Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TÔI, ĐẤT NƯỚC VÀ CUỘC CHIẾN UKRAINE

(NCTG) “Với tôi, trận tuyến không phải giữa Nga và Ukraine, giữa Putin và Zelensky, mà là giữa chiến tranh và hòa bình, giữa đàn áp và phẩm giá con người” - những chia sẻ của tác giả Phúc Lai từ Hà Nội, liên quan tới cuộc chiến Ukraine và nước Nga Putin.
Chiến lũy trên Quảng trường Độc lập, trái tim Kyiv, ngày 5/3/2022 - Ảnh: Serhii Nuzhnenko (Reuters)
Ngày 23/2/2022, nước Nga của Putin tuyên bố công nhận nền độc lập của hai vùng ly khai thuộc Ukraine tự gọi là “Nước Cộng hòa Donesk và Lugansk”. Trước sự kiện này, tôi bình luận khi cả nhà tập trung ăn sáng: “Càng ngày càng gây hỗn loạn, bất chấp luật pháp quốc tế”.

Ông ngoại hai đứa con tôi nghe thấy, bảo: “Ông Putin làm như thế là đúng. Bao nhiêu năm bị Phương Tây o ép, lại còn muốn kết nạp Ukraine một nước phát-xít vào làm thành viên”. Tôi trả lời: “Điều đó là do báo chí trong nước nói thôi, chứ thực tế như thế nào thì lại là việc khác, vả lại nước Nga không phải là Putin, Putin không phải là nước Nga. Những hành động này xuất phát từ sự điên cuồng của Putin”. Ông cụ nói: “Những gì ở Ukraine anh cũng là nghe bạn bè nói, và anh ghét Putin thành ra anh thành kiến như vậy”. Đến đây câu chuyện dừng lại, tôi không nói thêm để tránh tình hình trở nên căng thẳng.

Chỉ đúng 24 giờ sau, Putin xua quân vào nổ súng ở Ukraine. Từ đó đến nay hơn 10 ngày, trong gia đình chúng tôi một bầu không khí im lặng bao trùm. Ông cụ, dù là người chỉ xem VTV1 cũng không thể không biết đang có một cuộc chiến tranh diễn ra mà thành phố Kharkiv nơi ông du học sáu mươi mấy năm trước, là nơi hứng chịu đầu tiên. Nhìn ông cụ tôi luôn thấy trong lòng mình có sự thương cảm, vì ông là Phật tử đã quy y, ăn chay trường hai mươi mấy năm nay, không bao giờ ông ủng hộ một hành động chiến tranh cả.

Chắc chắn ông cụ không ngờ tình hình đã bị Putin đẩy đi quá xa như thế, và càng ngày càng trở nên khốc liệt hơn, đau thương hơn tỉ lệ thuận với mức độ điên cuồng và say máu của Putin. Nhìn ông cụ 85 tuổi già hẳn đi sau vài ngày vì cái đau thương của chúng sinh, tôi thương lắm nhưng còn hiểu xung quanh tôi cũng có rất nhiều người như cụ. Có mấy người bạn tôi yêu nước Nga, nhưng cũng hết sức buồn, và cả thất vọng vì hành động của Putin. Có người chị nói: “Ông ta muốn chứng minh điều gì chứ?”.

Bản thân tôi cho đến giờ phút này không bao giờ có xu hướng ghét bỏ hay thù hận gì những người “cuồng Nga cuồng luôn cả Putin” vì bản thân tôi cũng có thời như thế. Tôi nhớ trước 2014, có lần một người bạn thời sinh viên học ở Simferopol chia sẻ lên Facebook một tấm ảnh của Putin, tôi có dại dột bình luận: “Ông này đang kéo lùi nước Nga đi ngược lại tiến trình của văn minh nhân loại”. Chị ấy hỏi lại: “Ông ấy có làm gì cậu mà cậu ghét ông ta vậy?”.

Tôi trả lời: “Em không ghét ông ta, nhưng cách ông ta làm để cố ngồi trên ngai vàng của nước Nga, xáo bài quân xanh quân đỏ với Medvedev để quay đi quay lại với cái ghế, nó là cách của độc tài và hoàn toàn phản tiến bộ. Về nguyên tắc dù anh có tài giỏi mấy nhưng nắm quyền lực quá lâu sẽ cuồng loạn và phản động. Quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối. Người lãnh đạo mà thực sự tài giỏi người ta sẽ xây dựng cho đất nước một thiết chế văn minh vững chắc, thì dù mình có không làm lãnh đạo nữa những người kế thừa sẽ vẫn tiếp tục cùng đất nước đi đến văn minh thực sự”.

Nếu lúc trước cố trả lời đến cùng với ông cụ ở nhà, tôi cũng sẽ trả lời như thế. Tôi không ghét Putin, nhưng vì là người học luật nên gắn liền với các nguyên tắc tổ chức chính trị, tôi buộc phải quan tâm đến những cách thức nắm quyền lực đặc biệt là khi nó ngược lại với những nguyên tắc văn minh. Vì thế tôi đi từ thích Putin ở những đức tính mạnh mẽ, kiên định nhưng lạnh lùng và bình tĩnh đến không đồng ý với cái sự “tham quyền cố vị” và ngay từ lúc ông ta “xáo bài” sửa Hiến pháp, đã đoán chắc là ông này sẽ càng ngày càng trở nên “phản động”. Tôi vẫn thích nghe nhạc Nga, xem phim Nga… nhưng nhận thấy những điều Putin đang làm, chỉ có tàn phá nước Nga mà thôi.

Đến đây thì tôi nhớ ra, đã có lần ngay cả ông cụ nhà tôi cũng hỏi: “Chẳng nhẽ dân Nga người ta ngu cả để lựa chọn ông ấy làm Tổng thống và lại còn lâu như thế?” – câu hỏi này nếu ngồi nói chuyện kỳ cùng thì chính cụ cũng sẽ tìm ra câu trả lời trước tôi.

Có rất nhiều điều mà nếu nói nôm na ta có thể cho rằng, nó là “định mệnh”. Thật ra đâu cũng có người thế này, người thế khác nhưng tôi đã có lần viết trong “Nếu như lúc này tôi ở Ukraine...”: người có nghiệp nặng nghiệp nhẹ khác nhau, và khi ta được/ bị thác sanh vào một đất nước con người phải chịu nhiều khổ đau hơn chỗ khác, thì ở đây chúng ta có thể mở rộng sang: con người có thể bị rơi vào xứ nào đó đang thịnh hành sự tuyên truyền có chủ đích của nhà cầm quyền hơn chỗ khác. 

Giống như chúng ta hay nghe than phiền là “truyền thông Phương Tây cũng định hướng bỏ xừ!” – không phải là “cũng định hướng bỏ xừ” mà rất định hướng, nếu chúng ta đọc những bài báo kể cả các trang uy tín nhưng chúng ta cũng cần hình dung rõ: đó là những bài bình luận mà người ta mời những cây bút, những người bình luận có chủ kiến rõ ràng thậm chí cực đoan. Tuy nhiên về nguyên tắc của báo chí tự do, thì việc đưa tin thông tấn người ta không được phép làm thế, mà làm thế nào tin tức phản ánh sát nhất với những gì diễn ra trên thực tế. Còn ở xứ nào đó thì ngay việc đưa tin thông tấn cũng đã bị định hướng rồi.

Ở đất nước của chúng ta, không phải ai cũng có cái may mắn nhận ra được có cái sự ca ngợi một chiều đã bị duy trì quá lâu. Những người “được” trang bị những suy nghĩ như ông cụ nhà tôi không những không ít, mà có thể nói là rất nhiều, chiếm đa số trong xã hội. Hết thảy nếu có vấn đề gì cứ dính yếu tố Liên Xô, Nga, Mỹ, Putin… là tự động chỉ có Mỹ là “diều hâu”, Nga là “nhân hậu” và “vì hòa bình”, Nga chỉ có “tự vệ” chứ không tấn công ai bao giờ, nếu tấn công cũng là để tự vệ…
 
Những bóng người trên sân ga, Kyiv ngày 4/3/2022 - Ảnh: Gleb Garanich (Reuters)
Những bóng người trên sân ga, Kyiv ngày 4/3/2022 - Ảnh: Gleb Garanich (Reuters)

Trước cuộc chiến tranh Nga – Ukraine, ngay ở Việt Nam chúng ta đã thấy nhiều người tin rằng ở Ukraine xu hướng phát-xít hóa đang càng ngày càng rõ rệt, và nhiều người gọi giới cầm quyền Ukraine là “bọn phát-xít Kyiv”. Như vậy có thực đúng chăng? Chúng ta hãy cùng nhìn lại chính trị Ukraine sau năm 1991 với sự ra đời và tồn tại của Đảng Tự do hay với tên gọi Đảng Quốc xã Ukraine (tiếng Ukraine: Соціал-національна партія України, SNPU) và hành động như người ủng hộ dân túy của chủ nghĩa dân tộc và chống chủ nghĩa cộng sản.

Chính vì cách đặt tên như thế này nên nó sẽ rất dễ dàng:

– Dẫn người ta tới việc quy kết giữa mối liên kết “quốc gia – xã hội” sang “quốc xã” nghĩ là phát-xít.

– Bản thân chủ thuyết “quốc gia – xã hội” ở Đức ban đầu gần với “Chủ nghĩa xã hội” nhưng khác ở chỗ nó đưa quốc gia lên hàng đầu, còn tư tưởng cộng sản thì ủng hộ tinh thần quốc tế tiến tới xóa bỏ ranh giới quốc gia. Bất cứ cái gì đã đi vào cực đoan sẽ tha hóa và phản động, kể cả tư tưởng cộng sản. Vì thế chúng ta đã chứng kiến có những tư tưởng cộng sản trở thành tội đồ của nhân loại như Chủ nghĩa Mao (Maoism) đã có đệ tử là Polpot – Ieng Sari và phong trào “Con đường sáng” Tupac Amaru ở Peru…

Khi Chủ thuyết Quốc xã đi vào cực đoan sẽ trở nên phản động và trở thành Chủ nghĩa phát-xít. Đặc điểm của Chủ nghĩa phát-xít là chủ trương đề cao một dân tộc thượng đẳng và tiêu diệt các dân tộc khác bằng bạo lực, cụ thể là chiến tranh. 

Sau Thế chiến thứ Hai, đặc biệt là sau sự tan rã của Liên Xô, ở các nước thành viên cũ thuộc quốc gia đã chết này - đặc biệt là ba nước Nga, Belarus và Ukraine - đều xuất hiện các phong trào cực đoan mà người ta gọi là “Phát-xít mới”. Thời tôi ở Moscow cỡ cuối thập niên 2010, phong trào này vẫn hoạt động rất mạnh, tập trung tấn công vào người nước ngoài. Giữa thập niên này một sinh viên Việt Nam tên A.T. đã bị phát-xít mới ở Nga giết hại, đâm xuyên người từ trước ra sau nhiều nhát bằng dao săn.

Đó là thời kỳ cứ ngày 20/4 hàng năm, sinh nhật Hitler là nhiều các trường đại học ở nước Nga đặc biệt ở Moscow, Saint Petersburg và Smolensk cho sinh viên nước ngoài nghỉ học cho an toàn. Như vậy, phong trào phát-xít mới là vấn đề của bất cứ xã hội nào, chứ không phải riêng ai. Với Ukraine cũng vậy, đó chắc chắn là vấn đề của Ukraine đặc biệt là trong trường hợp Đảng Tự do đi theo xu hướng “phát-xít hóa” tức là “bạo lực hóa”, hay nói cách khác là đi vào con đường chống lại xã hội.

Tôi sẽ đặt một câu hỏi cho tất cả chúng ta cùng suy nghĩ, nếu Đảng Tự do Ukraine là phát-xít nhưng nó lại tồn tại từ 1991 đến nay, trải qua ít nhất 3 đời tổng thống đặc biệt thời ông Viktor Fedorovych Yanukovych được coi là thân Nga. Vậy thì tại sao nước Nga được coi là “thành trì của hòa bình và tiến bộ”, lại không giúp Ukraine khi đó vừa là đồng minh và giống chư hầu diệt trừ cái đó, mà để đến sau năm 2014 mới thực sự lôi ra và tuyên truyền đặc biệt mạnh mẽ về “phát-xít Kyiv” từ sau thời ông Zelensky lên nắm quyền?

Thực tế thì Moscow đã làm điều đó (tuyên truyền về “phát-xít Kyiv”) ngay trong thời các tổng thống “thân Nga” đó, như một biện pháp hỗn hợp kiểu cây gậy và củ cà rốt. Khi các vị tổng thống này còn ngoan ngoãn, thì chỉ tuyên truyền nhẹ nhàng giữ đà, còn nếu “có biến” thì tăng tốc cho toàn chiến lược biến thành bôi nhọ. Vậy thực tế cần nhìn nhận tình thế này của Ukraine ra sao, khi chấp nhận một đảng cánh hữu có xu hướng cực đoan trong chính trường của mình? 

Chúng ta cần nhìn lại lịch sử của đất nước Ukraine, là nước mà Chủ nghĩa dân tộc đã ra đời và tồn tại khá lâu, thậm chí là trước đây đã từng chống lại Sa Hoàng Nga và sau đó chống lại chính quyền Xô-viết và không ngần ngại sử dụng bạo lực. Với họ thì quan hệ dân tộc Ukraine với Nga, cũng chưa chắc đã tốt đẹp hơn với dân tộc Đức. Đó cũng là lý do mà người theo chủ nghĩa dân tộc Stepan Bandera đã từng hi vọng dựa vào Đức Quốc xã để giải tán ách thống trị của người Nga trên đất nước.

Số phận long đong của ông đủ nói lên tính phức tạp của vấn đề: hợp tác với Đức để có được độc lập cho Ukraine, nhưng khi tuyên bố Ukraine độc lập lại bị Đức nhốt vào trại tập trung. Khi Đức thua lại thả ông ta ra để… chống lại Hồng quân. Chính tính cực đoan của chủ nghĩa dân tộc dẫn tới sự phức tạp trong hành động của con người, và điều này chưa dừng lại khi Bandera được phong anh hùng Ukraine năm 2010 cho thấy mâu thuẫn giữa một bên là mong muốn tôn vinh dân tộc trong hoàn cảnh bị o ép lâu đời bởi một dân tộc khác, với những hành động sai lầm trên thực tế của một cá nhân trong lịch sử.

Vậy tại sao Ukraine không tiêu diệt phong trào này, cụ thể là Đảng Tự do? Hãy nhìn vào lịch sử nước này mà tôi vừa viết một chút trên đây đủ thấy, “tư tưởng dân tộc” dù nó có thế nào, thì nó là một yếu tố đáng kể trong xã hội Ukraine. Đã là tư tưởng, thì không thể chống nó bằng bạo lực, mà chỉ có thể cảm hóa nó bằng những tư tưởng và hành động văn minh. Nếu đàn áp một tập đoàn người đã liên kết với nhau về tư tưởng bằng bạo lực, sẽ chỉ làm cho tư tưởng đó càng sống khỏe và bạo lực lại đẻ ra bạo lực.
 
Tặng hoa cho khách bộ hành nhân Quốc tế Phụ nữ tại metro Kyiv, 8/3/2022 - Ảnh: Kiss Dániel (index.hu)
Tặng hoa cho khách bộ hành nhân Quốc tế Phụ nữ tại metro Kyiv, 8/3/2022 - Ảnh: Kiss Dániel (index.hu)

Vì thế tôi cho rằng cách của Ukraine đang làm trong chính trường của mình là đúng: nếu Đảng Tự do đi theo con đường cực đoan và bạo lực, thì các cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật, còn nếu chưa thì sẽ ngăn chặn quá trình này bằng cách xây dựng một xã hội với các tư tưởng văn minh. Vì thế, ở cuộc bầu cử 2014, Đảng Tự do Ukraine đã mất 30 ghế trong Quốc hội, chỉ còn 6 (trước đó là 36), thấy có thông tin là còn ít hơn nữa dưới thời tổng thống Zelensky. Điều này nói lên một điều là Ukraine đã làm đúng việc đấu tranh với những tư tưởng cực đoan bằng phương pháp văn minh.

Các đảng phái chính trị cực đoan ở trong chính trường các nước Phương Tây không phải không có, nhưng sự phát triển và sức ảnh hưởng của họ đến đâu, bạn đọc sẽ rõ hơn tôi. Ukraine hướng về Phương Tây, không phải hướng về sự phồn vinh mà hướng về các thiết chế dân chủ và mong muốn xây dựng một nền văn minh, điều mà họ cũng đang tự làm thể hiện ở quá trình đấu tranh trên đây chống lại Chủ nghĩa cực đoan.

Vì thế chúng ta có thể thấy rằng, Putin hoàn toàn không chống phát-xít như vẫn đang tuyên truyền, mà đổ vấy cho người khác là phát-xít trong khi chính ông ta đang sử dụng bạo lực để giết hại con người. Nếu như người ta là phát-xít thật thì ông cần nêu cao lá cờ dân chủ và văn minh chứ không phải bằng cách như thế.

Chúng ta khi nói “Hồng quân đã là lực lượng chính tiêu diệt Chủ nghĩa phát-xít” – điều này đúng gần hết nhưng cần được hiểu rõ. Không ai có thể chỉ tiêu diệt tư tưởng trong một con người và rộng hơn, cả một hệ tư tưởng trong một tập đoàn người. Hồng quân Liên Xô và Đồng minh chỉ tiêu diệt một quân đội, tiêu diệt sức mạnh quân sự của một quốc gia mà hệ tư tưởng phát-xít thắng thế, còn sau đó người tiêu diệt Chủ nghĩa hay tư tưởng phát-xít, chính là những người Đức.

Ở đây không cần phải phân biệt giữa Đông Đức hay Tây Đức, dù sao thì từ hơn 30 năm qua người Đức đã bỏ lại phía sau những phân biệt nào đó do người ta cố tình tạo ra để tạo lập một nền văn minh chung. Và chính ngày hôm nay chúng ta đang chứng kiến người Đức hạ xuống nguyên tắc giúp họ tránh xa “bạo lực trong bóng đen của Chủ nghĩa phát-xít” để giúp một quốc gia khác đang phải chiến đấu trước một thế lực hắc ám mới. Dù có nói thế nào thì ai phát-xít ai tiến bộ, người có lương tri cũng sẽ nhận ra hết.

Viết những dòng này, có phải tôi tôn thờ Phương Tây hay Hoa Kỳ? Tôi dám chắc rằng ở đâu thì xã hội cũng đều có những vấn đề của riêng nó. Tôi có không thiếu bạn sống ở các xứ văn minh Phương Tây nhưng tâm hồn vẫn rối bời và không hạnh phúc. Tôi lại biết nhiều người dành quá nửa đời kiếm tiền ở quê hương mong có một ngày định cư ở một nước như thế, nhưng chỉ sang đến nơi vài năm là đổ vỡ đủ thứ: người tan vỡ gia đình, người bị ung thư và lại muốn về chết trên quê hương. Vì thế nếu có ai đó hỏi tôi: “Có muốn sang một nước nào đó sống, như Mỹ, Australia, Pháp, Anh… sống hay không?”, thì tôi có thể trả lời: tôi sống ở quê nhà của tôi hiện nay thế này là quá tốt rồi, không mong muốn gì hơn nữa.

Vậy tôi mong muốn gì khi viết bài này? Hôm qua xem đâu đó người ta bình luận là chính Tập Cận Bình cũng bị Putin lừa, tưởng ông ta chỉ hành động men men đâu đó trong hai vùng ly khai, ai dè lại phá tan hoang lên như thế. Lại có rất nhiều người từ trước cuộc chiến tranh này đã đoán nếu Nga chiếm Ukraine thì Trung Quốc sẽ chiếm Đài Loan. Đảo quốc này bé và khó bảo vệ lãnh thổ hơn Ukraine nhiều, nhưng lại có thỏa thuận chung về bảo vệ với Hoa Kỳ, nên việc Trung Quốc thu hồi Đài Loan sẽ gây tan hoang…

Chúng ta không nên quên là hòn đảo này đóng vai trò quan trọng như thế nào trong nền kinh tế Hoa Lục. Vì vậy tôi không cho rằng Trung Quốc sẽ thu hồi Đài Loan, mà lo sợ rằng nếu Putin chiến thắng nhanh chóng, Trung Quốc sẽ mạnh tay ở Trường Sa. Putin thì sa lầy, và do đó Trung Quốc điều chỉnh kế hoạch xuống mức “tập trận” chăng? Cho đến khi bài viết này lọt vào mắt bạn đọc, có thể Trung Quốc đã tập trận ngay trong vùng biển chung đã được chia bôi với Việt Nam được 3, 4 ngày rồi. Có thể họ sẽ không hành động lần này, nhưng lần sau, lần sau nữa… nếu Putin còn tại vị, Putin và Tập còn duy trì quan hệ “không giới hạn” như hiện nay, cứ Putin hành động thì Tập cũng hành động thì sao?

Hãy nhìn vào Ukraine hôm nay – ít nhất vẫn nhận được sự ủng hộ của đa số nước trên thế giới khi bỏ phiếu ở Liên Hiệp Quốc, nhiều hơn là sự hỗ trợ bằng hành động cụ thể của bao nhiêu nước Châu Âu? Nếu Việt Nam chúng ta cũng rơi vào một cuộc chiến tranh như thế, có thể cũng thu được số phiếu ủng hộ như thế, nhưng liệu có bao nhiêu nước sẽ hỗ trợ bằng vật chất, nói thẳng ra là vũ khí như thế? Khó lắm, chẳng có ai đâu nếu không dứt khoát từ bỏ đường lối “đi trên dây” như hiện nay.

Hãy đừng nói là hiện nay Ukraine đang trong một cuộc chiến tranh ủy nhiệm từ phương Tây để chống Nga – nói như thế hoàn toàn “phản động” trong lúc này vì hãy nhìn ai là người gây ra chiến tranh, ai là người đang phải bảo vệ Tổ quốc và phẩm giá?

Vì thế, nhắc lại, chính ra tôi không ghét hay thù hận những người cuồng Nga cuồng luôn cả Putin vì tôi cũng đã từng như thế; ngược lại tôi lại có xu hướng phản ứng mạnh hơn với thái độ lập lờ cố tình tỏ ra khôn ngoan. “Hãy xem lại đi, Mỹ và phương Tây đánh Iraq, Afghanistan thì sao?” – Tôi đã từng viết status về chuyện này: năm 1999 khi NATO không kích Kosovo, tôi đã cùng lũ bạn thanh niên của mình hô hào ủng hộ đại sứ Nam Tư và “ê” đại sứ Hoa Kỳ trong cuộc chạy vì hòa bình do TP. Hà Nội tổ chức, sau đó kéo nhau ra trước cửa sứ quán Hoa Kỳ để phản đối. Lúc đó, những người khôn ngoan các vị ở đâu? Bây giờ các vị có dám đến biểu tình trước cửa sứ quán Ukraine hay đến bày tỏ sự ủng hộ với “nhân dân Nga yêu chuộng hòa bình” chỗ đền Voi Phục, Cầu Giấy hay không?

Với tôi, thái độ lập lờ “khôn ngoan” này mới nguy hiểm. Nó ẩn giấu phía sau những tâm địa chẳng hay ho gì, nhiều người trong số họ vẫn ủng hộ bạo lực, ủng hộ một cuộc chiến tranh nào đó do thôi thúc bởi một tâm ác của quỷ dữ. 

Tôi nhớ có ai đó viết đôi câu thơ “Trận tuyến chia đôi em đừng ở giữa, dù chỉ là nghe nhạc Beethoven”. Với tôi, trận tuyến không phải giữa Nga và Ukraine, giữa Putin và Zelensky, mà là giữa chiến tranh và hòa bình, giữa đàn áp và phẩm giá con người.

Mong muốn của tôi do đó trên bình diện toàn đất nước từ lãnh đạo đến người dân, đã đến lúc gạt bỏ sự cực đoan “chỉ có tao là đúng” mà nhìn nhận những tiếng nói và tư tưởng khác biệt, từ đó xác định rõ được “không có kẻ thù vĩnh viễn, không có đồng minh vĩnh viễn, chỉ có đất nước và dân tộc là trường tồn”. Đã đến lúc xác định, Nga không còn là Liên Xô nghĩa tình trước đây mà là nước Nga của Putin, dưới sự dẫn dắt của một người từ tiến bộ đã bị “phản động hóa” đi ngược lại tiến trình văn minh của nhân loại.

Chỉ có xác định được rõ ràng trận tuyến, bước hẳn sang phía hòa bình và văn minh, chứ không phải là phía Mỹ hay Nga, thì đến lúc bị bắt nạt mới có thể được bênh và hỗ trợ. Hãy nhìn gương “nước nhỏ” Singapore, nhỏ thì nhỏ nhưng đã dám dũng khí đứng về phía của những người có phẩm giá. 

Nếu có lần sau, sẽ không phải chỉ là “tập trận” thôi đâu.

Tác giả bài viết: Phúc Lai, từ Hà Nội