000 người.


Tỵ nạn ở đâu, và tại sao?

Nhưng ở Lebanon yên ổn, sao họ không ở đó mà còn tìm đường sang Âu Châu? Ở Lebanon gầm cầu góc phố không yên ổn, tại đây từ 1948 đã có 500.000 người Palestine mang quy chế tỵ nạn và họ chưa trở về nước, đố ai biết tại sao. Các giáo phái phe nhóm Lebanon vẫn còn đang hầm hè nhau và tình hình chính trị hết sức bấp bênh 25 năm sau nội chiến Lebanon.

Tị nạn đăng ký Syria được 13 USD/ tháng phiếu thực phẩm và quỹ này hiện đã cạn. Mới đây 60.000 đã trở tìm đường ra đi, không phải là sang Đức mà về nước họ vì chẳng có cách nào khác. Số tìm đường sang Âu là biệt lệ, vì sang Âu trước hết phải có tiền lộ phí. Dù vay mượn thân nhân nước ngoài, hay vốn liếng cả đời dành dụm không phải ai cũng được như vậy. Thành phần sang Âu là tinh hoa của tỵ nạn, có học thức, nghề nghiệp, hiểu biết, còn thành phần tỵ nạn tại Lebanon, 13 USD tiền ăn tháng giờ còn chưa có, dù mười đời dành dụm cũng không bước được lên ghe đâu, Âu Châu chớ nên sợ hãi thế.

Thế còn tại Thổ? Đây là nơi xuất phát chính của người tỵ nạn vượt biên sang Âu. Tại Thổ không có quy chế tỵ nạn định cư mà chỉ có quy chế bảo vệ tạm thời. Bạn không được thuê nhà, lao động chính thức, ở chui thì tiền thuê đắt hơn (chứ sao), làm chui thì tiền lương thấp hơn (chứ sao nữa). Vốn liếng mang theo có thể chịu đựng một thời gian, nên nhớ là họ đã ở đây từ mấy tháng hay hai, ba năm nay. Tương lai trở về lại mờ mịt.

Hành trình của người tỵ nạn đại để là thế này: đánh nhau tại đầu phố, hôm qua sập cả căn bên cạnh, thôi mình sang trú ở nhà bác Bảy cách đây 1 cây số. Lan đến nhà bác Bảy, nghe đâu tỉnh X còn yên, ta sang ở tạm xem tình hình, chú Ba thời trước tốt nghiệp cùng khóa với nhau. Tiếp tục khó sống, chuyển đến thành phố X nhưng cũng chẳng xong, thôi thì sang Thổ vậy (cả nhà chú Ba ăn bom thùng). Tại đây chị Hai ở Canada mỗi tháng gửi tiền giúp. Được một năm thì cùng quẫn, anh Tư đang ở Đức, cho vay mấy ngàn đóng tiền vượt biên, sang đó rồi sẽ lao động trả lại, anh giờ có cửa hàng Kebab, bố mày sao thì cũng là bác sĩ, chẳng lẽ không biết cách lát thịt nướng bỏ vào bánh mì.

Tỵ nạn có hàng ngàn chiến binh IS đi kèm?

Mới chỉ mấy tháng trước, Âu Châu ầm ĩ chuyện thanh niên thiếu nữ bỏ gia đình tại Anh tại Pháp đi theo IS. Số này vài ngàn, và tổng số tay súng của IS gốc nước ngoài có thể lên đến 30% lực lượng, nước ngoài khu vực Syria- Iraq, tức là kể cả chí nguyện từ Tunisia hay Chechnya, Bangladesh, không riêng gì Tây Phương. Tổng số tay súng của IS, theo CIA, là từ 10.000 đến 31.500.

Tuy tung hoành năm ngoái (700 lính IS đuổi 30.000 quân chính phủ khỏi Mosul) nhưng giờ bước tiến của họ đang khựng lại. Điều cần kíp trước mắt của IS là gì? Là tuyển thêm binh sĩ, là chiêu mộ tay súng, từ Âu từ Úc, từ đâu cũng cần hết. Chiến lược gia nào vào lúc này lại gửi mấy ngàn (!) quân sang Âu trong khi họ đang phải đương đầu với Free Syrian Army, với Al Nusra (tức là Al Qaeda - Syria), với Assad, v.v... thì quả là mưu cao. Những bạn ở tận Munich hay Birmingham mà còn sợ IS lại trách tại sao ở Mosul, Kobani mà lại đi tỵ nạn!

Chủ trương của IS là gì? Là tái lập một nhà nước Hồi giáo thống nhất trong khu vực, như trong quá khứ. Thủ phủ của nhà nước này là Berlin, Paris hay là Damascus, Bagdad đây? IS đã ly khai lục đục với Al Qaeda trên điểm quốc tế này. Al Qaeda mới tuyên chiến với IS vì mục tiêu và chủ trương xung khắc và mâu thuẫn. Al Qaeda là một tổ chức bí mật quốc tế, khủng bố toàn cầu, thành tích là đánh tháp New York, tàu điện London. IS là một quân đội, một “nhà nước” cai trị lãnh thổ tại địa phương và thành tích là mở rộng lãnh thổ này, mục tiêu là giữ gìn và bành trướng lãnh thổ trong khu vực đó.

Nếu có chuyện IS gửi quân ra nước ngoài thì chắc là để đi một vòng rất dài và bất ngờ tấn công Damascus từ một mặt khác. Assad thất thủ phải bỏ chạy, phân trần với nhà báo Nga: “Tôi tưởng nó chỉ đánh từ hướng Iraq lên nên phòng thủ kỹ càng, nào ngờ nó lại đánh từ hướng Anh hướng Đức sau khi mượn đường qua Hungary và chuyển quân từ bờ biển Calais nước Pháp chứ, bố tôi có sống lại còn không đỡ nổi chứ nói gì đến tôi chỉ là 1 bác sĩ chuyên khoa (hoa) mắt!”.
 
*

Tóm lại, chuyện tỵ nạn ở Âu Châu là một vấn đề đang lớn và nhức nhối, hẳn vậy, nhưng trong bối cảnh của khu vực, nó là một vấn đề lớn và nhức nhối từ đã nhiều năm qua cho các nước lân bang và lớn hơn gấp bội. Nhà giàu đứt tay đấy nhưng ăn mày đổ ruột non, ruột già và kể cả ruột dư từ bốn năm nay, không phải là một hiện tượng mới đối với họ. Chiến tranh tại Syria, Iraq là vấn đề còn lớn hơn với người bản địa, IS có đe dọa là đe dọa họ chứ không phải là đe dọa người đi chợ Tesco hay là Carrefour.

Ngày 20-9, theo tin mới nhất người tỵ nạn Syria mới tràn ngập các chợ Aldi tại Hamburg, che chở cho số thành viên IS trà trộn trong đám họ để mua sạch hết dưa leo.

Tác giả bài viết: Đỗ Khiêm