Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TRI ÂN TÙM LUM?

(NCTG) “... VTV được “nuôi” bằng thuế của dân, lẽ ra không thể và không nên có những hoạt động PR quá thoải mái, hồn nhiên, vừa mang tính “đánh bóng bản thân”, hoặc “tri ân” tùm lum, ồn ào, mất cân đối, để phục vụ sở thích hay một số mục đích nào đó của các quý vị có liên quan!”.


Mê mải tri ân nền giáo dục Xô-viết trên sóng VTV

Sau năm tháng đều đặn phát các phóng sự về chủ đề “Thầy trò Xô - Việt”, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp cũng với tên gọi “Thầy trò Xô - Việt”.

Ông Trần Đăng Tuấn, Phó TGĐ VTV, phát biểu: “Không chỉ là một việc làm tình nghĩa, chúng ta cũng cần nhân dịp này để tìm kiếm và suy nghĩ lại xem nền giáo dục Xô Viết đã làm cho chúng ta được những gì. Vì tại sao đến lúc này, chúng ta đã có hàng trăm ngàn du học sinh đến hàng trăm nước khác trên thế giới, nhưng không du học sinh Việt Nam ở đâu có sự gắn bó đến máu thịt như chúng tôi ngày xưa với nước Nga?”. (“Tuổi Trẻ”)

Thực ra, nếu VTV tiến hành phỏng vấn nhiều lưu học sinh (LHS) ở các nước khác, sẽ thấy rằng nền giáo dục khác và người dân các nước XHCN khác (Hungary, Romania, CHDC Đức…) cũng đối xử tình nghĩa không kém với LHS Việt. Cũng không có gì đảm bảo là “chúng ta đã có hàng trăm ngàn du học sinh đến hàng trăm nước khác trên thế giới, nhưng không du học sinh Việt Nam ở đâu có sự gắn bó đến máu thịt như chúng tôi ngày xưa với nước Nga”.

Có chăng, chỉ là lượng LHS Việt Nam ở Liên Xô khi trước đông gấp nhiều lần LHS tới các quốc gia khác, nên dễ tạo cảm giác như vậy. (Đấy là còn chưa nói đến chuyện ngay Mỹ và nhiều nước phương Tây khác cũng là các quốc gia mà từ thời mở cửa, đã đào tạo hiệu quả không ít học sinh, sinh viên cho chúng ta).

Ngoài ra, trên cương vị một đài truyền hình quốc gia, hoạt động chính thức bằng kinh phí Nhà nước (cũng là tiền thuế của nhân dân), VTV nên có sự cân đối giữa tình cảm (của lãnh đạo, hoặc nhiều hơn, của một nhóm – cộng đồng những người từng học ở Nga) với những lợi ích khác cho khán giả và quốc gia, tóm lại là nên công bằng hơn.

Tại sao lại không có những sự kiện được quảng bá rầm rộ như thế, tổ chức cho thầy cô giáo và du học sinh ở các nước khác? Nếu được biết VTV có sự “nhất bên trọng…” này, những nước khác có thể nghĩ gì về chúng ta?

*

Trên đây là một mẩu được viết cho chuyên mục “Phát ngôn Hành động ấn tượng” của chuyên san “Tuần Việt Nam” tuần qua, nhưng đã bị “kiểm duyệt”, có lẽ vì nội dung “nói thẳng nói thật”, “nhạy cảm” của nó!

Tuy nhiên, nhân Kênh truyền hình Ðối ngoại VTV4 cũng vừa truyền trực tiếp vụ giao lưu “Thầy trò Xô - Việt”, cũng thấy phần bình luận trên gợi ra vài ý hay, nếu được thảo luận rốt ráo:

- (Dân, con người) Nga (Liên Xô) tình nghĩa?

Đồng ý, nhưng dân và các nước khác thì kém phần tình nghĩa? Ngay cả khi (tạm) bỏ qua yếu tố tốt với nhau vì ý thức hệ, vì những quan niệm chung (có phần) bị áp đặt một thời, thì tôi nghĩ rằng còn rất nhiều nước (dân) tình nghĩa với người Việt (học tập, hoặc... di tản) tại đó.

- Nền giáo dục Xô-viết đã khiến cho Việt Nam được như Việt Nam bây giờ?

Ý này (nếu là khen) thì không rõ ràng lắm.

Đồng ý là Nga (mà chủ yếu là Liên Xô) đã đào tạo cho Việt Nam nhiều người mà bây giờ giữ các vị trí cao (trong số đó có một số người giỏi thực sự), nhưng chưa có thống kê nào – ít ra là tính trên tỉ lệ đầu người - chứng tỏ nền giáo dục Nga – Xô-viết nổi trội so với giáo dục các nước khác trong vấn đề này.

Ấy là còn chưa nói đến chuyện, nền giáo dục (và văn hóa) - và đời sống tinh thần nói chung - Liên Xô đã tụt hậu và “phản tiến bộ” khủng khiếp trong những năm thời Stalinist và sau đó, thời Chiến tranh lạnh, vì sự khô cứng, giáo điều và độc đoán, thì cho dù nó có đào tạo được những thế hệ LHS tốt hơn là nếu họ... học trong nước đi nữa, nhưng thử hỏi nó có để lại những “nọc độc”, “nhồi sọ” trong LHS Việt Nam hay không?

Cá nhân tôi nghĩ rằng, VTV được “nuôi” bằng thuế của dân, lẽ ra không thể và không nên có những hoạt động PR quá thoải mái, hồn nhiên, vừa mang tính “đánh bóng bản thân” (như trong vụ quảng cáo “Trái tim cho em” mà không ngày nào không tra tấn thần kinh khán giả vài chục lần), hoặc “tri ân” tùm lum, ồn ào, mất cân đối, để phục vụ sở thích hay một số mục đích nào đó của các quý vị có liên quan!

Vẫn biết, cho đến nay, rất nhiều người Việt tâm đắc và gắn bó với “tâm hồn Nga”, hoặc “tình nghĩa Nga”, nhất là những người từng có thời gian du học tại Liên bang Nga hoặc các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô-viết cũ. “Uống nước nhớ nguồn”, điều đó là rất đáng quý, và không ai có thể chê trách. Tôi chỉ phản đối sự PR tùm lum theo kiểu ngu dân, nhồi sọ.

Còn mỗi cá nhân, mỗi tập thể, TGĐ các công ty tư nhân tha hồ tri ân nước Nga, thày cô giáo Nga, người quen bạn bè Nga, có ai phản đối làm gì? Tuy nhiên, từ những tình nghĩa mang tính trải nhiệm cá nhân, diễn thành tập thể, tôi thấy lố. Cũng như trăng tất nhiên đẹp, ngắm trăng là điều nên, nhưng ngắm trăng tập thể (theo đơn vị đoàn thể) theo kiểu nhà văn Trần Mạnh Hảo từng mô tả trong tiểu thuyết “Ly thân”, e là điều không nên làm?

Tác giả bài viết: Người Dân