Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ AI?

(NCTG) “Khi truy nguồn trách nhiệm, người thì nói “bọn Tàu nó thâm”, người thì nói “chính quyền nó tham”... Nhưng trách nhiệm của những việc ngày hôm nay, thực sự thuộc về ai? Trách nhiệm thuộc về mỗi người trong chúng ta chứ không phải ai khác!”.
“Những ngày này, cảm giác tất cả mọi người như đàn cá mắc lưới, nhốn nháo, bất an, không lối thoát” - Trách nhiệm thuộc về ai? - Minh họa: thanhnien.vn
Trong bộ phim hoạt hình “Đi tìm Nemo” (Finding Nemo, 2003), khi cô cá Dory bị mắc vào lưới cùng một đàn cá, để giải cứu cho cô, chú cá Nemo đã kêu gọi cả đàn cá đang vùng vẫy hoảng loạn kéo cái lưới xuống. Sự đồng lòng của cả đàn cá đã và sự chỉ hướng của Nemo đã giúp tất cả thoát ra khỏi lưới.

Những ngày này, cảm giác tất cả mọi người như đàn cá mắc lưới, nhốn nháo, bất an, không lối thoát.

Cũng phải thôi, không lo sao được khi tai họa cận kề, không buồn sao được khi thương vong gần sát, không chán nản mệt mỏi sao được khi muốn thay đổi thực tại, cố gắng hết sức có thể nhưng cảm giác những việc mình làm như muối bỏ bể?

Những ngày này, lên mạng thấy bên cạnh việc chia sẻ thông tin còn thấy người ta cãi nhau, mỉa mai, hằn học với nhau, đổ trách nhiệm cho nhau. Hòn bấc ném qua, hòn chì ném lại, chẳng ai chịu nghe ai, ai cũng như đang ngồi trên chảo cát rang, chỉ cần động vào thôi là nóng bỏng rẫy.

Nhưng nóng thế, giận thế, cãi nhau thế, cuối cùng chúng ta được gì ngoài sự chia rẽ, mất bình tĩnh?

Khi truy nguồn trách nhiệm, người thì nói “bọn Tàu nó thâm”, người thì nói “chính quyền nó tham”... Nhưng trách nhiệm của những việc ngày hôm nay, thực sự thuộc về ai? Trách nhiệm thuộc về mỗi người trong chúng ta chứ không phải ai khác!

Không có bọn Tàu thâm nào làm hại được nếu chính mỗi người không tham. Không một chính quyền nào lũng đoạn được nếu chúng ta không bạc nhược. Ngày hôm nay được phôi thai từ hôm qua.

Nếu ngày hôm qua chúng ta lắng nghe con hơn, tâm lý với con hơn, coi con là một cá thể độc lập với những nét riêng biệt chứ không mang con ra so sánh với những đứa trẻ khác, để con thấy mình được yêu thương hơn thì ngày hôm nay sẽ có nhiều người ngồi lại với nhau hơn, bình tĩnh hơn, tôn trọng tiếng nói của người khác hơn để cùng suy xét và tìm ra giải pháp.

Nếu ngày hôm qua, chúng ta dạy con mình vứt rác đúng nơi quy định, dạy con biết tiết kiệm, dạy con biết phân loại rác, dạy con biết yêu thiên nhiên thì thảm họa hôm nay sẽ đỡ hơn rất nhiều.

Nếu ngày hôm qua, chúng ta không chạy trường, chạy lớp, chạy điểm cho con; không tới nhà thầy cô để xin xỏ; không quỵ lụy kẻ nắm quyền hay người lắm tiền thì ngày hôm nay sẽ có nhiều người bước ra khỏi vùng an toàn, vượt qua sợ hãi mà dấn thân vì lợi ích chung hơn.

Nếu ngày hôm qua chúng ta bớt thời gian xem ti vi, đọc báo mạng, bớt thời gian ngồi buôn dưa lê bán dưa chuột về đời tư của người khác, thay vào đó chúng ta đọc sách cùng con, chơi cùng con, học cùng con thì hôm nay chúng ta sẽ có những người trẻ tự tin, tràn sức sống, dũng cảm và hiểu biết hơn rất nhiều.

Điều khiến chúng ta bức xúc, lo lắng không phải chỉ là cuộc sống của mình không được đảm bảo, chúng ta còn lo cho cuộc sống của người thân, lo cho tương lai của con em mình.

Tôi có một số người bạn đã và đang làm cha làm mẹ, và con cái họ còn cả một tương lai rất dài phía trước. Khi hỏi “anh có lo cho tương lai của con anh không?”, điều đáng mừng là họ đều tâm niệm “không, mình cứ trang bị tốt cho nó kiến thức, kỹ năng là được, chúng nó sẽ giỏi hơn mình rất nhiều, không lo”.

Đúng thế thật! Chúng ta không thể đoán định tương lai, chúng ta cũng không thể theo ai đó suốt cuộc đời. Điều chúng ta có thể làm là trao tri thức và một nội tâm bình an trước mọi hoàn cảnh cho thế hệ sau. Và ngày mai có tươi sáng hơn hay không là ở sự thẳng thớm, tử tế của mỗi người trong ngày hôm nay.

Tác giả bài viết: Nguyễn Phương Dung, từ Hà Nội