Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“TRÁNG MEN” VI HÀNH

(NCTG) “Nói phải đi đôi với làm, nói được phải làm được, đó là những thứ dân chúng cần ở nơi người lãnh đạo. Một người lãnh đạo yếu kém về điều hành và quản lý lẫn phẩm chất nhưng lại luôn tự đánh bóng mình bằng những “show diễn” hẳn sẽ không qua mắt được dân chúng”.

Chuyến “vi hành” trên xe buýt của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị - Ảnh: “An ninh Thủ đô”


Không rõ tình cờ hay cố ý, hai chuyến vi hành: một của ông Bí thư Thành ủy Hà Nội và một của Đệ nhất Phu nhân của Chủ tịch nước nối tiếp nhau trong những ngày đầu tháng 7 vừa qua đã gây sự chú ý nhất thời của dư luận.

“Vi hành” là chuyến đi có chủ định, được cải trang sao cho không lộ thân phận của nhân vật chính. Xưa chỉ có vua, chúa mới cần đến vi hành, nhằm hiểu được thực chất cuộc sống và dân tình, tránh ngộ nhận bởi những lời sàm tấu.

Nay, không rõ sau chuyến vi hành của ông Bí thư Thành ủy Hà Nội và của bà Đệ nhất Phu nhân của Chủ tịch nước, hai vị ấy đã thu được những kết quả gì, song cái cách mà truyền thông rầm rộ đưa tin “tiền hô hậu ủng” như những ngày vừa qua đã khiến người ta không khỏi hoài nghi bởi vi hành gì mà lộ liễu, rầm rộ thế.

Nói như giới showbiz, thì nó gần như là một cuộc tự tạo “scandal” để đánh bóng tên tuổi, gây sự chú ý của dư luận nhiều hơn.

Có người còn bảo, hai vị ấy đang tranh thủ “lấy điểm”, một cho bản thân, một cho phu quân trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 12, khi mà năm 2016 đang đến gần. Ở xứ này, tất cả đều có thể.

Trước hết, hãy nói về chuyến “vi hành” của ông Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị.

Sau chuyến “vi hành” mà theo báo “Tuổi Trẻ” đưa tin là “chuyến đi kiểm tra tình hình thi công, sử dụng hè phố trên địa bàn thành phố và phát hiện việc thi công có nhiều bất cập, điển hình trong đó là đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu”, ông Nghị quyết định “yêu cầu giám đốc các Sở Xây dựng, Giao thông Vận tải, Quy hoạch - Kiến trúc phải kiểm điểm trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát quá trình đầu tư xây dựng, lát hè phố trong thời gian qua”.

Thoạt nghe có vẻ “đao to búa lớn” lắm, nhưng không phải vậy. “Kiểm điểm trách nhiệm”, chuyện nhỏ. Đó là cái khái niệm rất đặc trưng của cơ chế này, nó đã trở nên quá quen thuộc với người dân đến mức họ chán chẳng buồn nghe. Cái sự chán đã đến mức thành thơ, vè bên quán trà đá vỉa hè:

Lẳng lặng mà xem chúng hợp đồng
Nghiệm thu, giám sát, ký hoàn công
Công trình làm “bốn”, kê lên “chục”
Chất lượng – phong bì nặng khắc xong!

Lẳng lặng mà xem chúng kiểm tra:
“Nghiêm minh xử lý, quyết không tha…”
Của công trót rỉ dăm ba tỷ:
“Nội bộ phê bình… mức tối đa”.

Chúng” ở đây là những ai? Không nói nhưng hẳn ai cũng biết. Khi người dân đã gọi bằng “chúng” thì có nghĩa cái sự bất mãn, khinh khi đã đến “top level” cao ngất rồi.

Dư luận tự hỏi, phải chăng qua chuyến vi hành, mà ông Bí thư Thành ủy Hà Nội mới biết rằng chỉ để lát gạch (loại bình thường) cho một đoạn phố dài không đầy 500 mét mà người ta đã đốt đến 500 tỷ đồng từ tiền ngân sách, nghĩa là 1 mét vỉa hè lát gạch có chi phí tới 1 tỷ đồng (!); để làm 1 mét đường đoạn Kim Liên – Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu có chi phí lên tới 1,6 tỷ đồng, chi phí cao nhất thế giới?

Nếu quả thực như thế thì ông Bí thư Thành ủy lẫn thuộc cấp của ông là những người vô trách nhiệm, thiếu năng lực quản lý, mà trách nhiệm trực tiếp là thuộc về ông Bí thư. Bởi vì sao ư? Để cho một cái dự án với chi phí trên trời, kém hiệu quả kinh tế, đốt tiền ngân sách vô tội vạ như thế được triển khai, lại diễn ra trong một thời gian dài như vậy mà ông Bí thư lại không hề hay biết để điều chỉnh lại thì thật là lạ lùng.

Cũng có thể ông bận trăm công nghìn việc, không có thời gian để ý đến chăng? Nếu vậy thì cấp dưới của ông phải có trách nhiệm báo cáo cho người lãnh đạo cấp trên của mình chứ? Bình luận về vụ này, đám xe ôm Hà Nội bảo ông Bí thư Thành ủy Hà Nội chắc chắn bị đám thuộc cấp “chơi xỏ”. Hỏi: Sao biết? Đáp: Bởi chỉ có “chơi xỏ” lãnh đạo của mình thì chúng nó mới bí mật đội giá dự án lên cao ngất trời rồi giấu nhẹm đi để đợi đến lúc thanh tra, quy trách nhiệm và hạ uy tín thanh danh của ông Bí thư bởi ông là người đứng đầu ở Hà Nội. Cũng chả biết thế nào.

Chỉ biết, khi nhắc đến cái dự án “con đường đắt nhất hành tinh” của Thủ đô ngàn năm lẻ bốn văn hiến (lẫn vật) kia, người ta thấy thật đậm đà “chất humour” khi mà cách đây không lâu, trong kỳ họp Quốc hội, ông Nghị lại là một trong những người phát biểu/chất vấn hùng hồn nhất về vấn đề “nợ công sao lại phình to”, về “chống tham nhũng”, “chống lạm phát”, “thắt chặt chi tiêu”, “tiết kiệm”, “thắt lưng buộc bụng”, v.v…

Dù sao, dư luận cũng được phen thở phào nhẹ nhõm và chúc mừng ông Bí thư Thành ủy đã thành công với chuyến vi hành lần trước diễn ra vào trung tuần tháng 3-2014, bởi sau hai chục phút đứng trên xe buýt và đi qua năm điểm dừng, ông Bí thư Thành ủy đã an toàn và bước xuống xe trong niềm hân hoan mà không bị mất trộm ví tiền hay điện thoại bởi đám đạo chích. Kể ra thì đó cũng đã là một thành công lớn trong chuyến vi hành rồi.


Phu nhân Chủ tịch nước dùng bữa trưa với những người lao động nghèo tại quán Nụ cười 1 do ông Nam Đồng, cựu TBT báo “Pháp luật TP. HCM” sáng lập - Ảnh: P.Đ (vnexpress.net)


Ở đầu bên kia đất nước, tuy không quá rầm rộ như ông Bí thư Thành ủy Hà Nội, song sự xuất hiện của bà Đệ nhất Phu nhân của Chủ tịch nước tại quán cơm 2.000 đồng/suất dành cho người nghèo ở TP.HCM cũng không không thoát khỏi ống kính của báo chí.

Theo một số tờ báo trong nước đưa tin, vào trưa ngày 4-7, bà Mai Thị Hạnh – phu nhân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến quán cơm dành cho người nghèo (mỗi suất có giá 2.000 đồng) và ăn bữa trưa tại đây. Ngoài ra, bà Hạnh còn trao cho quán số tiền hơn 50 triệu đồng từ tiền bạn bè bà quyên góp.

Sau sự kiện này, có người bình luận: “Lại diễn kịch rồi, sao lại ‘ăn tranh’ cơm của người nghèo như thế?”. Riêng tôi, tôi không biết bà Đệ nhất Phu nhân có diễn kịch hay không, nhưng trong bộ đồ giản dị, chắc hẳn so với ông Bí thư Thành ủy Hà Nội, bà sẽ tạo được sự cảm thông nhiều hơn từ dân chúng. Một kịch bản thành công, việc chuẩn bị kỹ càng là điều kiện cần nhưng chưa đủ, người diễn viên cần phải nhập vai xuất sắc nữa, chắc chắn thế.

Tuy vậy, ở bà Đệ nhất Phu nhân, người ta vẫn thấy có một chút gì đó còn sót lại của “chất phụ nữ Nam Bộ”, nghĩa là có một chút gì đó gần gũi hơn so với ông Bí thư Thành ủy Hà Nội. Ở ông Nghị, người ta nhìn thấy bóng dáng của một ông quan phụ mẫu từ thời phong kiến nhiều hơn.

Vi hành, nói thì dễ, làm mới khó. Qua hành vi “vi hành”, người ta cũng biết được cái tâm, cái tầm của người “vi hành” ở mức nào. Vi hành sẽ giúp uy tín của người đi vi hành được nâng cao hơn trong dân chúng (mà người ta quen gọi là “sức mạnh mềm”, “quyền lực mềm”), nếu như đó là một người lãnh đạo thực sự có tâm, có tầm. Ngược lại, hành vi “vi hành” có thể trở thành một “trò lố” nếu như dân chúng đã “đọc vị” được anh là ai, khi đó, hành vi “vi hành” của anh chỉ là một vở kịch rẻ tiền trong mắt dân chúng không hơn không kém.

Nói phải đi đôi với làm, nói được phải làm được, đó là những thứ dân chúng cần ở nơi người lãnh đạo. Một người lãnh đạo yếu kém về điều hành và quản lý lẫn phẩm chất nhưng lại luôn tự đánh bóng mình bằng những “show diễn” hẳn sẽ không qua mắt được dân chúng.

“Vi hành” đôi khi nó cũng tạo cho người vi hành cái thú giống như việc uống trà vậy. Trà ngon nhưng chén cũng phải đẹp, lành lặn. Sẽ không ai dùng một chiếc chén rạn hay mẻ răng cưa để uống trà cả, dù cho nó được tráng lên mình lớp… men Tàu.

Tác giả bài viết: An Dân, từ Hà Nội