Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TRANH CHẤP BIỂN ÐÔNG DƯỚI LĂNG KÍNH HUNGARY

(NCTG) “Việc “tác động” vào “bạn bè quốc tế” ở Hungary để họ có những động thái đồng cảm, ủng hộ Việt Nam, xem chừng là một mộng ước ngây thơ, không đơn giản và dễ đạt hiệu quả như vài chục năm trước...”.

Những hình ảnh đẹp về sự thể hiện tình cảm ái quốc của người dân Việt Nam, cuối cùng cũng đã xuất hiện trên báo chí Hungary - Nguồn: mạng hirado.hu


Mấy tuần qua, Hãng Thông tấn Hungary MTI đều đặn đưa tin về các cuộc biểu tình phản đối chính sách gây hấn của Trung Quốc ở Việt Nam. Tựu trung, về căn bản, các bản tin (vắn) ấy đều cùng một cấu trúc:

- nhắc đến số người tham gia,

- gọi đó là biểu tình, biểu dương lực lượng, hành động phản đối, v.v...

- nói rõ địa điểm là trước ÐSQ Trung Quốc tại Hà Nội,

- đòi hỏi của các cuộc biểu tình là đòi Trung Quốc rời những nơi “mà đoàn biểu tình coi là lãnh hải Việt Nam”.

MTI nhắc đi nhắc lại một nhận định, theo đó, tuy Việt Nam là “một đất nước theo thể chế XHCN tập trung cao độ, sự thể hiện quan điểm, ý kiến nhìn chung bị kiểm tra ngặt nghèo”, nhưng lần này, “chính quyền có “dễ dãi” hơn nếu mục tiêu của cuộc biểu dương lực lượng ngoài đường phố là Trung Quốc”.

Vai trò của mạng Internet cũng được nhắc đến trong bản tin đầu của MTI: “... những biểu hiện phản đối Trung Quốc cũng được phép diễn ra trên mạng Internet. Trên mạng Facebook, trong mấy ngày qua, đã có vô số bài dè bỉu hàng hóa Trung Quốc và những tàu thuyền “hải tặc” Trung Quốc trên vùng biển xung quanh các quần đảo mà chủ quyền đang còn bị tranh cãi”.

Một câu mang tính thường trực trong các bản tin là: “Từ nhiều năm nay, Trung Quốc và Việt Nam vẫn tranh luận về chủ quyền của hai quần đảo trên biển Nam Trung Hoa, nơi tiềm ẩn trữ lượng dầu khí đáng kể”.

*

Kể ra, những bản tin vài ba dòng như vậy, xét về những thông tin thiết yếu thì cũng đầy đủ và không có gì sai sự thật. Tuy nhiên, văn phong “vô tư”, “trung lập” khi nhắc đến lý do biểu tình - xung đột ở vùng biển mà chủ quyền đang bị đôi bên tranh chấp - cho thấy quan điểm của Hungary (và có lẽ, của các nước XHCN cũ trong vùng Ðông - Trung Âu nói chung) đã khác xa thời xưa.

Ðã rất xa rồi cái thời hễ Việt Nam bị kẻ thù đụng tới là truyền thông Hungary - Ðông Âu đồng thanh hô “bỏ tay khỏi Việt Nam!” (El a kezekkel Vietnamtól!). Hiện tại, xung đột ở Biển Ðông, với họ, là chuyện xa vời lắm, họ không quan tâm và nói chung cũng không cần biết bên nào đúng, sai. Cho dù, không phải họ không biết, xung đột có thể vượt tầm khu vực, với đến tầm Châu Á và lan ra tầm thế giới, nếu có sự tham dự (không thể tránh khỏi) của các cường quốc vì những lợi ích đại cường.

Hungary - Ðông Âu bây giờ đã rất thực tế. Những kỷ niệm thời “bốn phương vô sản đều là anh em”, “hữu nghị” trên cơ sở ý thức hệ trong quá khứ họ không chối bỏ, không lên án, thậm chí có nơi gìn giữ như những kỷ niệm, nhưng không hơn. Thời nay là thời của thực tiễn, của những mối quan hệ đối tác song phương, đa phần về kinh tế và theo góc độ “đôi bên cùng có lợi”. Còn chuyện “phân xử” đúng sai, chuyện thiện cảm, ưu ái này nọ, dường như là những khái niệm không có trong pho “tự điển” mới về chính trị.

 
Ôn Gia Bảo bắt tay với người đồng cấp Orbán Viktor, từng được coi là một nhà đấu tranh nổi tiếng cho dân chủ và nhân quyền - Ảnh: Barakonyi Szabolcs (index.hu)

Thái độ “ve vãn” của liên minh cầm quyền Hungary FIDESZ-KDNP đối với Trung Quốc trong vòng 1 năm qua, và đặc biệt trong kỳ tiếp đón Thủ tướng Ôn Gia Bảo vừa qua (mà một số blogger nước này đã dùng từ rất nặng là “bán nước”), cho thấy toan tính kinh tế đã vượt hẳn lên - hay nói đúng hơn, đã đi ngược lại hoàn toàn - những bức xúc, những lời lên án về tình trạng nhân quyền, phi dân chủ và độc đoán của Trung Nam Hải mà Liên đoàn Thanh niên Dân chủ, trên cương vị đảng đối lập lớn nhất, đã thường xuyên lên tiếng trong nhiều năm qua.

Nhưng có lẽ, Hungary cũng không vì thế và không “dại” gì mà làm hỏng mối quan hệ hơp tác “hữu nghị truyền thống tốt đẹp” với Việt Nam, đã được “dày công vun đắp” trong hơn 60 năm qua và gần đây, được Ðại sứ Hungary tại Hà Nội Vizi László đánh giá là đang trong giai đoạn hoàng kim, phục hưng.

Với vài ngàn cựu DHS, NCS từng học tập ở Hungary, thông thạo ngôn ngữ và văn hóa Hung - trong số đó, nhiều người đã và đang giữ các cương vị quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế và văn hóa ở Việt Nam - Việt Nam được coi là nước có cộng đồng (không phải gốc Hung) nói tiếng Hung lớn nhất trên thế giới và đây là điều mà các lãnh đạo Hungary không muốn và cũng không thể bỏ qua.

Xét về ngắn và trung hạn, các doanh nghiệp Hungary có thể không với tới thị trường quá lớn, nhưng cũng quá mạnh của Trung Quốc vì không đủ sức cạnh tranh, ngay cả về mặt chuyển giao tri thức, công nghệ, phát minh sáng chế, xử lý nước, bảo vệ môi trường, v.v... là những lĩnh vực mà Hungary rất sở trường và tiềm năng. Tuy nhiên, Hungary rất có thể vào thị trường Việt Nam và thông qua cánh cửa Việt Nam để xâm nhập Ðông Nam Á - đây là điều mà giới lãnh đạo Hungary cũng không giấu giếm.

Sẽ không có chuyện Hungary sẽ kỳ thị cộng đồng Việt Nam bên này để “bênh” Trung Quốc như một số bà con ở đây lo ngại, vì Trung Quốc quá lớn, quá mạnh và quá... ngỗ nghịch để không cần bất cứ một sự bênh vực nào từ phía những nước “nhược tiểu” như Hungary. Nhưng việc “tác động” vào “bạn bè quốc tế” ở Hungary để họ có những động thái đồng cảm, ủng hộ Việt Nam, xem chừng là một mộng ước ngây thơ, không đơn giản và không dễ đạt hiệu quả như vài chục năm trước...

Tác giả bài viết: Hoàng Tuấn